1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hỏa hoạn tại nhà máy Mỹ sản xuất vũ khí cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một đám cháy bùng phát tại một nhà máy quân sự ở thành phố Scranton, bang Pennsylvania của Mỹ, nơi sản xuất đạn dược bao gồm đạn pháo và đạn cối để cung cấp cho Ukraine.

Hỏa hoạn tại nhà máy Mỹ sản xuất vũ khí cho Ukraine - 1

Cột khói bốc lên từ đám cháy (Ảnh: X).

Theo tập đoàn quốc phòng Mỹ General Dynamics và các nhân chứng, vụ việc xảy ra vào chiều hôm 15/4 (giờ địa phương) ở nhà máy đạn dược quân đội Scranton, bang Pennsylvania.

Một đám cháy đã bùng phát tại đây, với hình ảnh đăng tải cho thấy các cột khói đen bốc lên.

General Dynamics, công ty chịu trách nhiệm vận hành cơ sở này, nói với Atlas News rằng đám cháy đã sớm được dập tắt mà không gây thương vong. Nhà máy Scranton thuộc sở hữu của quân đội Mỹ.

Nhà máy gặp hỏa hoạn là 1 trong 7 cơ sở sản xuất vũ khí quân sự cho quân đội Mỹ, bao gồm đạn pháo 155mm và 105mm, đạn súng cối 120mm, đạn pháo hải quân 203mm, cũng như nhiều loại đạn khói, đạn chiếu sáng và đạn gây cháy.

Hỏa hoạn tại nhà máy Mỹ sản xuất vũ khí cho Ukraine - 2

Vị trí của nhà máy Scranton (Ảnh: X).

Tạp chí National Defense của Mỹ đưa tin, nhà máy Scranton đã được hiện đại hóa đặc biệt để sản xuất đạn pháo cho Ukraine. Báo cáo cho biết trước cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhà máy này sản xuất trung bình 7.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Hiện thời, nhà máy đặt ra mục tiêu sẽ sản xuất tới 35.000 quả đạn pháo mỗi tháng vào năm 2027.

Mỹ đang cố gắng tăng cường sản xuất đạn pháo để cung cấp cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga cho dù đề xuất viện trợ 60 tỷ USD từ chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang mắc kẹt ở quốc hội do bất đồng giữa phe Dân chủ và Cộng hòa.

Điện Kremlin liên tục cảnh báo phương Tây không nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev vì cho rằng điều đó sẽ khiến xung đột leo thang hơn nữa. Vào tháng 4/2022, Nga đã gửi công hàm ngoại giao tới tất cả các nước NATO về vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo rằng bất kỳ hàng hóa nào chứa vũ khí cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga.

Ngày 15/4, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã đệ trình bốn dự luật riêng biệt về viện trợ cho Ukraine, Israel, châu Á-Thái Bình Dương và các ưu tiên an ninh quốc gia của Washington. Phía Ukraine kỳ vọng dự luật mới có thể tháo gỡ bế tắc trong nội bộ Mỹ về vấn đề viện trợ cho Kiev, khi họ đang cạn kiệt đạn dược để chặn đà tiến của Moscow.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine