1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Rà soát hộ nghèo, cận nghèo tại Bạc Liêu và Cà Mau

Huỳnh Hải

(Dân trí) - UBND các tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau vừa có kế hoạch tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2020, để xây dựng các chính sách an sinh xã hội phù hợp.

Kế hoạch của UBND tỉnh Bạc Liêu do Phó Chủ tịch Vương Phương Nam ký. Theo đó, mục đích rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh nhằm xác định và lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, để có cơ sở xây dựng kế hoạch, giải pháp giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội hằng năm.

Việc rà soát sẽ được thực hiện theo đúng quy trình và bộ công cụ rà soát của Bộ LĐ-TB&XH, trên tinh thần bảo đảm dân chủ, công khai, xác định đối tượng, phản ánh đúng thực trạng đời sống nhân dân, tuyệt đối không bỏ sót hộ nghèo, cận nghèo, không chạy theo thành tích làm sai lệch thực trạng nghèo của địa phương.

Còn theo kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau, mục đích của việc rà soát cũng tương tự như tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh đó, để xác định tổng số, đặc điểm, nguyên nhân nghèo của hộ nghèo, cận nghèo (trong đó có hộ nghèo diện chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, diện bảo trợ xã hội) để xây dựng tác động chính sách phù hợp.

Rà soát hộ nghèo, cận nghèo tại Bạc Liêu và Cà Mau - 1

Nhiều hộ dân Cà Mau có cuộc sống kinh tế khó khăn, đi làm thuê mưu sinh. (Ảnh minh họa)

Theo kế hoạch của các địa phương, đối tượng rà soát là tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện địa phương đang quản lý; hộ dân ngoài danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tự nguyện có giấy đề nghị xét duyệt bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương; hộ dân có khả năng rơi vào hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng chưa đăng ký tham gia rà soát mà do ấp, khóm chủ động phát hiện.

"Các nhóm hộ trên phải là hộ thường trú tại địa phương hoặc là hộ di cư đến sinh sống tại địa phương từ đủ 6 tháng trở lên, đã đăng ký tạm trú, tạm vắng hợp pháp theo quy định của pháp luật", kế hoạch của tỉnh Cà Mau nêu rõ.

Theo Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, một trong những phương pháp rà soát là đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để ước lượng thu nhập (trên cơ sở phân tích kết quả thống kê và điều tra mức sống hộ gia đình, thực hiện quy đổi từ mức thu nhập bình quân đầu người/tháng sang các mức điểm số tương ứng khi thực hiện rà soát và đánh giá tài sản.

Cụ thể: 700.000 đồng tương đương 120 điểm, 900.000 tương đương 140 điểm, 1 triệu đồng tương đương 150 điểm, 1,3 triệu đồng tương đương 170 điểm) và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, cận nghèo.

Dựa vào từng số điểm quy đổi, qua rà soát để xác định hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo khu vực thành thị và hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo khu vực nông thôn về thu nhập và về thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Như hộ nghèo về thu nhập ở khu vực thành thị có từ 140 điểm trở xuống; hộ nghèo về thu nhập ở khu vực nông thôn có từ 120 điểm trở xuống;...

Theo UBND tỉnh Cà Mau, kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh này thực hiện hỗ trợ trong năm 2020 là 1.176 hộ (đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015).

Tổng số kinh phí thực hiện là hơn 47 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội là 29,450 tỷ đồng (tối đa 25 triệu đồng/hộ); nguồn hỗ trợ từ Quỹ vì người nghèo và vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu và vốn khác là 14,7 tỷ đồng (tối thiểu 12,5 triệu đồng/hộ); nguồn huy động khác là 2,940 tỷ đồng (tối thiểu 2,5 triệu đồng/hộ).

Trong đó, huyện Cái Nước (265 hộ), huyện Đầm Dơi (263 hộ), huyện U Minh (221 hộ), huyện Trần Văn Thời (188 hộ), huyện Ngọc Hiển (72 hộ), huyện Phú Tân (67 hộ), huyện Năm Căn (65 hộ) và huyện Thới Bình (35 hộ); riêng TP Cà Mau không có hộ nào.

Trước đó, trong kế hoạch của năm 2019, Cà Mau đã triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 571 hộ nghèo.