Tâm điểm
Trương Chí Hùng

Nguồn lực phát triển "vùng đất chín rồng"

Bản tin mới đây trên báo Dân trí, dẫn lời GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, nêu thực trạng lao động ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đa số chưa qua đào tạo, trình độ nguồn nhân lực thấp so với mặt bằng chung cả nước và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Là một người dân miền Tây và công tác trong lĩnh vực giáo dục, tôi thấm thía nhận xét của thầy Toàn. Chưa vội bàn đến các số liệu thống kê, những câu chuyện tôi chứng kiến hoặc nghe kể hàng ngày cũng cho thấy nhiều khó khăn trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực ở vùng đồng bằng.

Mới hôm trước, cô giáo Võ Diệu Thanh đang dạy ở Trường Tiểu học Thị trấn Chợ Vàm (Phú Tân, An Giang) cho tôi biết, mỗi năm sau đợt tết Nguyên Đán là trường cô lại "hao hụt" hàng chục học sinh. Mấy em này có phụ huynh đi mần mướn ở Bình Dương, nghỉ Tết về rồi đưa con lên trên ấy luôn. 

Tôi gặp thầy Quách Ngọc Thuần đang dạy cấp hai ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, thầy bảo tình hình học sinh bỏ học theo cha mẹ lên Bình Dương quả thật nhức nhối. Năm nào trường của thầy Thuần cũng phải dùng mọi biện pháp để vận động học sinh đừng bỏ học, nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả. 

Nguồn lực phát triển vùng đất chín rồng - 1

Một gia đình miền Tây trên đường từ TPHCM về quê trong đợt bùng phát đại dịch năm 2021 (Ảnh: Hải Long)

Đáng nói là, khi lên Bình Dương, TPHCM, nhiều em không được đi học tiếp, có thể vì "không đúng tuyến" hoặc lý do nào đó cả khách quan và chủ quan. Biết là đưa con lên thành phố thì con không được đi học tiếp, nhưng vì không thể thu xếp gia đình nên nhiều bậc cha mẹ đành "tặc lưỡi". Theo tôi được biết không chỉ An Giang, Sóc Trăng mà ở nhiều tỉnh khác cũng có tình hình cũng tương tự. Chừng nào việc học của một bộ phận con em người dân ở miền Tây còn gian nan như vậy, thì chừng đó vấn đề chất lượng nguồn nhân lực còn ít nhiều bị ảnh hưởng.

Tôi đang thực hiện đề tài nghiên cứu về vấn đề di cư của người Miền Tây. Thật bất ngờ khi kết quả khảo sát lấy mẫu ngẫu nhiên (120 người di cư từ huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên ở An Giang, lên làm thuê tại Bình Dương, Đồng Nai) cho thấy tỷ lệ 30% mù chữ, hơn 40% chỉ học tới bậc tiểu học, trên 20% học đến bậc Trung học cơ sở và chỉ có khoảng 8% học tới bậc Trung học phổ thông, không có trường hợp nào học đến bậc cao đẳng hay đại học. Do trình độ học vấn ở mức thấp, nên những người di cư này chỉ làm được các vị trí lao động phổ thông, mức lương không cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Hơn 90% lao động di cư thừa nhận vấn đề học hành của con em họ bị ảnh hưởng rất lớn. 

Sống ở miền Tây, thỉnh thoảng đi đây đó tôi gặp một, hai người đàn ông trung niên đứng bên đường vẫy tay ra dấu dừng lại. Dừng xe mới biết không phải người đó xin quá giang, mà muốn nhờ tôi đọc giùm cái tờ hướng dẫn sử dụng bao thức ăn cho tôm, cho cá… Có lần một người đàn ông ở Gành Hào (Bạc Liêu) gãi đầu phân trần, chủ cơ sở bán thức ăn tôm có nói qua cách sử dụng nhưng ông không nhớ rõ, lại không biết chữ nên không đọc hướng dẫn được, sợ cho ăn sai sẽ thiệt hại vuông tôm. 

