Hà Nội: Thêm một người tử vong do sốt xuất huyết vì đến viện muộn

Nam Phương

(Dân trí) - Đây là trường hợp bệnh nhân nam 57 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, tử vong sáng 1/9. Bệnh nhân đến viện vào ngày thứ 5 thì đã bị suy gan, suy thận, suy đa tạng.

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trước đó bệnh nhân bị sốt 5 ngày, tự mua thuốc điều trị. Đến khi vào viện cấp cứu thì bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất tuy nhiên đã có biến chứng nguy hiểm. 

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân vào viện thì men gan đã tăng cao, trên 4.000 và bắt đầu suy gan, suy thận, suy đa tạng. Mới đầu, bệnh nhân đến khoa Cấp cứu A9 được lọc máu và sau đó chuyển đến điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. 

“Sau nửa ngày, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực để chạy EMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) và hồi sức tích cực, nhưng bệnh nhân đã không thể qua khỏi”, PGS Cường nói.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng ghi nhận một trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết là chàng trai 17 tuổi (Hà Nội) bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch.

Hà Nội: Thêm một người tử vong do sốt xuất huyết vì đến viện muộn - 1

Tại Trung tâm bệnh nhiệt đới đang điều trị cho 5 trường hợp mắc sốt xuất huyết diễn biến nặng. 

Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết xuất hiện từ ngày thứ 4 của bệnh

BSCKII Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) cho biết bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Tuy nhiên từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là giai đoạn có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.

Triệu chứng của sốt xuất huyết gồm sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn, người bệnh có thể bị xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh... Thậm chí, người bệnh có thể có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...

Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Phòng bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết dengue là một loại bệnh truyền nhiễm do virus dengue gây ra, được phát tán thông qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hàng năm tại Việt Nam. Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng trên 100.000 trường hợp mắc. 

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Vì thế, để phòng bệnh người dân cần:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, lhông tự ý điều trị tại nhà.