1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Phóng viên Dân trí "cõng" muối, gạo hỗ trợ dân tộc Cơ Tu bị lũ quét mất nhà

Công Bính

(Dân trí) - Vượt qua con đường nham nhở, những ổ trâu, ổ gà, sau trận lũ để lại, phóng viên Dân trí đã "cõng" theo 2 tấn muối, gạo và 50 triệu đồng của bạn đọc ủng hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu bị lũ tàn phá.

Từ Đà Nẵng lên trung tâm huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) khoảng 130km nhưng chúng tôi phải mất hơn 3 tiếng mới đến nơi. Sau trận mưa lũ vừa qua, khi nước rút đi để lại con đường nham nhở ổ gà, ổ trâu, nên chuyến xe cõng theo theo 2 tấn muối, gạo của bạn đọc Dân trí ủng hộ mà đi xóc như phi ngựa.

Phóng viên Dân trí cõng muối, gạo hỗ trợ dân tộc Cơ Tu bị lũ quét mất nhà - 1
Phóng viên Dân trí cõng muối, gạo hỗ trợ dân tộc Cơ Tu bị lũ quét mất nhà - 2

Nhà bà Hốih Thị Ngành, thôn Azứt, xã Bhalêê sau cơn lũ lịch sử

Từ đường Hồ Chí Minh vào trung tâm huyện Tây Giang, những vệt nước lũ của dòng sông Avương và Atiêng còn in hằn trên vách núi, cách mặt nước hiện tại cả chục mét. Nhìn mốc lũ khủng khiếp như vậy, nhiều người vẫn còn cảm thấy rùng mình.

Đường Hồ Chí Minh nhiều nơi bị sạt lở đến nay vẫn đang tiếp tục khắc phục, tuyến đường này chưa bao giờ ngập, nhưng đợt lũ do ảnh hưởng bão số 5 nhiều đoạn ngập gần 1m…

Phóng viên Dân trí cõng muối, gạo hỗ trợ dân tộc Cơ Tu bị lũ quét mất nhà - 3

Bạn đọc báo Điện tử Dân trí hỗ trợ bà con dân tộc Cơ Tu huyện Tây Giang (Quảng Nam) 50 triệu đồng để bà con khắc phục hậu quả sau bão, lũ.

Dù đường đi vất vả, gian nan sau trận lũ vừa qua nhưng chúng tôi ai cũng muốn đến Tây Giang thật nhanh để còn kịp thời hỗ trợ bà con ít gạo, muối trong lúc khó khăn…

Anh Pơloong Lan (thôn Azứt, xã Bhalêê), là một trong hàng chục hộ dân bị lũ nhấn chìm vẫn còn chưa hết bàng hoàng, cho dù cơn bão số 5 đã qua đi được hơn một tháng. Anh kể, đợt mưa lũ kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng ngày 18/9, sau đó cứ được vài ngày tạnh mưa thì lại xuất hiện những trận mưa to, mưa lớn khiến nhiều đoạn đường bị tàn phá, việc khắc phục hậu quả sau bão gặp rất nhiều khó khăn.

"Tối hôm đó, đêm 17 rạng sáng ngày 18/9, trời mưa như trút nước, dòng suối Talang bình thường hiền hòa thì nay như quái vật, nước lũ đổ ào ào. Khoảng 7h sáng ngày 18/9, nước lũ dâng cao cuốn trôi mọi thứ trong nhà mẹ mình, gia đình gồm mẹ và 3 anh em chỉ kịp chạy thoát thân. Cũng may là nước lũ dâng lúc trời sáng, chứ lúc đó mà trời tối là không chạy kịp", anh Pơloong La nhớ lại.

