1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Bụi mịn không chỉ ảnh hưởng hô hấp còn gây bệnh tim mạch, đột quỵ

(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo, bụi mịn do kích thước quá nhỏ, người hít phải sẽ không cảm nhận được. Bụi mịn qua đường hô hấp xuyên qua màng, phế nang mao mạch, vào trong tuần hoàn chung của cơ thể gây tổn thương nhiều cơ quan như tim mạch, đột quỵ não, gây xơ hoá bánh rau ở phụ nữ mang thai...

Tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị  hô hấp châu Á-Thái bình dương lần thứ 24 diễn ra chiều 14/11, các chuyên gia cảnh báo, bụi mịn rất nguy hại với sức khoẻ.

Bụi mịn không chỉ ảnh hưởng hô hấp còn gây bệnh tim mạch, đột quỵ - 1

PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn. Bụi mịn là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng không khí. 

"Ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí; tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25% trong khi nhiều người vẫn lầm tưởng như tim mạch không chụ ảnh hưởng từ khói bụi", PGS Giáp thông tin.

Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

"Điều nguy hiểm là khi hít phải bụi mịn sẽ không cảm nhận được. Bụi mịn qua đường hô hấp xuyên qua màng, phế nang mao mạch, vào trong tuần hoàn chung của cơ thể gây tổn thương nhiều cơ quan như tim mạch, đột quỵ não, gây xơ hoá bánh rau ở phụ nữ mang thai....", PGS Giáp thông tin.

GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y thông tin thêm, loại bụi hô hấp nhỏ hơn 5 micron khi hít phải sẽ đi vào tận phế nang (đáy của phổi) gây tổn thương phổi. Bụi mịn không chỉ gây tổn thương phế quản, mà còn gây tổn thương phế nang, làm xơ phổi, dẫn đến trao đổi khí khó khăn, gây nhiều hệ luỵ.

Liên quan đến thành phần hoá lý của bụi mịn, nếu có bụi là sợi bông tồn tại trong không khí khi hít sâu vào sẽ gây phản ứng, gây viêm phế quản do bụi bông. "Vì thế trong y học có hội chứng ngày thứ 2. Ngày chủ nhật khi được nghỉ, không đi làm công nhân khoẻ mạnh như bình thường, nhưng ngày thứ 2 đi làm lại có phản ứng ngay, ho, khó thở do hít phải dị nguyên bụi bông trong không khí", GS Quyết nói.

Tại cuộc họp báo thông tin về hội nghị, giáo sư NGô Quý Châu, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch hội Hô hấp VN, cho hay, tần suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) khoảng 4,4% người trên 40 tuổi và tỷ lệ này có xu hướng ngày một tăng. Nguyên nhân chính gây COPD, ngoài yếu tố do hút thuốc lá, thuốc lào, thì ô nhiễm môi trường (do khói bụi từ các phương tiên giao thông, từ khói bếp than, khói đốt rơm rạ) là yếu tố quan trọng. COPD là tình trạng viêm, tổn thương phổi không hồi phục.

Tại hội nghị hô hấp châu Á-Thái bình dương lần này, với chủ đề “Chia sẻ những kiến thức và phương pháp tiếp cận mới trong lĩnh vực hô hấp”, 520 báo cáo viên với gần 250 bài báo, hơn 400 báo cáo poster sẽ đề cập về các nội dung chuyên sâu: dị ứng lâm sàng và miễn dịch học, sức khỏe môi trường, sức khỏe nghề nghiệp; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; ung thư phổi; bệnh phổi nhi; bệnh phổi kẽ; sinh học hô hấp và giấc ngủ…Hơn 2.000 đại biểu quốc tế sẽ dự buổi thảo luận nhóm được diễn ra trong 4 ngày hội nghị, từ 14-17.11.

Hồng Hải