Ô tô điện của Trung Quốc gặp tai nạn chết người, nguyên nhân gây tranh cãi

Nhật Minh

(Dân trí) - Chiếc xe gây tai nạn là Aito M7 Plus, được cho là có hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB) và thiết kế tay nắm cửa ẩn trong thân xe, hai yếu tố bị nghi ngờ là nguyên nhân khiến 3 người thiệt mạng.

Sự việc xảy ra hôm 26/4 trên một tuyến cao tốc ở thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Theo đó, chiếc Aito M7 Plus chạy với tốc độ 115km/h đã đâm vào đuôi một xe téc chở nước đang chạy chậm ở làn ngoài cùng bên trái.

Sau va chạm, chiếc xe Aito lập tức bùng cháy dữ dội khiến 3 người thiệt mạng, trong đó có một trẻ 2 tuổi.

Ô tô điện của Trung Quốc gặp tai nạn chết người, nguyên nhân gây tranh cãi - 1

Ba người đàn ông ở bên ngoài nỗ lực phá cửa sổ ghế sau để cứu người bị nạn ra khỏi xe trong khi đầu xe bốc cháy dữ dội (Ảnh: Sohu).

Aito cho biết túi khí đã bung bình thường và dữ liệu pin cũng cho thấy không có gì bất thường.

Người nhà của nạn nhân cho rằng hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB) không hoạt động, trong khi lẽ ra nó có thể ngăn va chạm hoặc ít nhất là giảm mức độ nghiêm trọng của tai nạn.

Người này cũng thắc mắc liệu việc xe téc chở nước chạy chậm như vậy trên làn ngoài cùng bên trái, nơi vốn dành cho các xe chạy với tốc độ tối đa cho phép trên đường cao tốc, có vi phạm luật giao thông hay không.

Ngày 28/4, Aito đã chính thức chia buồn với gia đình nạn nhân.

Hãng cũng cho biết chiếc Aito M7 Plus liên quan tới vụ tai nạn sử dụng gói AEB do Bosch cung cấp và nó sẽ được kích hoạt khi xe chạy với tốc độ từ 4km/h đến 85km/h. Tốc độ 115km/h tại trường hợp xảy ra tai nạn vượt quá dải tốc độ hoạt động của hệ thống AEB.

Tuy nhiên, Bosch lại phủ nhận việc chiếc xe gây tai nạn sử dụng hệ thống lái thông minh của hãng, trong đó có AEB.

AEB sử dụng các cảm biến hoặc radar để phát hiện nguy cơ tai nạn. Tuy nhiên, theo tài liệu hướng dẫn sử dụng xe Aito M7 Max, khi có sự khác biệt lớn về tốc độ hoặc có vật đứng im, radar có thể không phát hiện được xe phía trước.

Liên quan tới vụ tai nạn nghiêm trọng nói trên, một vấn đề an toàn nữa được nêu ra là thiết kế tay nắm cửa ẩn trong thân xe vốn gây nhiều tranh cãi.

Để xe có ngoại hình thanh lịch và thời thượng, nhiều mẫu ô tô được thiết kế tay nắm cửa chìm vào thân xe. Trong trường hợp khẩn cấp, thiết kế này có thể gây khó cho công tác cứu hộ.

Tay nắm cửa chỉ là một phần. Nếu xe bị khóa, người bên ngoài không có cách nào mở cửa xe, ngay cả với thiết kế tay nắm cửa truyền thống.

Do đó, vấn đề nằm ở cơ chế tự động mở khóa cửa trong trường hợp tai nạn. Theo tài liệu hướng dẫn sử dụng xe Aito M7, khi xe bị hư hỏng tới một mức độ nghiêm trọng nhất định, xe sẽ tự động mở khóa cửa.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, tính năng đó đã không hoạt động.

Hiện vẫn chưa rõ vấn đề chính xác nằm ở đâu, ai là người có lỗi; sự việc đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều cho rằng tài xế cần luôn tập trung khi lái ô tô, đừng phó mặc tính mạng, sự an toàn của bản thân và gia đình vào các hệ thống hỗ trợ lái và an toàn thông minh của xe. 

Aito M7 Plus là mẫu SUV chạy điện do Seres Group sản xuất, sử dụng công nghệ và có sự hỗ trợ marketing từ tập đoàn Huawei, cùng một số nhà cung cấp truyền thống, như Bosch. Tuy nhiên, cho đến nay, cả Huawei và Bosch đều cho biết chiếc xe gây tai nạn không sử dụng hệ thống hỗ trợ lái thông minh của họ.

Theo ecns.cn