Phóng viên Dân trí cõng muối, gạo hỗ trợ dân tộc Cơ Tu bị lũ quét mất nhà - 4

Đại diện lãnh đạo huyện Tây Giang trao tiền ủng hộ của bạn đọc Dân trí đến bà con dân tộc Cơ Tu bị hư hỏng nhà cửa

Khi trở về, căn nhà chỉ còn lại khung, đồ đạc trong nhà trôi theo dòng lũ hung dữ. Cơn lũ đi qua, nhà chẳng còn gì. Mấy anh em đi tìm lại giường, tủ để có thể sử dụng nhưng bùn đất vùi lấp, hư hỏng hết. Giờ mẹ thì đi ở nhờ nhà người khác trong khi chờ chính quyền và nhà hảo tâm hỗ trợ dựng lại nhà.  

Anh Pơloong Lan chia sẻ thêm: “Từ nhỏ đến lớn, chắc cũng hơn 10 năm rồi mình mới thấy trận lũ lớn như vậy, trước đây cũng có lũ nhưng không kinh khủng như trận lũ vừa rồi. Chỉ trong vòng vài giờ mà lũ cuộn lên như cuốn phăng cả làng mạc, bà con không ai kịp trở tay, cũng may người dân đã sơ tán kịp thời, còn tài sản thì nhiều bà con bị mất trắng ”.

Phóng viên Dân trí cõng muối, gạo hỗ trợ dân tộc Cơ Tu bị lũ quét mất nhà - 5
Phóng viên Dân trí cõng muối, gạo hỗ trợ dân tộc Cơ Tu bị lũ quét mất nhà - 6

Ngoài số tiền 50 triệu đồng của bạn đọc Dân trí ủng hộ, mỗi hộ dân có nhà bị hư hỏng còn nhận được 20kg gạo và 20kg muối của mạnh thường quân, bạn đọc Dân trí hỗ trợ bà con trong lúc khó khăn

Nhà anh Bhling Meel (nhà ở thôn Ahu, xã Atiêng) sống cạnh sông Atiêng cũng bị mưa lũ làm sạt lở hoàn toàn nhà bếp. Sáng 18/9, mưa rất to và lũ lên nhanh, anh nhờ hàng xóm khiêng đồ đạc dọn lên chỗ cao ráo. Riêng phần nhà bếp do ở dưới thấp nên đã bị lũ cuốn trôi, còn nhà trên thì bị hư hại.

“Hiện mình đang ở tạm trong nhà của mình, chưa sửa chữa lại vì chưa có điều kiện. Mình mong muốn nhà nước và mạnh thường quân giúp đỡ để mình sửa lại nhà của mình”, anh Bhling Meel nói.

Một trong những hộ bị hư hại nhà cửa nặng nhất là nhà của bà Hốih Thị Dí (trú thôn Ahu, xã Atiêng). Khi được phóng viên hỏi nhà hư hại ra sao trong đợt mưa lũ vừa qua, bà chỉ biết nói “đồ đạc trôi hết, hư hết rồi”.

Phóng viên Dân trí cõng muối, gạo hỗ trợ dân tộc Cơ Tu bị lũ quét mất nhà - 7

Những bao muối, bao gạo nghĩa tình của bạn đọc Dân trí kịp thời đến hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu

Theo lãnh đạo huyện Tây Giang, nhà Hốih Thị Dí sống cạnh dòng sông Atiêng, sáng 18/9, nước lũ dâng cao bất ngờ khiến cả gia đình bị mắc kẹt, lực lượng bộ đội, dân quân phải đu dây qua sông để đưa gia đình đến chỗ an toàn. Còn nhà cửa, đồ đạc trong nhà trôi theo dòng lũ dữ. Hiện gia đình bà phải ở nhờ nhà người thân.

Mất mát sau cơn lũ dữ đối với bà con Cơ Tu không dễ gì khắc phục một sớm một chiều. Đồng bào ai cũng nghèo khó nên sự hỗ trợ của bạn đọc báo Dân trí, các mạnh thường quân kịp thời trong lúc này làm ai cũng xúc động.

