1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chợ hoa đêm

(Dân trí) - 2h. Khi sương đêm mới chỉ kịp phủ một lớp bụi mờ trên những cánh hoa, cả thành phố vẫn chìm trong giấc ngủ thì phiên chợ hoa Quảng Bá đã bắt đầu. Sản phẩm duy nhất của phiên chợ là hoa và... ánh đèn pin.

Hai thứ này dường như làm nên một phiên chợ đặc trưng giữa đêm khuya. Và từ đó đến sáng sẽ hình thành hai phiên chợ hoàn toàn khác nhau với giá cả cũng chênh lệch không kém.

 

2 trong 1

 

Không xô bồ, nhốn nháo như những phiên chợ ta thường thấy, chợ hoa đêm Quảng Bá dường như khoác trên mình một phong cách nhẹ nhàng, sang trọng như chính sản phẩm của phiên chợ này vậy. Cả một quãng đê dài san sát những xe máy, xe đạp với cơ man nào là hoa với đủ chủng loại khác nhau. Người bán, kẻ mua, ai cũng khư khư trên tay chiếc đèn pin. Một thứ không thể thiếu vì ánh sáng là thứ xa xỉ nhất vào thời điểm này.

 

Tôi dừng lại trước “gian hàng” hoa hồng của một thanh niên tên Cường. “Gian hàng” là một giá bằng sắt được cố định đằng sau xe máy, vừa dùng để chở hoa và khi đến chợ nó được tận dụng trở thành một “sạp” hàng khá thuận tiện. Sau khi đã mua một bó hồng 50 bông chỉ có... 10.000đ để mở hàng, Cường nhanh nhẹn lấy lạt, bao tải buộc hoa cho tôi và giới thiệu về sản phẩm của mình: “Đây là hoa hồng Tây Tựu chính gốc đấy, chỉ hơi nhỏ một chút nhưng rất bền, chơi lâu,  nếu anh đi xuống dưới kia (cường chỉ tay về phía cuối chợ) là hoa Mê Linh đấy, không có gai, bông to nhưng nhanh tàn lắm”.

 

Gửi lại bó hoa vừa mua, tôi rảo quanh chợ để tìm hiểu về phiên chợ rất đặc trưng này (chứ không phải chỉ vì rẻ. Hình như với phụ nữ, cứ giá rẻ là thú vị thì phải). Chợ hoa  đêm Quảng Bá được chia làm hai phiên khá rõ nét. Từ 2h đến quãng hơn 4h là phiên chợ của những người nông dân “một nắng hai sương” làm ra những bông hoa đầy màu sắc. Lúc này việc mua bán hầu như theo hình thức bán buôn, người ta mua của những người trồng hoa để chờ đến phiên sau bán lại. Chính vì vậy, giá cả lúc này khá rẻ.

 

Từ 4h đến sáng là phiên hai, hàng lúc này hầu hết đã “qua tay”  và giá cả cũng hoàn toàn khác, đắt hơn hẳn phiên trước. 

 

Chợ hoa đêm - 1

          Ánh sáng là thứ "xa xỉ" ở chợ hoa đêm

 

 

Chợ hoa đêm có sự hiện diện của hầu hết  những điểm trồng hoa nổi tiếng như Tây Tựu, Xuân Phương (Từ Liêm, Hà Nội), Mê Linh (Vĩnh Phúc), hoa Đà Lạt và cả hoa... Trung Quốc nữa. Khác với hoa “bình dân”, hoa Đà Lạt và hoa Trung Quốc mẫu mã đẹp hơn,  “toạ” ở khu vực “sang trọng” hơn, có gian hàng, có bàn và đặc biệt là có... ánh sáng điện và giá thì cũng cực kỳ... ngoại.

 

Nguyệt, cô gái mới 22 tuổi - kinh doanh hoa được hơn 3 năm cho biết, trong số hoa của cửa hàng, hoa Đà Lạt chỉ chiếm 30% còn lại là hoa nhập ngoại. Mặc dù giá cả các loại hoa nhập ngoại khá đắt nhưng hàng vẫn rất chạy bởi những cửa hàng hoa cao cấp trong thành phố rất thích. Bây giờ, ra cửa hàng mua bó hoa được cho là “vừa mắt” tặng bạn bè nhân dịp sinh nhập cũng mất cả trăm ngàn đồng. Nguyệt bỏ dở câu chuyện với tôi để hướng dẫn chiếc xe tải nhẹ đang lùi để chuyển  hàng vào lán, những ngày cao điểm, cửa hàng có tiêu thụ tới 2-3 xe tải hoa này.

