1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dàn khí tài quân sự “khủng” Nga sắp đưa vào biên chế

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga đã chi hàng chục tỷ USD để để đặt hàng các khí tài quân sự mới nhằm gia tăng sức mạnh cho lực lượng mặt đất, trên không, trên biển của nước này.

Theo Russia Beyond, Nga vào tháng 8 đã chi 15,5 tỷ USD để đặt hàng các khí tài quân sự nhằm bổ sung vào biên chế của nước này trong những năm tới.

Trong vài năm gần đây, Nga có xu hướng giảm bớt chi tiêu cho lĩnh vực quân sự. Theo Tổng thống Vladimir Putin, Moscow quyết định cắt giảm chi tiêu quốc phòng vì Nga đã vượt qua giai đoạn “đỉnh điểm của hiện đại hóa”. Điều này cho phép chính phủ Nga phân bổ nguồn lực ít hơn cho quốc phòng, nhưng vẫn duy trì mức độ phòng thủ tương tự.

Theo giới chuyên gia, Nga đã bắt đầu theo đuổi nguyên tắc mới trong chi tiêu quốc phòng là “cần thiết và đủ”. Họ chủ động loại bỏ các vũ khí lạc hậu, đầu tư vào việc cải tiến, chế tạo vũ khí mới với trọng tâm hướng tới các công nghệ đột phá mang lại lợi thế, tạo nên sức mạnh răn đe cho Nga trước các đối thủ.

Vì vậy, dù giảm chi tiêu quốc phòng, nhưng Nga năm nay vẫn đặt hàng thêm các hệ thống khí tài uy lực để đưa vào biên chế.

Dàn khí tài quân sự “khủng” Nga sắp đưa vào biên chế - 1

Hệ thống pháo phản lực bắn loạt Tornado-S (Ảnh: Reuters)

Về lực lượng mặt đất, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko tiết lộ nước này sẽ nhận thêm 800 khí tài, cũng như hơn 80.000 tên lửa và đơn vị đạn dược. Một trong những vũ khí nổi bật là hệ thống pháo phản lực bắn loạt Tornado-S và tên lửa “mưa đá” BLM Grad.

Tornado-S có cỡ nòng 300mm, tầm bắn tối đa 120km và có thể tạo ra một vụ nổ rộng 67,6 ha. Được gắn trên khung gầm xe tải quân sự KamAZ-63501 8x8, Tornado-S có khả năng bắn một tên lửa hoặc cả loạt 12 tên lửa khỏi bệ phóng. Các hệ thống Tornado-S mới sẽ được trang bị khả năng bắn tên lửa dẫn đường 300 mm cải tiến với đầu đạn “khủng”. Ngoài ra, các tên lửa cũng được trang bị công nghệ ngụy trang mới giúp nó có thể “ẩn mình” trước radar đối thủ, cùng với tầm tấn công 120 km và đánh phá vào các mục tiêu riêng biệt.

Dàn khí tài quân sự “khủng” Nga sắp đưa vào biên chế - 2

Xe tăng T-80BVM của Nga (Ảnh Sputnik)

Ngoài ra, nhà thầu UVZ của Nga năm nay cũng nhận thêm đơn đặt hàng cho biến thế cải tiến của xe tăng nhanh nhất thế giới T-80BVM cùng với các hệ thống vũ khí uy lực đi kèm. Bộ Quốc phòng Nga đặt hàng lô 50 chiếc và sẽ tăng thêm số lượng nếu hài lòng với lô đầu tiên.

Lực lượng pháo binh sẽ được cập nhật công nghệ hoàn toàn mới vừa được công bố hồi tháng 8. Hệ thống mang tên “Tablet A” cho phép các chỉ huy có thể toàn quyền điều khiển toàn bộ các hệ thống hỏa lực từ xa.

Dàn khí tài quân sự “khủng” Nga sắp đưa vào biên chế - 3

Máy bay Su-35S (Ảnh: Reuters)

Về lực lượng trên không, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng mua sắm thêm các tiêm kích Su-35S, Su-30SM2 và máy bay ném bom Su-34, cùng với máy bay huấn luyện Yak-130 và máy bay vận tải Il-76MD-90A.

Theo nhà thầu UAC, họ đã ký kết thỏa thuận cuối cùng với quân đội Nga về việc bàn giao máy bay không người lái hạng nặng Okhotnik “thợ săn” vào biên chế.

Dàn khí tài quân sự “khủng” Nga sắp đưa vào biên chế - 4

Máy bay không người lái Okhotnik (Ảnh: Quân đội Nga)

Okhotnik được xem là phiên bản cỡ nhỏ của tiêm kích thế hệ 5 Su-57 khi có thể tàng hình và mang theo mọi loại hỏa lực và vũ khí dành cho Su-57. Đây được xem là một trong những bước tiến mới trong công nghệ của Nga.

Dàn khí tài quân sự “khủng” Nga sắp đưa vào biên chế - 5

Tàu ngầm hạt nhân Dự án 971 Shchuka-B (NATO gọi là Akula) (Ảnh: Sptunik)

Về lực lượng trên biển, Nga ký thêm hợp đồng mua tàu ngầm diesel-điện Warshavanka và tàu ngầm năng lượng hạt nhân từ dự án 971. Đây đều là các tàu ngầm thế hệ 3 được trang bị tên lửa, ngư lôi. Chúng được mệnh danh là các vũ khí “hố đen” vì khả năng tàng hình ấn tượng. Động cơ của chúng gần như không tạo ra tiếng động khi di chuyển khiến các hệ thống phòng vệ của đối thủ khó có thể phát hiện dưới nước.

Các tàu ngầm này có thể loại bỏ tàu ngầm, tấn công mục tiêu mặt nước và mục tiêu ven biển của đối thủ.