Những sinh viên mắc “bệnh 4T”

Mở miệng là: khoe tiền, khoe tiêu, vay tiền, than tiền, chủ nghĩa “4T” của một bộ phận giới trẻ ngày nay khiến người ta phải giật mình.

Mở miệng là… tiền

 

Dễ dàng nhận diện giới trẻ thời hiện đại qua các phương tiện: xe máy, điện thoại di động, máy tính, máy nghe nhạc MP3, laptop (máy tính xách tay)…

 

Và nhiều khi không đợi “cả thế giới biết bạn là ai”, nhiều người trẻ đã chứng minh sự sành điệu và “giàu có” của mình qua những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt. Thậm chí với một số người, điều này đã trở thành thói quen trong giao tiếp, thói quen ngôn ngữ.

 

Thanh G. (1984, ĐH KHXH& NV HN), nổi tiếng khắp ký túc xá với biệt danh “máy xay tiền”. Thu chi hàng ngày thế nào không rõ nhưng Thanh G. luôn xả một tràng với bất kỳ ai gặp: Vừa nạp thẻ 300 (thẻ 300 ngàn trả trước cho điện thoại di động) mà đã âm tiền rồi; hoặc: Có tin là một tháng tớ dùng hết 3 thẻ 300 không?; hay như: Chỉ ăn 3000đ/bữa thôi à? Tớ cứ phải 6000đ kèm 2 hộp sữa chua mới chịu được; quen thuộc hơn: Vị chi tớ tiêu gần 2 triệu/tháng cho di động, xăng, ăn và mặc

 

Thanh G. công khai quan điểm “sống”: Dù mai nhịn thì nay vẫn phải tiêu đến hết.

 

Thu Trang, bạn cùng phòng KTX với Thanh G. rỉ tai: “Cứ thấy nó là phải tránh xa kẻo tai đầy những… “tiền” mất. Tiền của nó cũng từ bố và… bồ cả, có tự làm đâu mà khoe (!)”.

 

“Bố mẹ giàu có, con cái mới nhiều tiền. Giàu là một niềm kiêu hãnh” - Thu Hoài (1984, HV Tài chính) lý luận. Mới tiếp xúc, ai cũng thiện cảm trước dáng vẻ thanh lịch, thời trang, cách nói chuyện nhỏ nhẹ, xưng “em” của Hoài.

 

Nhưng Huy Thắng, một “cái đuôi” của Hoài sau mấy phút tiếp cận, trò chuyện liền kêu trời: “Cô ấy đẹp, giàu, hãnh tiến và… khoe của”. Thắng chóng mặt với các câu chuyện: “Mẹ em vừa mua cái máy rửa bát. Nhật xịn. Chỉ thích về quê để đỡ phải rửa bát thôi!”

 

Mỗi đồ dùng của gia đình và cá nhân Hoài đều được “niêm yết” giá cả, thời gian mua, thương hiệu... “Cô ấy giống ma-nơ-canh đứng giới thiệu sản phẩm” - Huy Thắng bình phẩm.

 

Ai cho tôi vay?

 

Thấy Diệu Hằng (1984, ĐH Ngoại ngữ HN) đến gần, người viết bài này đã phải “vẽ” ngay một vẻ cười méo xệch: “Tớ vừa cho tiền vào ATM hết rồi”. Hằng vẫn ngọt nhạt: Sao biết tớ đang “móm”? Có hết mới hỏi chứ! U cho có 500 ngàn/tháng mà đủ các thứ phải tiêu. Thôi thì cố cho bạn vay tạm một hai trăm (ngàn), trả ngay mà!

 

Thanh Lam đã tổng kết “nghệ thuật” vay tiền của người bạn cùng phòng mình bao gồm: giọng nói chuyển từ kì kèo, ỉ eo, năn nỉ, than vãn đến thề thốt sẽ trả sớm; ánh mắt tha thiết, cả quyết… Khi không thể “xoay” được số tiền trăm từ một người, Hằng lập tức chuyển sang chiến thuật vay tiền chục của nhiều người. Lam tiếp: “Đến khổ với Hằng, trọ cùng nhau, thấy nó ăn mì tôm, nhịn bữa sáng không lẽ mình lại không cho mượn tiền?” .

 

Hai tháng sau gặp lại, Lam cho biết đã chuyển nhà. Cô lại ở với người bạn mới là Vũ Hương (1982, CĐ Giao thông). Tuy chưa hiểu nhiều về hoàn cảnh của nhau, nhưng lúc nào cũng thấy Hương buồn nản, than vãn: Làm con nhà nghèo là một bất hạnh. Có học giỏi mấy ra trường cũng bỏ xó. Tiền không có. Quen biết cũng không; rồi so bì: Con X tiêu tháng gần 2 triệu, mình thì thích vòng gốm cũng phải đắn đo hoặc mua rồi thì  ăn mì qua bữa; và kết luận: Giá có tiền thì sẽ khác.

 

Không hiểu do chuyển nhà vất vả hay vì ngày nào cũng phải căng thẳng vì những lời than vãn của bạn cùng phòng mà Lam gầy xọp đi, gặp ở nhà rất ít khi thấy cười, cố hữu trên thái dương là 2 mảnh cao dán trị nhức đầu. Có lẽ, vài tháng tới, Lam sẽ lại phải nói với tôi: “Mình chuyển nhà thôi. Lần này ở một mình.”

 

Bước vào cuộc sống sinh viên, đa số các bạn trẻ phải đối diện với vấn đề tiền nong một cách trực diện. Điều đó dẫn đến khoảng cách về tài chính giữa họ đậm nét, dễ nhận thấy hơn. Đối với một bộ phận giới trẻ mắc hội chứng 4 “T” bạn bè sẽ cảm thấy “ngán ngẩm” khi bị biến thành thùng chứa các câu chuyện nhàm chán và tiêu cực của họ. Không biết đến lúc nào đó những sinh viên thích nói đến… tiền  có nhận ra điều này mà “giảm tông” đi không?

 

Theo Mai Tuyết
Tiền Phong