Tâm điểm
Vân Thiêng

Nhanh hay chậm với cao tốc ngập nước

Đưa vào khai thác chưa đầy 3 tháng, chỉ mới một trận mưa đầu mùa, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã bị ngập lụt, gây ngỡ ngàng cho người dân và những người lạc quan nhất khi kỳ vọng cùng với con đường, là sự thay đổi tư duy trong quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhìn cảnh ô tô ùn tắc, chết máy, trôi dạt xuống lề đường vì nước lụt, không ai nghĩ được vì sao một con đường được gọi là cao tốc, giá trị xây dựng tới 12.570 tỷ đồng từ ngân sách lại có thể gặp cảnh tượng như vậy.

Khi những tranh luận về nguyên nhân khiến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây "thất thủ" trong đợt mưa vừa qua còn chưa có hồi kết, báo chí phản ánh thêm những đoạn cao tốc khác chưa có trạm dừng chân, không có dải phân cách, nhiều điểm nguy hiểm chưa lắp đặt hệ thống chiếu sáng, không cảnh báo sạt lở đất đá, mất sóng điện thoại…

Đơn cử, chuyện đường cao tốc không có trạm dừng chân xảy ra ở đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài khoảng 101km, khiến hành khách phải đi nhờ vào những "Nhà vệ sinh 0 đồng" do người dân dựng lên dọc đường, lái xe đường dài tấp vào làn khẩn cấp ngủ nghỉ... dễ gây tai nạn.

Nhanh hay chậm với cao tốc ngập nước - 1

Lực lượng chức năng đang cứu hộ xe tải bị nước cuốn trôi dạt ra lề đường trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: CTV).

Từng lái xe trên cao tốc Túy Loan (Đà Nẵng) - La Sơn (Huế), rồi La Sơn - Cam Lộ (Quảng Trị) trong dịp Tết Nguyên đán 2023, tôi trải nghiệm cảm giác ô tô lầm lũi băng qua nhiều vùng núi rừng hoang vắng, cong queo mà không có dải phân cách, không trạm dừng nghỉ, không có làn dừng khẩn cấp và không sóng điện thoại. Lúc đó tôi đã giật mình tự hỏi, nếu xảy ra sự cố trên đường, người dân biết kêu ai?

Một số bất cập kiểu này còn xảy ra trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Trung Lương - Mỹ Thuận… là những tuyến đường mặc dù khai thác đã lâu những vẫn chưa được khắc phục; hay như cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi từ Cần Thơ đến Kiên Giang nhiều chỗ không có hàng rào bảo vệ, người dân đi bộ, chạy xe máy đi làm đồng vô tư qua lại trên đường.

Xây dựng cao tốc Bắc - Nam là công việc quốc gia đại sự nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt với một đất nước trải dài từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau. Ai trong chúng ta cũng hiểu điều đó. Bản thân tôi từng chứng kiến cảnh giao thông trên quốc lộ 1A ách tắc do bị ngập sâu trong mùa mưa lũ miền Trung, đường sắt bị xói lở, cuốn trôi khiến hàng hóa cứu trợ phải nằm đường giữa lúc người dân vùng lũ đang cần giúp đỡ, nên rất thấm thía nỗi khổ của chia cắt giao thông.

Dự án cao tốc Bắc - Nam là mong mỏi, là tâm huyết của nhiều thế hệ người Việt, không chỉ cho hôm nay mà cả mai sau bởi nguồn lực đầu tư rất lớn.

Nhớ lại phải đến khi đường tránh Pháp Vân - Cầu Giẽ hoàn thành năm 1998, được nâng cấp, mở rộng, xây cầu vượt theo tiêu chuẩn của đường cao tốc vào năm 2012 thì Việt Nam mới thực sự có những km cao tốc đầu tiên. Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2030, cả nước có 5.000 km cao tốc. Người dân kỳ vọng rất lớn vào đại dự án này. Tuy nhiên, cao tốc có thực sự là đường "tốc độ cao" hay không thì lại tùy thuộc nhiều vào tư duy, tầm nhìn của các nhà quy hoạch, quản lý và từng đơn vị cụ thể trong quá trình thực hiện dự án thành phần cũng như vận hành các đoạn cao tốc đã thông xe.

Việc cao tốc Trung Lương - TP. HCM, được phép chạy 100 km/giờ nhưng nhiều khi xe phải chạy với tốc độ rùa bò vì đường quá tải khi chỉ 4 làn xe, mặt đường xuống cấp, tai nạn, ùn tắc liên miên là bài học đắng từ việc quy hoạch bằng tầm nhìn ngắn hạn.

Thiếu trạm dừng chân, chưa có dải phân cách, vạch kẻ đường, hệ thống biển báo… là những cái thiếu trước mắt, có thể khắc phục trong thời gian ngắn. Nhưng đường vừa làm xong đã ngập nước thì cần xem xét trách nhiệm từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế kỹ thuật…

Nếu cứ làm cao tốc với tư duy "vết dầu loang", để rồi chưa bao lâu phải mở rộng, phải giải tỏa đền bù, khắc phục bất cập kỹ thuật; hoặc cứ quản lý theo kiểu "tư duy chặt khúc" rồi quy định tốc độ tùy tiện, đoạn thì 100 - 120km/h, đoạn chỉ cho chạy 60- 80km/giờ… thì cao tốc tưởng nhanh nhưng về lâu dài lại chậm vì thiếu đồng bộ.   

Đành rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, vì nguồn lực của mỗi quốc gia là khác nhau. Nhưng bài học thành công trong việc xây dựng đường cao tốc của Trung Quốc, Hàn Quốc thật rất đáng để chúng ta học tập.

Tất cả chúng ta đều mong hoàn thành cao tốc Bắc- Nam càng sớm càng tốt, nhưng phải là con đường hoàn chỉnh, đồng bộ chứ không phải là sự vội vàng thông xe, để rồi sau đó lại nảy sinh những bất cập.

Hãy mạnh dạn bỏ tư duy cao tốc 4 làn xe và bắt đầu từ cao tốc 6-8 làn. Để không phải lặp lại cảnh vài ba năm sau lại ách tắc, phải mở rộng, tốn tiền giải phóng đền bù mặt bằng.

Ông bà ta nói "Ba lần sửa nhà tốn hơn một lần làm nhà". Đã là cao tốc, phải có tầm nhìn trăm năm.

Tác giả: Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!