Cây xương rồng giữa cát trắng mênh mông

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Qua câu chuyện vượt qua ung thư đầy xúc động của chị gái, tác giả Nguyễn Vũ Tuấn nhắn nhủ mọi người hãy như cây xương rồng giữa cát trắng, biết mọc ra những gai nhọn để chống chọi với những khắc nghiệt của cuộc đời.

Cây xương rồng giữa cát trắng mênh mông - 1
Cuộc thi viết "Sống như những đóa hoa - Vươn về phía mặt trời" thu hút nhiều người tham gia ở lần thứ 3 tổ chức (Ảnh: BTC).

Tin dữ bàng hoàng

Hôm ấy Huế Mưa, những cơn mưa không nặng hạt nhưng dài miên man. Từng giọt một rơi chầm chậm như giọt cà phê trên tách. Hơi lạnh thấm dần cây cỏ, từng hơi thở như những làn sương bay.

Tôi hy vọng điều thần kì nào đó xảy ra. Nhưng không, tất cả dường như đã chấm dứt khi nhìn thấy 2 chữ "ác tính" trên kết quả sinh thiết của chị tôi. Nước mắt tôi đã lăn trên má. Tôi cố nén lòng, nhưng nó cứ rơi. Tôi mang trong những hoài niệm.

Thanh xuân là chốn ngục tù

Chị tôi, một cô gái duyên dáng, thơ ngây ngày xưa. Giữa biết bao chàng trai tán tỉnh và có hàng ngàn lựa chọn, chị đã chọn anh ấy - một anh chàng giáo viên trông bề ngoài bóng bẩy và hào hoa.

Cuộc sống không viên mãn, chị như kiếp "hồng nhan bạc phận", suốt ngày phải chịu những đòn roi và những cơn ghen tuông vô tội vạ. Trong cơn say, hắn đã đánh chị, thâm tím mặt mày, bầm tím cả một tâm hồn trắng trong.

Một ngày, như nước tràn bờ, chị gạt nước mắt. Chị thấy mình phải yêu mình hơn, thương con nhưng con chứng kiến cảnh bạo lực liên tiếp này càng làm cho chúng thương tật về tâm hồn, tình cảm và cả tính cách. Chị và chồng mỗi người mỗi ngã. Chị như cây xương rồng đầy gai nhọn quyết làm lại cuộc đời khô cằn ấy.

Xứ người mênh mang

Một thời gian sau, khi những hụt hẫng tan biến, chị thấy nhẹ nhàng và yêu đời hơn. Chia tay như trút đi tất cả gánh nặng và muộn phiền. Bà mẹ đơn thân quyết đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền nuôi con và làm lại cuộc đời hoen gỉ.

Chị gửi con cho ông bà lên đường sang Đài Loan (Trung Quốc), làm việc trong một viện dưỡng lão. Công việc nặng nhọc và vất vả nhưng không dễ làm khó được người phụ nữ sẵn tính chịu thương chịu khó. Thậm chí những ngày được nghỉ, chị lại kiếm việc làm thêm như phụ lau nhà, thu hoạch nông sản…

3 năm trôi qua, chị tích góp được một số tiền khá lớn. Cũng hết hạn làm việc, chị phải quay trở về và chị cũng khao khát trở về để gặp lại ba mẹ cùng đứa con nhỏ.

Tin sét đánh đến với chị và những người bạn cùng cảnh ngộ như chị. Dịch Covid-19 ập đến, các nước đóng cửa biên giới. Chị và rất nhiều người khác mắc kẹt ở xứ người, hợp đồng lao động với viện dưỡng lão cũng đã hết hạn.

Không còn việc làm, không được hỗ trợ nơi ở, những người cùng khổ như chị phải dùng số tiền tích góp để đợi chờ những chuyến bay giải cứu. Khi tất cả đều phong tỏa, việc ra ngoài để kiếm một việc làm tạm bợ nuôi miệng ăn cũng rất khó.

Ngày may mắn trên đất Đài Loan (Trung Quốc), chị nhận đồng thời 2 tin. Một là, viện dưỡng lão liên lạc với chị để gia hạn, chị có thể ở lại làm việc thêm 2 năm nữa. Hai là, chị có tên trong danh sách chuyến bay giải cứu gần nhất sẽ bay trong tuần tới. Chị phân vân giữa 2 lựa chọn, đi hay ở, kinh tế hay gia đình, bệnh tật hay tiền nong… Đầu chị rối bù, cơn đau nhói lên lạnh xương sống. Chị từ chối ở lại và trở về.

Ngày trở về

Về đến sân bay Nội Bài, không khí vắng vẻ bao trùm đến rợn ngợp. Người với người không nhìn rõ mặt nhau, không biết dáng hình, không nói chuyện. Tất cả đều lặng lẽ. Chị lên xe chở chị về nơi cách ly tập trung.

