Tâm điểm
Phạm Thanh Tuấn

Trạm dừng nghỉ "đi sau" cao tốc

Tôi và người bạn vừa có một trải nghiệm không thoải mái khi lái xe trên đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ TPHCM đi Phan Thiết (Bình Thuận).

Dù đoạn đường cao tốc đã đi vào khai thác nhưng lại không hề có trạm dừng nghỉ, gây ra bao phiền toái cho những người lái xe như chúng tôi. Người bạn đi cùng xe hỏi: "Bàn tới bàn lui, sao đến giờ vẫn chưa thấy xây dựng trạm dừng nghỉ?".

Những bất tiện từ việc cao tốc đã thông xe nhưng chưa có trạm dừng nghỉ dẫn đến bao nhiêu hệ lụy, bất cập thì báo chí đã phản ảnh nhiều. Tuy nhiên, nguyên nhân nào đến giờ nhiều đoạn đường bộ cao tốc chưa bắt đầu xây dựng trạm dừng nghỉ thì chưa được trả lời rõ ràng.

Trạm dừng nghỉ đi sau cao tốc - 1

Trạm dừng chân ở Km41 trên cao tốc TPHCM - Long Thành (Ảnh: Hoàng Bình).

Khi tìm hiểu kỹ tôi mới biết một phần bắt nguồn từ nguyên nhân pháp lý: việc đầu tư cao tốc tách riêng với đầu tư trạm dừng nghỉ dẫn đến sự không đồng bộ về thời điểm đầu tư và những bất cập pháp lý khi lựa chọn nhà đầu tư lĩnh vực này.

Về việc thiếu đồng bộ khi đầu tư, theo quy định của pháp luật trạm dừng nghỉ là hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, do ngân sách hạn chế, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 gồm 12 dự án thành phần được phân kỳ với thiết kế cơ bản 4 làn xe. Các dự án đường bộ cao tốc chưa bao gồm trạm dừng nghỉ, hệ thống camera... Hạng mục trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc được tách ra làm dự án riêng để đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Mặc dù chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua từ năm 2022 tại Nghị quyết số 44/2022/QH15, nhưng quy hoạch mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc này mãi đến ngày 31/7/2023 mới được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt với tổng số 36 trạm. Trong số đó có 7 trạm đã đưa vào khai thác, 2 trạm đang đầu tư xây dựng và 27 trạm chưa đầu tư.

Do nguồn vốn đầu tư, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư khác nhau đã dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu xây dựng dự án đường bộ cao tốc và lựa chọn nhà đầu tư dự án trạm dừng nghỉ không đồng bộ. Dự án đường bộ cao tốc đã xây dựng xong, nhưng quá trình tìm kiếm các nhà đầu tư dự án trạm dừng nghỉ mới đang thực hiện ở những bước đầu.

Những vướng mắc, thiếu đồng bộ khi lựa chọn nhà đầu tư các dự án trạm dừng nghỉ cũng là nguyên nhân làm cho quá trình này kéo dài.

Quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng trạm dừng nghỉ được Bộ Giao thông Vận tải ban hành tại Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT ngày 7/3/2023.

Đến ngày 1/1/2024 khi Luật Đấu thầu 2023 sửa đổi có hiệu lực và sau đó Nghị định 23/2024/NĐ-CP được ban hành, nhiều nội dung khác so với quy định cũ, nên việc triển khai lựa chọn nhà đầu tư các dự án trạm dừng nghỉ vì thế cũng cần có chuyển tiếp, điều chỉnh. Một số dự án trạm dừng nghỉ phải chờ sửa đổi thông tư 01/2023/TT-BGTVT thì mới tiếp tục triển khai quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Như vậy, quy định lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ vốn đã ban hành muộn, lại có sự thay đổi nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện.

Trong thời gian qua, chúng tôi được biết mới có 8 dự án trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đạt kết quả sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư (giống như bước sơ tuyển). Như vậy, để lựa chọn được các nhà đầu tư 8 dự án này cũng cần chờ đến cuối Quý II hoặc đầu Quý III năm 2024.  Sau khi đã lựa chọn, thời gian dự kiến để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục pháp lý và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ có thể mất đến 12 tháng nữa. Đương nhiên trong thời gian đó, những người lưu thông trên các tuyến cao tốc trên sẽ tiếp tục đối mặt với bất tiện như đã và đang diễn ra.

Dù sao đến nay các bất cập về pháp lý trong lựa chọn chủ đầu tư trạm dừng nghỉ cơ bản đã được giải quyết. Vấn đề tiếp theo là trong thời gian tới cần có cơ chế chính sách để việc đầu tư xây dựng, khởi công các tuyến cao tốc cần đồng bộ với việc đầu tư hạ tầng giao thông trong đó có trạm dừng nghỉ.

Thời gian lựa chọn nhà thầu thi công cao tốc cũng cần có sự tương thích một cách hợp lý với quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án trạm dừng nghỉ, để bảo đảm khi thông xe cao tốc, việc vận hành trạm dừng nghỉ đã sẵn sàng.

Chỉ khi các quá trình trên khởi hành đồng bộ thì khi đó chúng ta sẽ không còn chứng kiến cảnh, cao tốc đã "chạy" mà trạm dừng nghỉ mới ở tình trạng "khởi động".

Tác giả: Luật sư, thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn là luật sư Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; trọng tài viên Trung tâm trọng tài Thương mại và Công lý Việt Nam (VietJac). Ông Tuấn có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về pháp lý bất động sản, xây dựng, hiện là giám đốc pháp chế của Công ty CP Phát triển và Kinh doanh Bất động sản WeLand.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!