1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người khuyết tật vượt khó, khao khát làm việc để khẳng định bản thân

Hoa Lê

(Dân trí) - Với bản tính cần cù, khéo léo, người khuyết tật luôn mong muốn có được việc làm phù hợp, có thu nhập để tự chăm lo cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Ngày 16/4, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức "Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ I năm 2024".

Tham gia phiên giao dịch việc làm có 32 doanh nghiệp với 1.117 chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó, 386 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật.

Người khuyết tật vượt khó, khao khát làm việc để khẳng định bản thân - 1

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam (Ảnh: Hoa Lê).

Phát biểu tại phiên giao dịch việc làm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, hiện nay, Hà Nội có 112.171 người khuyết tật, trong đó có 7.704 người khuyết tật có khả năng lao động. Nhiều người khuyết tật vươn lên làm chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, người khuyết tật có bản tính cần cù, khéo léo, nghị lực vượt khó và khát khao được làm việc để khẳng định bản thân. Họ luôn mong muốn có được việc làm phù hợp, có thu nhập để tự chăm lo cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

"Vì vậy, việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đồng thời còn ghi nhận vai trò của người khuyết tật trong đời sống xã hội", ông Nam nhấn mạnh.

Người khuyết tật vượt khó, khao khát làm việc để khẳng định bản thân - 2

Giới thiệu việc làm cho người khuyết tật (Ảnh: Hoa Lê).

Với ý nghĩa đó, trong thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật nhằm hỗ trợ, động viên người khuyết tật tích cực học tập, tham gia vào thị trường lao động.

Ông Nam trăn trở: "Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn, thì nay trong bối cảnh suy thoái kinh tế sau dịch bệnh Covid-19... vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật càng thêm nhiều trở ngại.

Đó cũng là điều chúng tôi muốn nói với cộng đồng doanh nghiệp, đó là giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà đó còn là trách nhiệm của cả cộng đồng doanh nghiệp, xã hội".

Người khuyết tật vượt khó, khao khát làm việc để khẳng định bản thân - 3

Người khuyết tật được tặng quà tại phiên giao dịch việc làm (Ảnh: Hoa Lê).

Cũng nhân dịp này, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội mong muốn người lao động khuyết tật hãy nỗ lực hơn nữa để tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng tay nghề để sẵn sàng đảm nhận được công việc của nhà tuyển dụng, qua đó khẳng định được giá trị của mình trên thị trường lao động.

Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cho biết, phiên giao dịch việc làm nhằm hỗ trợ thanh niên khuyết tật, người khuyết tật trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm ổn định.

Bên cạnh đó, thông qua đây, người khuyết tật được tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác về đơn vị tuyển dụng. Họ còn biết đến chính sách pháp luật về lĩnh vực việc làm, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về người khuyết tật.

"Những hoạt động như vậy đã góp phần thúc đẩy tuyển dụng lao động từ các công ty, doanh nghiệp với người khuyết tật", ông Dũng chia sẻ.

Người khuyết tật vượt khó, khao khát làm việc để khẳng định bản thân - 4

Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội (Ảnh: Hoa Lê).

Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội mong muốn được duy trì các phiên giao dịch việc làm để người khuyết tật có cơ hội việc làm trên thị trường lao động. Bên cạnh đó, người lao động khuyết tật phải nỗ lực hoàn thành công việc, chấp hành tốt nội quy, quy định công ty.

Tham gia phiên giao dịch việc làm, nhiều người khuyết tật mong muốn được học nghề và tìm được việc làm phù hợp năng lực bản thân. Chị Nguyễn Thị Nhường (30 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) mong muốn học nghề nấu ăn, từ đó có công việc cho mình để phụ giúp cho gia đình.

Ông Nguyễn Thế Khang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư công nghệ Đại Sỹ, chuyên sản xuất bóng đèn LED, cho biết, doanh nghiệp chuyên mảng công nghệ đang tìm kiếm những bạn biết về công nghệ thông tin, hoặc chưa biết thì có tư duy tốt để có thể đào tạo. 

Bên cạnh đó, công ty sẽ hỗ trợ người lao động có thể làm online, phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật.

Thông qua phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật, 735 người lao động được tư vấn việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động và phổ biến chính sách pháp luật.

Bên cạnh đó, 402 lượt người gặp gỡ trực tiếp, phỏng vấn với nhà tuyển dụng.

Cũng tại phiên, hàng trăm hồ sơ của người lao động được nhà tuyển dụng tiếp nhận. Đặc biệt, 72 người lao động đã được hẹn phỏng vấn lần 2 sau phiên giao dịch việc làm.