Bệnh nhân ung thư vú có thể sống được bao lâu?

Hà An

(Dân trí) - 90% bệnh nhân ung thư vú khỏi bệnh nếu phát hiện sớm, song đến giai đoạn 4 thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm các triệu chứng đau đớn.

Ung thư vú là một trong 10 ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ Việt. Ước tính cả nước có khoảng 45.000 phụ nữ đang sống chung với ung thư vú. Hơn một nửa số này được phát hiện muộn khiến hiệu quả điều trị thấp, chi phí cao. 

Độ tuổi mắc ung thư vú đang trẻ hóa, có những bệnh nhân ung thư vú ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Tại một số quốc gia, phụ nữ từ 45 tuổi trở lên được khuyến cáo tầm soát phát hiện sớm ung thư vú. Tại Việt Nam, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ nên tầm soát ung thư vú từ tuổi 40. 

Phương pháp điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích). Chất lượng điều trị do đó hiện được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, yếu tố then chốt để điều trị hiệu quả là phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.

Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Giai đoạn 1-2, bệnh nhân hơn 90% có thể chữa ổn định. Ở giai đoạn 3, tỷ lệ chữa khỏi nếu phát hiện sớm là 60%. Đến giai đoạn 4 thì thường quá trình điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm các triệu chứng đau đớn.

Bệnh nhân ung thư vú có thể sống được bao lâu? - 1

Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, tự khám là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư vú. Phụ nữ nên tự khám vú đều đặn mỗi tháng một lần, tốt nhất tự kiểm tra sau kỳ kinh nguyệt là lúc vú mềm nhất. Trong gia đình có người thân mắc bệnh thì nguy cơ di truyền càng cao. Nếu bạn phát hiện có khối u hay sự thay đổi của vú, nên đến viện khám càng sớm càng tốt.

Các chị em nên tự khám vú sau kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày, là lúc tuyến vú mềm và dễ cảm nhận nhất; cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư vú khi qua tuổi 40. Với những chị em có nguy cơ cao (trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư vú, đột biến gen BRCA1/BRCA2; có kinh sớm; không sinh con...), nên đi khám, tầm soát ở lứa tuổi sớm hơn.

Nên đi khám ngay nếu thấy các biểu hiện: vùng da ở vú phồng lên; núm vú đã thay đổi vị trí hoặc núm vú bị đẩy tụt vào trong thay vì nhô ra ngoài; ngực đỏ, đau nhức, phát ban, hoặc sưng, có u cục… 

Bên cạnh việc tự khám vú tại nhà, các chị em nên duy trì thói quen tốt cho sức khỏe góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư vú bằng cách: kiểm soát cân nặng, vận động, tập luyện phù hợp kết hợp chế độ ăn uống hợp lý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.