1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nữ thư ký choáng khi nghe phỏng vấn: "Em biết uống rượu không?"

Hoài Nam

(Dân trí) - Chỉ vài phút gặp phỏng vấn, sếp tổng chỉ hỏi cô ứng viên trẻ: Em có biết uống rượu bia không?

Đây là tình huống mà Phan Thu Nga (tên nhân vật được thay đổi), nữ nhân viên trẻ ở TPHCM gặp phải khi phỏng vấn vào trị trí thư ký tổng giám đốc cho một công ty xuất nhập khẩu. 

Nga nộp hồ sơ vào công ty và được gọi phỏng vấn. Trong buổi sáng, có một số ứng viên khác, mỗi người vào phỏng vấn ít nhất là 15 phút, Nga là người cuối cùng. 

Sếp tổng là người trực tiếp phỏng vấn. Ông chỉ hỏi Nga vài câu: Có sẵn sàng đi công tác tỉnh, tăng ca tối và.... biết uống rượu bia không? Do đặc thù của công ty cần việc với rất nhiều đối tác, khách hàng. 

Nữ thư ký choáng khi nghe phỏng vấn: Em biết uống rượu không? - 1

Nữ nhân viên "sốc" khi đi phỏng vấn, được hỏi: Có biết uống rượu bia không? (Ảnh minh họa)

Cuộc phỏng vấn kết thúc chỉ sau chưa đến 5 phút. Không một câu hỏi về chuyên môn, năng lực nào được đặt ra. Dù có chút ít kinh nghiệm vị trí trợ lý giám đốc trong hai năm qua, cô gái vẫn không khỏi choáng váng, thất vọng tràn trề.

Sau hôm đó, cô nặng lòng suy nghĩ liệu mình có phù hợp với công việc này? Cô còn tủi thân khi cho rằng, có lẽ hình thức mình không đạt nên họ mới phỏng vấn hời hợt như thế?

Theo kinh nghiệm của nhiều người đi trước, thực tế, không ít người làm việc ở vị trí thư ký từng được phỏng vấn "Có biết uống rượu bia không?".

Điều này phần nào do đặc thù ngành nghề, văn hóa doanh nghiệp và nhất là.... đặc điểm của sếp. Giám đốc hay đi nhậu ký hợp đồng, tiếp khách thì rất khó tuyển thư ký không thích đi, không biết nhậu. 

Anh Đinh Hồng Sơn, ở Q.5, TPHCM có kinh nghiệm làm thư ký giám đốc bày tỏ: "Chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của "văn hóa ký hợp đồng", lấy lòng nhau trên bàn nhậu. Điều này còn tồn tại mà thư ký không thể đi công tác, không biết uống lại không có ngoại hình thì rõ ràng là chưa phù hợp, kể cả khi có chuyên môn sâu thì cũng bị loại".

Chia sẻ thêm nhận định, anh Đinh Hồng Sơn cho rằng, không chỉ phái nữ mà ngay cả phái nam, không ít người mất cơ hội thăng tiến, kiếm tiền vì không biết uống khi văn hóa "hợp đồng trên bàn nhậu" còn rất nhiều.

Chính vì vậy khi dự tuyển, ứng viên cần đọc kỹ JD (bản mô tả công việc cụ thể) trước khi quyết định.

Cùng là thư ký nhưng ở các công ty có thể khác nhau. Và ngay trong một công ty, có ban thư ký, nhiệm vụ mỗi người khác nhau. Nếu thật sự làm chuyên môn, vị trí thư ký đòi hỏi rất cao nhiều yếu tố như kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, ngoại giao...

Ngoài ra, khi ứng tuyển vào vị trí nào, ứng viên cần đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu và đặc biệt là sự phù hợp với công việc. 

Cần xem mình có phù hợp với công việc, vị trí đó không? Không chỉ về chuyên chuyên môn mà mỗi vị trí thường sẽ đòi hỏi rất nhiều yêu cầu, khả năng đi kèm khác. 

Với kinh nghiệm của mình, chị Lê Ngọc Dung, quản lý tại công ty điện máy ở TPHCM bày tỏ, trường hợp ở trên có thể họ đã thấy ứng viên tiềm năng, phù hợp trước đó. 

Nên ứng viên sau, có khi người ta chỉ phỏng vấn cho có lệ. Từ đó, có thể gây thất vọng cho người được phỏng vấn. 

Trước hợp ứng viên "sốc" trước yêu cầu "biết nhậu, tăng ca" từ phía nhà tuyển dụng, không cần phải "dằn vặt" khi không trúng tuyển. Vì rõ ràng, mình không phù hợp với nơi đó. 

"Nếu công việc, vị trí và sếp đặt khả năng uống rượu bia, nhậu nhẹt lên hàng đầu thì cũng không tốt đẹp gì. Vậy phải xem "rớt" là điều may mắn", chị Lê Ngọc Dung nhấn mạnh và cho rằng, đây là cơ hội để ứng viên tìm một môi trường lành mạnh, phù hợp hơn.