Mượn Mazda CX-5 của bạn đi ăn giỗ lại còn uống rượu bia, bị giam xe 7 ngày

PV

(Dân trí) - Trường hợp vi phạm nồng độ cồn mới đây của một tài xế khiến tôi đặt câu hỏi: sao nhiều người biết sẽ uống rượu bia mà vẫn lái xe, hoặc đã lái xe và biết là vi phạm nhưng vẫn uống (Độc giả Đức Tùng).

Như báo Dân trí đã đưa tin, đêm 10/10, Tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 3 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) đã lập chốt tại đường Hoàng Cầu (hướng Thái Hà) để tiến hành kiểm tra nồng độ cồn các tài xế ô tô.

Lúc 21h20, tổ công tác phát hiện xe ô tô Mazda CX-5 do một nam tài xế điều khiển có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,055mg/l khí thở. Người này cho biết chiếc ô tô là anh đi mượn của một người bạn. Do đi ăn giỗ nên anh có sử dụng rượu bia.

Với mức vi phạm trên, anh sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Mượn Mazda CX-5 của bạn đi ăn giỗ lại còn uống rượu bia, bị giam xe 7 ngày - 1

Chiếc Mazda CX-5 của tài xế vi phạm nồng độ cồn đã bị cẩu kéo về nơi tạm giữ (Ảnh: Trần Thanh).

Câu chuyện này tôi nghĩ không cá biệt tại nước ta, khi nhiều tài xế biết rằng đi nhậu, đi ăn đám giỗ sẽ khó tránh được việc sử dụng rượu bia, nhưng vẫn tự lái xe. Phải chăng những người này nghĩ mình uống một chút sẽ không say đâu, vẫn tỉnh táo để điều khiển phương tiện. Hay họ mình may mắn nên sẽ không gặp phải sự kiểm tra của CSGT?

Là một người lái xe được gần chục năm, tôi hoàn toàn đồng tình với việc cấm hoàn toàn rượu bia trước khi cầm vô-lăng. Càng ủng hộ việc ra quân mạnh mẽ của lực lượng chức năng thời gian gần đây và mong các đồng chí tiếp tục tăng cường hơn nữa.

Khi có chút men vào, chúng ta chưa chắc đã say "mềm" nhưng khoa học và kiểm chứng của bản thân đều thấy rằng khả năng và tốc độ xử lý tình huống của con người đều bị giảm đi. Và khi tham gia giao thông, chỉ một giây lơ là, một chút thiếu tỉnh táo là hậu quả có thể sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Mới đây tại Đắk Lắk, một tài xế xe tải đã lấn sang phần đường ngược chiều, đâm vào xe 16 chỗ, khiến 1 người tử vong và 12 người bị thương. Điều tra ban đầu và theo clip được ghi lại thì tài xế xe tải buồn ngủ nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Trường hợp đau lòng trên để các "ma men" thấy rằng uống rượu bia rồi tham gia giao thông sẽ nguy hiểm như thế nào. Thậm chí hậu quả sẽ còn thảm khốc hơn bởi có chút men vào thì hệ thần kinh suy giảm, người buồn ngủ, thậm chí có người uống tới mức mất kiểm soát thì thử hỏi lấy đâu tỉnh táo để lái xe.

Câu chuyện tài xế chiếc Mazda CX-5 thì còn đáng trách hơn nữa. Đi ăn giỗ, biết trước rằng mình sẽ tới nơi dễ phải (bị) uống rượu bia, thế mà vẫn còn lái ô tô. Mà đã mượn xe (như lời khai) thì sao không gọi taxi, bắt xe ôm công nghệ mà đi cho an toàn cho bản thân và những người khác.

Ngược lại, người nhà tổ chức đám giỗ nếu thấy người thân lái ô tô đến thì tuyệt đối đừng ép người ta uống rượu bia. Đương nhiên ở Việt Nam thì những dịp như vậy sẽ vẫn có những câu mời xã giao, nhưng trên hết phải là bản lĩnh và sự tự chủ của mỗi người. Đừng để những ngày vui, ngày gia đình bên nhau trở nên mất trọn vẹn chỉ vì chén rượu, cốc bia.

Trong năm 2022, toàn quốc xảy ra 10.316 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.810 người và bị thương 6.945 người. Văn hóa rượu bia và ý thức thượng tôn pháp luật còn thấp khiến phần lớn các tai nạn giao thông ở Việt Nam đều có liên quan đến đồ uống có cồn. Những con số và kết luận trên của lực lượng chức năng tiếp tục là lời cảnh báo tới các "ma men".

Độc giả Đức Tùng

Bài viết này thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với ý kiến của báo Dân trí.