Tôi dừng xe đọc tờ hướng dẫn và còn giải thích thêm thật cặn kẽ cho người đàn ông rồi mới đi tiếp. Trên đường đi tôi không khỏi nghĩ thầm, quả thực là thách thức nếu ĐBSCL muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hay xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, chất lượng cao mà không bắt đầu từ vấn đề giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Đúng như GS.TS Hà Thanh Toàn đã lý giải: "Có thể một bộ phận nhỏ ở ĐBSCL, do thiên nhiên ưu đãi nên nhiều người ở nông thôn chưa quan tâm tới vấn đề học hành. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân ĐBSCL còn thấp nên hạn chế trong vấn đề con em đi học. Rồi nhiều tâm lý, tập quán cũng dẫn tới việc đi học của con em còn hạn chế".

Dân miền Tây trước đây có câu nói khá phổ biến, "lấy táo đong lúa chớ không ai lấy táo đong chữ". Nghĩa là mọi thứ phải ưu tiên cho cái ăn cái mặc, chuyện học hành có cũng được, không có cũng chẳng sao. Chính quan điểm đó kéo dài từ đời này sang đời khác, nên nhiều người dân ở đây không quyết tâm cho con đi học đến nơi đến chốn. Không ít gia đình chỉ cho con cái học để biết đọc biết viết, rồi nghỉ. Miền Tây vốn dĩ đất ruộng mênh mông, trên cơm dưới cá, nên chuyện đói kém hiếm khi xảy ra. Đó cũng là nguyên nhân khiến người ta không chú trọng nhiều đến chuyện học hành, nhất là một số bà con ở quê. 

Những năm qua, Miền Tây đứng trước nhiều thách thức. Nạn ô nhiễm môi trường, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách đánh bắt kiểu tận diệt đã làm cho nguồn thủy sản tự nhiên dần cạn kiệt. Hiện tượng "được mùa mất giá" lúa gạo và nông sản cũng khiến cho không ít người nông dân điêu đứng. Những người trước đây chọn con đường nghỉ học sớm để ở quê làm ruộng vườn giờ đây lâm vào cảnh khó khăn, phải ly hương đi làm thuê xứ khác. 

Rồi khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các công ty, xí nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM đóng cửa, công nhân phải về quê thì lúc đó nhiều người mới nhận ra, chỉ có học hành đến nơi đến chốn mới là kế sách "sâu rễ bền gốc" giúp cuộc sống ổn định lâu dài. Nghỉ học để đi làm thuê chỉ nên là việc bất đắc dĩ.

Nguồn lực phát triển vùng đất chín rồng - 2

Người dân từ TPHCM đổ về miền Tây trong đợt bùng phát đại dịch Covid năm 2021 (Ảnh: Hải Long)

Cần khẳng định rằng liên tục nhiều năm qua, các cấp có thẩm quyền đã quan tâm tạo cơ chế, chính sách cũng như triển khai đầu tư phát triển ĐBSCL, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo các địa phương trong vùng. Đơn cử, nếu như vào năm 2000, Đại học Cần Thơ là trường đại học duy nhất của vùng ĐBSCL thì từ năm 2000 đến nay đã có thêm hơn 10 trường đại học mới được thành lập trong vùng.

Tháng 4 năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sau đó Chính phủ cũng đã có chương trình hành động thực hiện nghị quyết này.

Với người dân, bên cạnh một bộ phận còn gian nan trong hành trình đến với con chữ như kể trên, thì tôi thấy rằng nhìn chung ý thức của bà con về lợi ích của việc học văn hóa cũng như học nghề đã dần thay đổi theo hướng tích cực.

Nguồn lực quan trọng nhất để phát triển miền Tây chính là con người, và để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì các địa phương cần có những giải pháp cụ thể để lan tỏa tinh thần học tập, xây dựng xã hội học tập thật sâu rộng trong người dân. 

Giải quyết việc làm một cách hiệu quả cho những người đã tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cũng là phương án để thúc đẩy tinh thần hiếu học, giúp các em học sinh và phụ huynh ở miền Tây gạt bỏ tư tưởng "học tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức nhưng rồi cũng thất nghiệp".

Để thực hiện chủ trương đưa ĐBSCL "đứng dậy" làm chủ và "vươn lên" mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông để thu hút các nhà đầu tư về đây xây dựng nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất để bà con khỏi phải ly hương xa xứ, để họ có thể vừa đi làm vừa được sống gần gũi với gia đình, chòm xóm, để con cái của họ không phải chịu cảnh dang dở chuyện học hành. Làm được như vậy, bức tranh giáo dục ở miền Tây chắc hẳn sẽ ngày càng sáng hơn.

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!