Đường về nhà sao gian nan đến vậy… Ánh mắt bố mẹ già mòn mỏi, tiếng khóc con thơ thúc giục. Chị càng quyết tâm, cứ vui vẻ, cứ lạc quan, chăm lo ăn uống, luyện tập thể dục… May mắn đến với chị, khi chị được an toàn trở về.

Cuối cùng giây phút đoàn tụ đã tới. Đứa con nhỏ lao tới chị, nó ôm chặt lấy chị không buông. Ánh mắt ba mẹ già vui lên sau những tháng ngày đợi chờ mòn mỏi với bao phấp phỏng lo âu.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chị đi khám ở bệnh viện tỉnh, người ta báo chị có khối u ở mật, cần phẫu thuật gấp. Tôi khuyên chị vào Bệnh viện Trung ương Huế để bác sĩ khám lại. Chị vào bệnh viện, lòng tôi đầy lo âu suy tư.

Sau khi làm tất cả xét nghiệm và đã có kết quả, khuôn mặt bác sĩ như vị bao công phán xử. Bác bảo ác tính. Tôi không hiểu: "Ác tính là ung thư phải không bác?". Vị bác sĩ đồng cảm: "Chăm sóc, tinh thần tốt thì 1-2 năm, nếu không thì nhanh lắm". Nước mắt tôi chảy dài trên má, bước ra khỏi phòng lạc cả lối đi.

Tôi giấu kết quả với chị, bảo là còn đợi gửi ra Hà Nội để kiểm tra. Ngày chị vào phòng mổ, tôi sợ đó là lần cuối gặp chị. Tôi đã khóc rất nhiều trên những lối đi, thương chị, thương ba mẹ và cháu nhỏ. Nhà tôi sao lại tan hoang thế này?

Ra khỏi phòng hồi sức với làn da tái nhợt, đôi mắt mệt mỏi, chị gắng cười. Tôi cho chị uống sữa để mong lại sức. Mấy ngày sau chị hỏi: "Có kết quả chưa?" Tôi trả lời: "Bác sĩ nói chưa có ca mổ nào ngọt như vậy, lành tính ác tính gì thì cũng ổn thôi". Chị cười: "Thầy bói bảo chị sống thọ lắm". Tôi nói: "Chắc chắn rồi!". Sau này, tôi mới biết rằng chị đã biết kết quả từ trước.

Chị rời bệnh viện trở về, không khí gia đình tôi u ám. Ba mẹ tôi khóc hết nước mắt vì thương con, thương cháu. Mẹ tôi trông già thêm nhiều tuổi, người gầy sọp đi, tóc bạc thêm nhiều. Chị nói với mẹ: "Người đau thì không ốm mà người khỏe lại ốm".

Hàng ngày chị ăn uống điều độ, năng tập thể dục, kết hợp với uống thuốc nam. Có bệnh thì vái tứ phương, chị lặn lộn khắp mọi địa chỉ. Dường như khi cận kề cái chết, người ta càng khát khao và trân trọng sự sống hơn. Lúc này chỉ có nụ cười và sự quyết tâm mới thay đổi được tương lai, chí ít thì cũng kéo dài thêm sự sống.

Có lẽ chị sinh ra từ vùng gió Lào cát trắng, lớn lên trắc trở tình duyên và gia đình, bôn ba từng trải xứ người nên đã tôi luyện bản lĩnh vững vàng, một ý chí kiên định không gì lay chuyển được.

Ngày chiến thắng

3 tháng sau theo lịch hẹn tái khám, chị vào Bệnh viện Trung ương Huế, gặp lại vị bác sĩ đáng kính ngày xưa. Sau khi làm tất cả các xét nghiệm, chụp phim, siêu âm… bác sĩ gọi chị vào phòng nở nụ cười mãn nguyện: "Chúc mừng chị, chưa bao giờ tôi thấy bệnh nhân nào như thế này. Tất cả các kết quả đều chứng minh không có một tế bào ung thư nào nữa. Chị đã chiến thắng".

Trong phút giây không làm chủ cảm xúc, chị cảm ơn rối rít. Chị hét lên, sự sống đã trở lại, niềm tin đã chiến thắng, không có gì khuất phục được "chiến sĩ" kiên cường như chị. Hôm đó, chị đã khóc. Đó là giọt nước mắt của hạnh phúc ngập tràn.

Những khó khăn, chông gai dù không muốn nhưng rồi chúng ta cũng phải đối diện, bởi có mấy ai có cuộc đời bằng phẳng, yên bình. Nhưng điều quan trọng là chúng ta biết cách vượt qua nó. Niềm tin, nghị lực, ước mơ, trách nhiệm… là đôi cánh để chúng ta bước tiếp. Hãy như cây xương rồng giữa cát trắng biết mọc ra những gai nhọn để chống chọi với những khắc nghiệt của cuộc đời.

Tác phẩm: Cây xương rồng giữa cát trắng mênh mông

Tác giả: Nguyễn Vũ Tuấn

Bút danh: Trúc Lâm

Địa chỉ: Trường THPT Hương Thủy (35 Dạ Lê, Hương Thủy, TT Huế)