DMagazine

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh

(Dân trí) - Những đêm thức trắng để đưa ra quyết định cân não giữa lằn ranh sự sống- cái chết, sự nỗ lực của cả tập thể y bác sĩ... tất cả đã làm nên điều kỳ diệu tưởng như không thể.

“Kỳ diệu”, “thần kỳ” là những đánh giá được nhiều chuyên gia y tế khi nói về bệnh nhân Covid-19 thứ 91, nam phi công người Anh. Từng chuyển biến tích cực của bệnh nhân dù là nhỏ nhất đều được các y bác sĩ, thành viên Hội đồng chuyên môn, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 theo dõi sát.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết khi xem những hình ảnh về sự phục hồi của bệnh nhân không chỉ cá nhân ông mà các thầy, các chuyên gia trong Hội đồng chuyên môn và Tiểu ban Điều trị đều ngỡ ngàng, không thể tin bệnh nhân có thể tiến triển nhanh đến vậy.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 1

“Với những bệnh nhân khác, những tiến triển nhỏ về sức khỏe đó là bình thường nhưng với bệnh nhân 91 là một nỗ lực lớn, là sự tiến bộ lớn của cả ‘team’ điều trị và Hội đồng chuyên môn cũng như các chuyên gia của hai bệnh viện đã cố gắng chăm sóc, điều trị, đưa ra phương án phù hợp với từng giai đoạn sức khỏe”, PGS Khuê nhấn mạnh.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh
Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 2

Những ngày giữa tháng 3/2020 dịch Covid-19 bùng phát nhanh trên toàn cầu khiến nhiều người sợ hãi. Từ khi xuất hiện dịch, Việt Nam đã thực hiện chặt chẽ các biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên những ca bệnh trong cộng đồng bắt đầu xuất hiện.

Tại TP HCM, quán Buddha bar trên địa bàn quận 2 trở thành điểm nóng của dịch Covid-19 khi liên tiếp xuất hiện nhiều ca bệnh. Một trong những trường hợp được phát hiện nhiễm bệnh đầu tiên tại tại đây là nam phi công S.G.G.C. (43 tuổi quốc tịch Anh). Bệnh nhân được Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM xác định dương tính với Covid-19 sau khi nhập viện vì sốt cao liên tục, suy hô hấp tăng dần, tổn thương phổi lan tỏa ngày càng diễn tiến xấu. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực điều trị nhưng trên nền cơ địa béo phì, bệnh ngày càng nặng thêm. Từ ngày 5/4 bệnh nhân đã phải hỗ trợ thở máy.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 3

Tuy nhiên, tình trạng bệnh không cải thiện, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong do suy hô hấp cấp. Ngày 6/4 Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM đã phối hợp cùng Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) cho người bệnh. Bệnh nhân sau đó tiếp tục phải lọc máu, sử dụng kháng sinh, kháng nấm kết hợp song song với việc điều trị đẩy lùi SARS-CoV-2.

BS Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho biết: “Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể để giúp bệnh nhân, tuy nhiên những phương án điều trị tối ưu nhất đều không mang lại kết quả như mong đợi. Nam phi công người Anh đã liên tiếp đối mặt với các biến chứng gây suy đa cơ quan, chức năng gan, thận, tim, đặc biệt là phổi trở nên rất xấu”.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 4

Việc điều trị cho ca bệnh nhiễm loại virus mới, nhiều nguy hiểm tiến tới sạch bệnh đã khó, điều trị cho bệnh nhân 91 càng thêm khó khăn và thách thức với những biến chứng rất nặng.

Hơn 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, tình trạng bệnh có lúc cải thiện đáng kể nhưng sau đó lại tiếp tục trở nặng, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ có thể tử vong bất kỳ lúc nào. TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM nhớ lại ngày 12/5 có thể xem là “ngày đen tối nhất”, thời điểm nặng nhất của bệnh nhân. Toàn bộ hai bên phổi của bệnh nhân bị xơ hóa, đông đặc, phổi co nhỏ, chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động. Khi đó, Hội đồng chuyên môn, Bộ Y tế đã họp và xác định cách duy nhất để cứu tính mạng bệnh nhân là ghép phổi. Tuy nhiên, ghép phổi là một kỹ thuật cực kỳ khó, đặc biệt chăm sóc, điều trị sau ghép phổi còn khó gấp bội.

