Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

An sinh và bền vững xã hội

Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII (từ ngày 2-8/10), đã quyết định nhiều vấn đề trọng đại, trong đó có việc nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới với nhiều nội dung kế thừa, đổi mới, bổ sung, phát triển quan trọng so với Nghị quyết Trung ương 5, khóa XI.

Nhìn trên phạm vi toàn cầu, giai đoạn chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp lên xã hội công nghiệp, gắn liền với tiến trình đô thị hóa là khoảng thời gian xuất hiện nhiều vấn đề xã hội. Đó là những hành vi, mối quan hệ xã hội, hoặc trạng thái xã hội không như mong muốn, gây ra hậu quả tiêu cực không chỉ cho bản thân mỗi cá nhân, mà cả các thành viên khác trong cộng đồng.

Khía cạnh chủ quan của các vấn đề xã hội là nó phụ thuộc vào nhận thức của con người. Còn khía cạnh khách quan thể hiện qua những hậu quả thấy rõ bởi số đông thành viên trong xã hội, hoặc được chứng minh bởi các bằng chứng khoa học. Cũng có nghĩa, vấn đề xã hội không chỉ là những biểu hiện không như kỳ vọng, liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của con người, mà tính chất, mức độ của các vấn đề xã hội còn phụ thuộc vào từng bối cảnh xã hội cụ thể.

An sinh và bền vững xã hội - 1

Chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tại TPHCM (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM).

Là một nền kinh tế-xã hội đang phát triển nhanh, nhiều vấn đề xã hội đã xuất hiện ở nước ta sau gần bốn thập kỷ đổi mới. Nổi cộm nhất là các vấn đề như: Gia tăng tội phạm và tệ nạn xã hội; gia tăng phân hóa giàu - nghèo, bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội; gia tăng căng thẳng, mâu thuẫn xã hội; chênh lệch trình độ phát triển giữa các vùng/miền/địa phương; già hóa dân số, di dân tự phát, cả trong nước và quốc tế; thiếu việc làm…

Chính sự gia tăng các vấn đề xã hội đặt ra nhu cầu bức thiết về an sinh xã hội, với sứ mệnh trọng tâm là bảo đảm an toàn cuộc sống cho mọi người, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người già, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em và người nghèo, trong mọi tình huống rủi ro. Như vậy, trách nhiệm của hệ thống an sinh xã hội ở mỗi quốc gia là hướng tới cung cấp đủ việc làm, bảo đảm thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người dân.

Giải quyết các vấn đề xã hội luôn là ưu tiên hàng đầu trong tiến trình lãnh đạo phát triển đất nước của Đảng ta. Ngay từ năm 1986, văn kiện đại hội VI đã khẳng định các nguyên tắc: chính sách kinh tế phải thống nhất với chính sách xã hội; tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện phân phối sản phẩm lao động công bằng.

Ban hành tháng 6/2012, Nghị quyết Trung ương 5, khóa XI, về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 đã đặt ra mục tiêu: "Ðến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân".

Trong những năm vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực bảo đảm cơ bản an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân. Đáng chú ý nhất là tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm xuống dưới 3%, tỷ lệ bảo hiểm y tế đã đạt trên 90%.

Tuy nhiên, hơn 4 triệu lao động đề nghị rút bảo hiểm xã hội một lần trong giai đoạn 2016-2021, những dòng người lao động phải "bỏ phố về quê" trong giai đoạn đại dịch Covid-19, hay nhu cầu lớn về nhà ở xã hội chưa được đáp ứng hiện nay… là những chỉ báo cho thấy sự chưa vững chắc của hệ thống an sinh xã hội ở nước ta.

Rõ ràng, khi hệ thống an sinh xã hội chưa thực sự bảo đảm sự an toàn cuộc sống cho người dân thì xã hội sẽ luôn đối diện với những rủi ro, thậm chí nguy cơ rối loạn. Cũng có nghĩa, mở rộng phạm vi bao phủ và củng cố sự vững chắc của các mạng lưới an sinh xã hội sẽ giữ vai trò then chốt trong việc vun đắp sự bền vững xã hội.

Bền vững xã hội hẳn nhiên là một trạng thái xã hội tốt đẹp mà mọi thành viên đều mong muốn. Vậy, thế nào là một trạng thái xã hội tốt đẹp? Từ giữa thế kỷ 19, khi viết "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản", K. Marx đã chỉ ra rằng xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi chúng ta cải thiện được phúc lợi cho mọi cá nhân, thành viên tạo nên các giai cấp, tầng lớp xã hội.

Nhà kinh tế học V. Pareto thì cho rằng trạng thái xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu sự thay đổi tích cực của người này không phải trả giá bởi sự thiệt hại của người khác. Điểm tối ưu Pareto sẽ xuất hiện khi các điều kiện thực tế không để xảy ra tình trạng "người này được nhưng kẻ kia lại mất". Vấn đề là bất bình đẳng xã hội vẫn đang là thực tế đầy thách thức trên phạm vi toàn cầu, cho nên việc thiết kế được các điều kiện để xuất hiện điểm tối ưu Pareto trở thành bài toán nan giải.

Hai nhà Kinh tế học người Anh, N. Kaldor và J. Hicks, nêu ra điều kiện cho trạng thái xã hội tốt đẹp hơn, ấy là khi chúng ta gia tăng được tổng hiệu quả và những người "được" có thể bù trừ cho người bị "mất". Tuy nhiên, thực tế thì trong cuộc sống hiện nay, rất khó để yêu cầu những người "được" bù cho người "mất".

Nhà triết học chính trị người Mỹ, J. Rawls thì lập luận đơn giản hơn rằng: cả xã hội sẽ tiến lên trạng thái tốt hơn, tiến bộ hơn nếu chúng ta gia tăng được phúc lợi cho những người yếu thế nhất. Chỉ cần nhìn vào sự cải thiện cuộc sống của các nhóm yếu thế nhất là có thể thấy được sự tiến bộ của mỗi xã hội.

Cho dù theo hướng tiếp cận nào thì một xã hội sẽ chỉ đạt được trạng thái tốt đẹp hơn, nhờ đó trở nên bền vững hơn, khi các nhu cầu sống cơ bản của mỗi cá nhân được bảo đảm và các nhu cầu phát triển bản thân được đáp ứng. Đó là khi chất lượng cuộc sống của từng cá nhân được cải thiện theo thời gian, và họ có đủ khả năng cũng như điều kiện để theo đuổi những giá trị tốt đẹp, lối sống tích cực mà họ đề cao và cảm thấy hạnh phúc.

Trên cấp độ cấu trúc xã hội, các cộng đồng người sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa các nhóm, tầng lớp, giai cấp xã hội được hình thành dựa trên tinh thần hợp tác và cùng phát triển. Cùng với đó, bền vững xã hội sẽ chỉ được bảo đảm nếu chúng ta xử lý hài hòa mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, giữa thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại và đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trong tương lai.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, mà đích đến chính là chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của con người, yếu tố chính tạo nên sự bền vững xã hội. Theo đó, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề xã hội ở nước ta từ nay đến năm 2045 cũng được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.

Bền vững xã hội có nghĩa là các thành viên trong xã hội không phải đối diện với sự thiếu thốn, thiếu an toàn trong cuộc sống, các nhóm xã hội không phải đối diện với những căng thẳng, mâu thuẫn, xung đột, và cộng đồng không bị đe dọa bởi các nguy cơ rối loạn, đổ vỡ mang tính hệ thống. Vì thế, để hiện thực hóa được sự "bền vững xã hội", cải thiện hệ thống an sinh xã hội sẽ luôn giữ vai trò then chốt.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!