Bà Hốih Thị Dí, khi hay tin có quà của bạn đọc Dân trí ủng hộ, bà bảo con gái đầu chở mẹ bằng xe máy chạy cả chục cây số lên huyện nhận quà. Khi nhận được tiền, gạo và muối của bạn đọc Dân trí, bà không biết nói gì hơn ngoài lời "cảm ơn".

Nhận xong quà, hai mẹ con đưa lên xe máy cùng nhau chở về nhà chuẩn bị cho bữa tối. Trời chiều Tây Giang mùa này lạnh lẽo, nhưng chúng tôi cùng bà con rất ấm lòng với sự hỗ trợ kịp thời của bạn đọc Dân trí trong lúc ngặt này.

Bà con dân tộc Cơ Tu nhận quà hỗ trợ của bạn đọc báo Dân trí

Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm cách tiếp cận với bà con nhân dân vùng cao biên giới như xã Gari, Ch’ơm, Tr’Hy… để thay mặt bạn đọc Dân trí trao quà tới 39 hộ dân khác. Bởi, các địa bàn này tuy cách trung tâm huyện Tây Giang 40 đến 50 cây số nhưng đường bị sạt lở, cô lập nên chúng tôi vẫn đang tìm cách tiếp cận.

Ông Arất Blúi – Phó Chủ tịch huyện Tây Giang cho hay, chờ vài ngày nữa trời tạnh mưa, đường sá được thông, huyện sẽ trực tiếp trao đến các hộ dân như đề nghị của bạn đọc Dân trí. “Chúng tôi sẽ cố gắng chuyển tiền của bạn đọc Dân trí hỗ trợ cùng gạo và muối đến tận tay bà con ở vùng bị cô lập càng sớm càng tốt”, ông Blúi nói.

Phóng viên Dân trí cõng muối, gạo hỗ trợ dân tộc Cơ Tu bị lũ quét mất nhà - 8

* Trước đó, ngày 19/10, nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Điện tử Dân trí đã quyết định trích số tiền 3 tỉ đồng từ Chương trình Nhân ái của báo, do bạn đọc Dân trí đóng góp, để ủng hộ đồng bào miền Trung ruột thịt. Tổng cộng cả số tiền bạn đọc ủng hộ qua toà soạn tính đến hết ngày 23/10/2020 là hơn 5,1 tỉ đồng. Danh sách bạn đọc ủng hộ tại đây.

Ông Arất Blúi – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, trong cơn mưa lũ lịch sử vừa qua, huyện Tây Giang bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh Quảng Nam. Nhiều tuyến đường, cầu cống, trường học bị sạt lở, nhiều ruộng vườn, heo, bò, gà… của bà con nhân dân bị trôi đi hết. Tổng thiệt hại khoảng 300 tỉ đồng.

Mưa lũ cũng làm 215 nhà của đồng bào bị sạt lở, hư hại; trong đó có nhà bị sập hoàn toàn, có nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, có nhà bị sạt lở phải di dời để đảm bảo an toàn cho bà con.

Ông Blúi cho hay, đối với những nhà bị sập hoàn toàn, huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, còn nhà hư hỏng tùy theo mức độ huyện hỗ trợ từ 10 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, với điều kiện của huyện còn nhiều khó khăn, nên nguồn kinh phí để đảm bảo hỗ trợ cho các hộ cũng eo hẹp.

“Mong cấp trên và các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm để giúp đỡ cho bà con ổn định cuộc sống, nhất là chỗ ở, sau đó là an ninh lương thực cho bà con”, ông Arất Blúi cho biết.

Cũng theo ông Blúi, đối với những hộ sạt lở phải di dời nhà cửa mà chưa có chỗ ở thì trước mắt địa phương bố trí ở nhà sinh hoạt động đồng, còn một số thì ở nhờ các hộ dân lân cận hoặc ở tạm tại trường học để đảm bảo trong mùa mưa bão, sau đó huyện sẽ có kế hoạch hỗ trợ bà con dựng lại nhà cửa.