Dù vậy, mọi thứ vẫn được lên kế hoạch để chuẩn bị tốt nhất cho phương án đã định. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM là tập trung chuyên môn điều trị tích cực đảm bảo bệnh nhân sạch virus SARS-Cov-2. Những nỗ lực của các bác sĩ đã đạt được mục tiêu đề ra. Sau 6 lần xét nghiệm liên tiếp, bệnh nhân đã âm tính với SARS-CoV-2. Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế quyết định chuyển nam phi công qua Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục hồi sức, chờ thời điểm thích hợp và tìm kiếm nguồn tạng hiến để ghép phổi cho bệnh nhân.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 5

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho rằng quyết định chuyển bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 sang Bệnh Chợ Rẫy điều trị tích cực là quyết định cực kỳ đúng đắn của Hội đồng chuyên môn.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 6

Ngày 22/5, sau khi cân nhắc tất cả các giải pháp, Bộ Y tế quyết định chuyển Bệnh nhân 91 từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước thời điểm chuyển người bệnh, các bác sĩ đã phải chuẩn bị những phương án chi tiết với sự phối hợp giữa 2 bệnh viện và sự hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát Giao thông để ứng phó với tình trạng kẹt xe nghiêm trọng thường xuyên xảy ra ở trung tâm thành phố. Những bác sĩ giỏi nhất được cử theo xe vận chuyển để để sẵn sàng xử lý khi chẳng may gặp sự cố ngoài dự tính.

BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Đây là ca bệnh nặng, việc chuyển viện điều trị là kế hoạch đã định sẵn nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bệnh nhân còn hôn mê sâu, phải sử dụng hệ thống ECMO liên tục bên cạnh đó là các thiết bị hỗ trợ chuyên môn. Việc chuyển viện yêu cầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối và nhanh nhất có thể để tránh bất trắc trên đường vận chuyển”.

“Nếu chỉ cần một sơ suất nhỏ như tuột ống oxy, tuột ống ECMO… khả năng mất người bệnh là khó tránh khỏi. Không gian của chiếc xe cứu thương chuyên dụng trở nên rất chật chội bởi ngoài bệnh nhân thì các máy móc, thiết bị y khoa đã chiếm gần hết diện tích”,
BS Thức chia sẻ.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 7

Vượt qua cơn mưa lớn trút xuống cuối giờ chiều, chiếc xe cứu thương đưa bệnh nhân cùng các thiết bị y tế từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đến Chợ Rẫy an toàn. Các bác sĩ thở phào khi bệnh nhân an vị trên giường bệnh khoa Hồi sức Cấp cứu vì những tình huống rủi ro khi chuyển viện không xảy ra.

Tuy nhiên, những lo ngại về nguy cơ phát tán dịch Covid-19 từ người bệnh vẫn thường trực bởi trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, bệnh nhân đã nhiều lần âm tính sau đó tiếp tục dương tính trở lại. Các giải pháp để đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm được thực hiện chặt chẽ ngay trong khu vực điều trị. Tất cả các bác sĩ, nhân viên y tế khi tiếp xúc với người bệnh đều phải mang đồ bảo hộ.

PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ:

 

“Chuyển viện cho một ca bệnh đang trong tình trạng rất nặng thành công mở ra cơ hội mới cho chính người bệnh. Các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã phối hợp với ê kíp hỗ trợ chuyên môn từ Chợ Rẫy làm rất tốt việc điều trị bảo tồn sự sống cho bệnh nhân. Chúng tôi tiếp nhận nam phi công khi đã nhiều lần âm tính với SARS-CoV-2 bệnh nhân chính thức chuyển từ giai đoạn điều trị Covid-19 sang giai đoạn hồi sức nhưng vẫn phải theo dõi sát các xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nguy cơ bệnh nhân dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2”.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 8

Với tình trạng suy đa cơ quan, chức năng phổi chỉ còn hoạt động 10 đến 20%, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ tới tình huống nam phi công người Anh có thể hồi phục trở lại. Nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế Việt Nam với quyết tâm không bỏ bất kỳ ai lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, các bác sĩ vẫn kiên trì “còn nước còn tát”. Những cuộc hội chẩn trực tuyến toàn quốc tiếp tục được tổ chức để huy động tinh hoa y tế Việt Nam nỗ lực cứu chữa cho người bệnh.

PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo cho biết khi hội chẩn với Ban chỉ đạo Quốc gia, tình huống ghép phổi đã được đặt ra và có những thời điểm nhất định được ưu tiên trong các phương án cuối cùng để cứu bệnh nhân. Tuy nhiên, trên thực tế khả năng sống của người bệnh là rất thấp, trong khi nếu thực hiện ghép phổi thì kinh nghiệm của Việt Nam không nhiều, số ca được ghép chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh khiến sự hợp tác, hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng trên thế giới cũng trở nên khó khăn hơn.

