Cần Thơ: Đầu tư trên 7.000 tỷ đồng chống ngập

(Dân trí) - Ngày 3/6, UBND TP Cần Thơ, phối hợp với Ngân hàng Thế Giới (WB), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức lễ khởi động Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3).

img-5686-1464943761628

Các bên ký cam kết quy chế giám sát thực hiện dự án

Dự án 3 được chia làm 3 hợp phần: Hợp phần 1, Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường, gồm các hạng mục công trình: xây dựng hệ thống kè sông Cần Thơ; xây dựng bờ kè cho rạch Cái Sơn - Mương Khai; xây dựng các cống ngăn triều và các âu thuyền, các cống ngăn triều kết hợp cầu giao thông; cải tạo hệ thống kênh rạch; xây dựng các hồ điều hòa, chứa nước; lắp đặt các trạm bơm và cải tạo hệ thống cống thoát nước; hệ thống thiết bị quản lý vận hành.

Hợp phần 2: Phát triển hành lang đô thị, gồm các hạng mục công trình: xây dựng cầu Quang Trung (đơn nguyên 2); xây dựng đường và cầu Trần Hoàng Na, đường song hành đến nút giao IC3; xây dựng đường nối Cách Mạng Tháng Tám (quốc lộ 91) - đường tỉnh 918; xây dựng hạ tầng khu tái định cư An Bình; hệ thống trang thiết bị quản lý vận hành và hỗ trợ quản lý giao thông.

Hợp phần 3: Tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm các hạng mục: thiết lập cơ sở dữ liệu không gian địa lý, quản lý đồng bộ, thống nhất; hệ thống trợ giúp phòng chống, khắc phục thiên tai.

Phối cảnh cầu Quang Trung
Phối cảnh cầu Quang Trung

Ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, cho biết: Tổng mức đầu tư Dự án 3 là 322 triệu USD (lấy số tròn), trong đó nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) là 250 triệu USD, vốn tài trợ không hoàn lại của Cơ quan Phát triển Liên bang Thụy Sĩ (gọi tắt là SECO) là 10 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của TP Cần Thơ.

Mục tiêu của dự án nhằm giảm rủi ro ngập lụt trong khu vực đô thị trung tâm và tăng cường kết nối giữa trung tâm thành phố Cần Thơ với các khu vực phát triển đô thị mới có rủi ro thấp hơn; đồng thời, tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai của thành phố.Thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến 2021.

Thực hiện Nghị định của Chính Phủ về việc giám sát các dự án đầu tư trên địa bàn, thông qua ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban giám sát cộng đồng được thành lập trong vùng dự án tại 3 quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, gồm 17 ban giám sát. Dịp này các ban cũng tiến hành ký cam kết quy chế phối hợp giám sát.

Ông Võ Thành Thống, chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Thời gian qua những đóng góp của Ngân hàng thế giới là vô cùng quý báu trong tiến trình phát triển đô thị của TP Cần Thơ. Cơ quan phát triển Liên bang Thụy Sĩ – SECO đã dành số tiền 10 triệu USD tài trợ không hoàn lại cho dự án này. Đây là nguồn tài trợ hết sức có ý nghĩa và quan trọng trong thời điểm kinh tế thành phố còn nhiều khó khăn như hiện nay…

Phạm Tâm