 

Trở lại “gian hàng” của Cường, đã gần 4h sáng, xe hàng của Cường đã hết nhưng cậu vẫn chờ cậu em bán nốt hàng để cùng về. Cường bảo, cả xe hoa hôm nay được 300.000đ, trừ tiền mua thuốc trừ sâu, mua xăng thì cũng chỉ  còn 7,6 chục ngàn. Tôi hỏi Cường, sao không nán lại để bán vào phiên sau cho được giá, Cường phân bua: “không được, bọn tôi phải bán nhanh để còn về cho kịp ra đồng”

 

Nhọc nhằn đời  trồng hoa

 

Cuộc sống của những người làm hoa vất vả và trái ngược hẳn với sự cao sang, quí phái của những bông hoa mang đầy vẻ quyến rũ. Cường kể, 1h sáng đã dậy để chuẩn bị cho kịp buổi chợ lúc 2h. Kết thúc phiên chợ, về đến nhà lúc trời còn tờ mờ sáng là đã bắt đầu ra đồng, phun thuốc, cắt hoa chuẩn bị cho buổi chợ đêm tiếp theo. Công việc phun thuốc, cắt hoa, bó hoa như vậy kéo dài suốt từ sáng đến 9-10h đêm mới kết thúc. Sau vài tiếng nghỉ ngơi lại dậy bắt đầu cho buổi chợ mới.

 

Việc trồng hoa không hề đơn giản, không phải chỉ khó về kỹ thuật mà ngay cả kinh phí cũng không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện. Mỗi mẫu đất trồng hoa phải đầu tư từ 45-50 triệu đồng và phải  6 tháng sau hoa mới bắt đầu được thu hoạch. Mỗi năm, hoa chỉ có giá vào thời điểm từ tháng 8 đến hết tháng 3 năm sau, những lúc đó, cuộc sống của người trồng hoa còn dễ chịu, còn có “đồng ra đồng vào” chứ vào thời điểm này, khi mà lượng hoa thu hoạch thì lớn, sức lao động bỏ ra thì nhiều nhưng giá trị thu về chẳng được bao nhiêu. Cường than thở: “Mỗi năm mất đứt 5 tháng, cố gắng duy trì chờ vào mùa. Như lúc này chẳng hạn, thu nhập chỉ đủ ăn nên cái sợ nhất đối với  chúng tôi  bây giờ là... thiệp mời đám cưới”.

 

Cuộc sống vẫn mang theo cả những điều thú vị và không ít những điều trớ trêu. Cả ngày quần quật bên hoa, đổ mồ hôi bên những luống hoa, hoa tỏa hương thơm mang lại không khí tươi đẹp cho cuộc đời nhưng chưa hẳn hoa đã đem lại cuộc sống tốt đẹp cho họ. Thu nhập của những người làm nghề trồng hoa cũng chỉ là “lấy công làm lãi”. Mỗi sào trồng hoa chỉ cho thu nhập khoảng 400-500.000đ/tháng mà số đất được chia cho mỗi khẩu ở đây chỉ là 240m2. Để khắc phục, dân xã Tây Tựu chủ yếu thuê đất ở các xã lân cận để trồng hoa, mức thuê đất trung bình mỗi sào (360m2) là 1 triệu đồng/năm. 

 

Chợ hoa đêm - 2

 Từ chợ hoa... hoa sẽ đến nhiều ngõ phố, ngôi nhà...

 

Kiếm tiền thì vất vả, khó khăn là  mà thế mà cuộc sống thì bao thứ phải  chi. Ngay cả khi đến chợ cũng vậy, “gian hàng” có chiều rộng và chiều dài đúng bằng chiếc xe máy có buộc giá sắt của Cường cũng phải “đấu thầu” thuê tới 1 triệu đồng/năm, cộng với 720.000đ nộp lệ phí cho chợ “chưa kể thi thoảng mấy ông quản lý chợ hứng lên lại đảo chỗ là lại một lần mất tiền”, Cường ca thán.

 

Hoa thì vẫn mang những nét đẹp ngàn đời của nó, sự thanh tao và hương vị của hoa giúp người ta cảm thấy cuộc đời này đáng yêu hơn. Ngay cả phiên chợ này cũng vậy, độc đáo và thú vị cũng chỉ bởi sản phẩm rất đặc trưng là hoa. Chỉ có cuộc sống người trồng hoa là còn vất vả.

 

Trời hửng sáng, đã bắt đầu ồn ào tiếng mời chào, mặc cả và đâu đó vang tiếng the thé cãi cọ. Một ngày mới đã bắt đầu.  Phiên chợ này lại giống như bao phiên chợ khác trên dải đất hình chữ S này.

 

Hoa Nguyên Đức