Vấn đề nghiêm trọng nhất bệnh nhân phải đối mặt là tình trạng tràn khí màng phổi, các phế nang bị virus SARS-CoV-2 xâm lấn gây hoại tử dẫn tới xuất hiện các vi huyết khối. Đây là cơ chế sinh lý bệnh đặc biệt nguy hiểm do Covid-19. Vi huyết khối sẽ khiến các phế nang đông lại khiến phổi không hoạt động được, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn khác tấn công. Bệnh nhân đã may mắn khi có phương tiện ECMO hỗ trợ liên tục nên vượt qua được nguy cơ ngưng tim ngưng thở.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 9

Trong quá trình điều trị, những biến cố xảy ra liên tục, nhiều tình huống quá đặc biệt khiến các bác sĩ phải cân não ứng phó. Tình trạng giảm tiểu cầu nặng, hội chứng HIT trên bệnh nhân ECMO bệnh nhân gặp phải, y văn thế giới mới chỉ ghi nhận vài ca. Bệnh nhân liên tục bị đông máu ở màng lọc ECMO, bên cạnh đó còn nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc…

“Chúng tôi đã phải đưa ra những quyết định vô cùng khó khăn khi phải sử dụng 4 đến 5 loại thuốc chưa từng dùng tại Việt Nam để điều trị cho người bệnh. Đồng thời liên tục thay màng lọc ECMO (54 ngày thay 7 lần)”, PGS Ngọc Thảo nói.

Nhớ lại thời điểm đó, PGS Ngọc Thảo cho biết việc chỉ định sử dụng thuốc rất khó khăn. Nhiều đêm ê kíp trực gần như thức trắng để chờ xét nghiệm mẫu máu, cân đối nồng độ thuốc dùng cho bệnh nhân để vừa tránh được nguy cơ đông máu, vừa tránh được nguy cơ ngừng tim. Suốt 10 ngày đầu kể từ khi bệnh nhân chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đã làm việc không kể ngày đêm, không biết trời đất mà chỉ tập trung cho việc điều trị tối ưu nhất cho người bệnh.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 10

Thời điểm bệnh nhân hoàn toàn lệ thuộc ECMO, máy thở, chỉ cần thiếu oxy máu nhịp tim của bệnh nhân sẽ “rớt” xuống rất thấp. Vì thế, các bác sĩ phải theo dõi liên tục, đánh giá khả năng hồi phục của bệnh nhân khi điều trị. Nỗ lực về chuyên môn của liên chuyên khoa trong hồi sức, điều trị, dinh dưỡng, vật lý trị liệu… đã mang lại kết quả khả thi.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 11

BS Trần Thanh Linh, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Ngày 26/5, sau khi giảm liều thuốc an thần, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu tỉnh. Ê kíp điều trị chúng tôi nhìn nhau cảm động và vui mừng vì biết rằng ánh sáng cuối đường hầm lóe lên. Bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh chứng tỏ anh có thể thoát khỏi nguy cơ sống thực vật sau thời gian hôn mê sâu”.

Ngày 1/6, bệnh nhân khá hơn, các thông số ECMO được điều chỉnh theo hướng giảm từng chút mỗi ngày. Ngày 2/6 bệnh nhân có nụ cười rất đẹp đầu tiên. Ngày 3/6, niềm vui đã vỡ òa khi người bệnh cai được hoàn toàn ECMO.

Tình trạng tổn thương phổi rất nặng những tưởng sẽ khiến việc cai máy thở của bệnh nhân trở nên khó khăn và kéo dài nhưng sự bình phục của người bệnh đã đến sớm hơn dự kiến. Cử nhân Trần Đức Duy, chuyên viên Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho bệnh nhân khi anh trong tình trạng rất nặng với mục tiêu cải thiện thông khí hô hấp và chức năng vận động cho người bệnh.

Bệnh nhân không có tổn thương thần kinh, vấn đề gặp phải là phổi bị đông đặc đàm nhớt, nằm viện lâu nên khớp bị cứng, cơ yếu.

“Bước ngoặt trong hỗ trợ cho người bệnh xảy ra vào ngày 5/6 khi tôi tập các động tác đẩy đờm nhớt, giúp thông khí hô hấp, bệnh nhân đã ho liên tục, nhiều đờm đông đặc lẫn máu trào ra ùng ục. Sau 3 ngày liên tục hút đàm nhớt, bệnh nhân đã thông thoáng đường thở, khả năng thông khí màng phổi cải thiện rõ rệt. Ngày 13/6, bệnh nhân đã cai hoàn toàn máy thở”, cử nhân Đức Duy cho hay.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 12
Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 13

Chia sẻ về sự hồi phục kỳ diệu của người bệnh, PGS Khuê cho rằng đây là một nỗ lực phi thường, bởi chúng ta đã có những lúc bi quan.

