Tâm điểm
Vân Thiêng

Chủ tịch phường nhận một tỷ đồng và "con voi chui lọt lỗ kim"

Chủ tịch phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa bị khởi tố, bắt giam với cáo buộc nhận hối lộ 1 tỉ đồng để làm ngơ cho một công trình xây dựng không có giấy phép trên diện tích đất 1.400 m2.

Đặt bên cạnh cái thùng xốp chứa mấy triệu đô la Mỹ mà bà Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II của NHNN, đã nhận để làm ngơ cho bà chủ Vạn Thịnh Phát thao túng trái pháp luật; hay những món quà, những số tiền hối lộ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trong một số vụ án gần đây…, thì món quà 1 tỷ đồng ấy, mới nghe tưởng đâu là vụ việc nhỏ.

Thế nhưng Hà Nội là thủ đô của đất nước. Xây dựng một thủ đô văn minh, xứng tầm trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của đất nước là một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình phát triển. Công tác quản lý trật tự đô thị luôn là vấn đề "nóng" được quan tâm hàng đầu. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo chính quyền cơ sở.

Chủ tịch phường nhận một tỷ đồng và con voi chui lọt lỗ kim - 1

Một khu dân cư ở Hà Nội nhìn từ trên cao (Ảnh minh họa: Hữu Nghị)

Theo cáo buộc của cơ quan chức năng, đối tượng sai phạm đã dùng 1 tỉ đồng để chủ tịch phường "ngó lơ" cho công trình xây dựng không có giấy phép trên diện tích đất 1.400m2 được tồn tại, tiếp tục thi công và hoàn thiện. Nghĩa là công trình này đã từng được cơ quan chức năng biết đến và cảnh báo sai phạm, buộc tháo dỡ… Nhưng chủ công trình đã biết cách làm cho chủ tịch phường phải "ngó lơ" cho nó tồn tại và tiếp tục hoàn thiện.

Sống ở thành phố, ai đã từng có việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa, hẳn sẽ biết là không dễ gì "yên thân" với cán bộ phường, nếu không may đống cát, xe gạch đổ trong ngõ chưa gọn gàng!

Thế nhưng trên thực tế, chuyện xây dựng nhà cửa, công trình không phép, hoặc xây dựng vượt quá phạm vi cấp phép; công trình không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn… vẫn cứ diễn ra, để lại những hậu quả vô cùng tai hại.

Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân hồi năm ngoái  làm chết 56 người, 37 người bị thương có thể xem là một thảm họa, mà nếu một số cán bộ ở phường Khương Đình và quận Thanh Xuân làm đúng tinh thần trách nhiệm của một công chức được nhà nước giao trong việc cấp phép, quản lý trật tự xây dựng, thì rất có thể hậu quả đau lòng đó đã không xảy ra hoặc được giảm thiểu.

Sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng này, một báo cáo nhanh của UBND TP Hà Nội cho biết, có tới gần 10.000 công trình xây dựng sai giấy phép và không giấy phép, chiếm gần 50% tổng số công trình được kiểm tra. Trong đó, có 7.326 công trình không phép. Quả là chuyện khó chấp nhận trong công tác quản lý trật tự xây dựng ở một thành phố lớn như thủ đô Hà Nội. Dù biết rằng, con số ấy vẫn chưa phải là cuối cùng.

Dư luận từng lên tiếng bày tỏ sự bức xúc với những vụ vi phạm trật tự xây dựng khác, như các việc lấn chiếm đất rừng phòng hộ để xây biệt thự, nhà nghỉ ở Ba Vì, Sóc Sơn; vụ tòa nhà 8B Lê Trực; những vi phạm tại chung cư của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản; những vụ cháy quán karaoke gây chết nhiều người.v.v...

Vấn đề là vì sao những vụ vi phạm trật tự xây dựng đô thị vẫn cứ tiếp diễn, mặc dù Hà Nội đã không ít lần chấn chỉnh? Không phải vô duyên vô cớ mà dư luận đặt vấn đề, nếu không có sự lơ là, thậm chí "chống lưng" của những người có trách nhiệm thì liệu những công trình vi phạm ấy có thể hoàn thành, chứ chưa nói tới đưa vào sử dụng?

Cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từng nói thẳng rằng có "thế lực chống lưng" đằng sau các công trình, chung cư mini vượt tầng. Rồi chuyện những bãi giữ xe trái phép nghi vấn có dây mơ rễ má với người nhà Chủ tịch, Bí thư phường; là chuyện kiểm tra 180 quán bia thì có đến 150 quán được… chống lưng!  

Thực tế cho thấy, những "con voi" vi phạm trật tự xây dựng khó có thể, nếu không muốn nói là không thể chui lọt qua "lỗ kim" của cơ quan quản lý nếu mỗi cán bộ -  công chức thừa hành làm đúng trách nhiệm và giữ mình liêm chính.

Làm quan làng, quan xã, tiếp xúc trực tiếp với dân. Vì tình nghĩa, vì nể nang mà nhận đồng quà tấm bánh để xuê xoa cho nhau một vài lỗi vặt, âu cũng là chuyện thường tình. Thế nhưng, giữ nghiêm kỷ cương phép nước lại là một tiêu chuẩn bắt buộc của cán bộ công chức. Người đứng đầu cơ quan công quyền càng cần phải biết nêu cao đạo đức công vụ, thượng tôn pháp luật.

Nếu 579 chủ tịch xã phường của Hà Nội, ai cũng nhận tiền để "làm ngơ " cho sai phạm như ông chủ tịch phường Nghĩa Đô thì chỉ cần một nhiệm kỳ 5 năm, thành phố này mọc lên hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng là điều chẳng có gì khó hiểu. Muốn trị dứt căn bệnh vi phạm trật tự xây dựng thì phải trị từ gốc, phải xử lý nghiêm những cán bộ có trách nhiệm đã để xảy ra vi phạm.

Giữa bao nhiêu đại án tham nhũng hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng, có thể chúng ta xem thường mà dễ dàng bỏ qua những vụ tham nhũng, hối lộ mấy chục triệu, mấy trăm triệu… xem đó là " tham nhũng vặt". Tham nhũng vặt không làm "rúng động" xã hội, không đủ sức lũng đoạn nền kinh tế đất nước ngay trong một lúc. Nhưng những món tham nhũng vặt ấy, để lâu ngày cũng thành kho, thành đống. Nguy hại hơn là nó làm bào mòn lòng tin của người dân vào bộ máy công quyền ngay từ cơ sở.

Một công chức đã biết tham nhũng từ khi còn là cán bộ xã phường, nếu không  phát hiện và xử lý kịp thời, sẽ đến ngày trở thành cán bộ tham nhũng cấp huyện, cấp tỉnh, thậm chí là cán bộ tham nhũng cấp trung ương. Lúc ấy, chúng là những con "ngáo ộp", đã ăn là chỉ ăn miếng to.

Hàng loạt các quan chức lớn ngã ngựa thời gian qua cho thấy, với nhiều người, quá trình tham nhũng đã bắt đầu từ khi họ còn là cán bộ phòng ban, sở ngành, đến khi thành quan đầu tỉnh, lên thành cán bộ lãnh đạo ở trung ương…

Cho nên, phòng chống tham nhũng, đừng coi thường tham nhũng vặt. Muốn có đội ngũ cán bộ trong sạch, muốn đất nước giàu mạnh, văn hóa, văn minh, hãy bắt đầu làm sạch cán bộ từ cơ sở.

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!