“Đến hôm nay những tiến triển kỳ diệu của bệnh nhân như một lời động viên, khích lệ các thầy thuốc, các chuyên gia để tiếp tục cố gắng, cống hiến sức lực để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Cái gì tốt nhất cho người bệnh, chúng ta cố gắng triển khai và làm tốt nhất. Với tinh thần 'còn nước còn tát' và sự tiến bộ của y học Việt Nam hiện nay, chúng ta nỗ lực hết sức có thể để điều trị, cứu chữa bệnh nhân”, PGS Khuê nhấn mạnh.

“Trải qua 96 ngày, rất nhiều lần chúng ta hết hy vọng về bệnh nhân nhưng bằng trí tuệ tập thể, đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ điều trị trực tiếp của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy hy vọng lại được nhen nhóm. Thành công đến thời điểm này không chỉ cứu sống bệnh nhân mà đó còn là thể hiện tính nhân văn của chúng ta trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân người nước ngoài”, GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thành viên Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chia sẻ.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 14

Theo PGS Ngọc Thảo, bệnh nhân đã từ cõi chết trở về bởi có những thời điểm nếu việc xử lý chuyên môn của các bác sĩ không tốt thì bệnh nhân sẽ tử vong. Người bệnh đã may mắn khi được thụ hưởng các tiến bộ của y tế Việt Nam. Nếu 10 năm trước ngành y tế không triển khai kỹ thuật ECMO thì bây giờ bệnh nhân chắc chắn sẽ không có cơ hội được đặt ECMO và theo dõi liên tục trong vòng 57 ngày. Khi bệnh nhân bị tràn khí màng phổi lượng rất lớn, nếu không được hỗ trợ, điều trị kịp thời, dẫn lưu màng phổi thì bệnh nhân đã ngưng tim.

“Đến hôm nay, nam phi công người Anh đã có thể đứng lên, ăn uống, nói chuyện, làm tất cả mọi việc nên nói bệnh nhân 91 từ cõi chết trở về là không sai”, PGS Ngọc Thảo chia sẻ.

Từng bước bình phục sức khỏe, bệnh nhân đã ca ngợi chuyên môn của bác sĩ Việt Nam “quá tuyệt vời”, luôn nói lời cảm ơn, có thái độ hợp tác rất tốt với bác sĩ và nhân viên y tế. Qua các thiết bị điện tử cá nhân, người bệnh đã liên lạc với bạn bè của mình ở quê hương. Nỗi nhớ quê, nhớ nhà trở nên cháy bỏng, bệnh nhân đã bày tỏ mong muốn được trở về với quê hương.

Chuyện chưa kể về hơn 3 tháng đấu trí giành sự sống cho phi công người Anh - 15

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hiện giờ bệnh nhân có đủ điều kiện ra khỏi khoa hồi sức tích cực, có thể hít thở khí trời, tình trạng cơ lực chân tay đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên để đảm bảo điều kiện an toàn tốt nhất cho người bệnh, Tiểu ban điều trị đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục sử dụng các biện pháp hồi sức để nâng cao hơn nữa thể trạng trạng đảm bảo để bệnh nhân có điều luyện tập hít thở tốt hơn, đảm bảo dinh dưỡng và tăng cường điều trị vết loét tại khoa Hồi sức tích cực.

Ngoài ra, việc đưa bệnh nhân về nước chỉ thực hiện khi đảm bảo các yêu cầu an toàn đủ sức khỏe ra khỏi phòng hồi sức, an toàn trong quá trình vận chuyển và sự chuẩn bị đón tiếp/tiếp nhận bệnh nhân của bệnh viện phía quê hương đảm bảo an toàn.

Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết Lãnh sự quán Anh rất quan tâm đến nam phi công đang điều trị tại bệnh viện. Đại diện Lãnh sự quán Anh đã nhiều lần vào làm việc với bệnh viện và trực tiếp đến thăm bệnh nhân. Các nỗ lực kết nối giữa bệnh viện với đơn vị bảo hiểm cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh đã được Lãnh sự quán Anh hỗ trợ tích cực.

“Chính phủ Anh và Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực trong việc hỗ trợ cho nam phi công người Anh. Chúng tôi hy vọng bệnh nhân sẽ được về nhà trong thời gian sớm nhất”, PGS Ngọc Thảo chia sẻ.

Hiện, phía bệnh viện đã trao đổi và chia sẻ các thông tin về hồ sơ bệnh án của người bệnh với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân sau khi trở về Anh.

BS Thanh Linh, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân tâm sự: “Chúng tôi hy vọng, với nghị lực của bản thân và những diễn tiến rất thuận lợi về mặt sức khỏe trong thời gian gần đây, bệnh nhân sẽ tiếp tục bình phục tốt trong thời gian tới, đủ sức khỏe trở lại với khoang lái, làm chủ những chuyến bay trên bầu trời”.

Tác giả: Vân Sơn- Nam Phương

Thiết kế: Khương Hiền