1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - EU tìm tiếng nói chung đối phó Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nhà ngoại giao Mỹ và EU sẽ có cuộc đối thoại đầu tiên về Trung Quốc để cùng nhau ứng phó với các vấn đề liên quan tới Bắc Kinh.

Mỹ - EU tìm tiếng nói chung đối phó Trung Quốc - 1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) gặp Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli tại Brussels, Bỉ ngày 3/9. (Ảnh: Reuters)

Một nhà ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/9 tiết lộ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang lên kế hoạch tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên về Trung Quốc với những người đồng cấp EU trong tháng này.

Động thái trên của Ngoại trưởng Mỹ có thể khiến Trung Quốc lo ngại khi nước này đang tìm cách ngăn cản việc xây dựng một mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương nhằm chống lại Bắc Kinh.

Theo truyền thông Italia, Ngoại trưởng Pompeo dự kiến sẽ tới thăm Italia và Vatican trong một nỗ lực nhằm thuyết phục quốc gia châu Âu “quay lưng” với các khoản đầu tư từ Trung Quốc tại các cảng của nước này, đồng thời gây sức ép với Vatican khi tòa thánh được cho là đang thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh.

Theo SCMP, các nhà ngoại giao cấp cao của cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm lôi kéo EU trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đều xem lục địa này là nơi đóng vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng về kinh tế, công nghệ và địa chính trị.

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU xác nhận ông Josep Borell, đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của EU, sẽ chính thức đưa ra đề xuất tổ chức cuộc đối thoại với Mỹ khi ông có cuộc gặp với ngoại trưởng của 27 nước EU vào ngày 21/9.

Nhà ngoại giao EU cho biết đối thoại Mỹ - EU về Trung Quốc sẽ được tổ chức thường kỳ và dự kiến bắt đầu luôn từ tháng này.

Nếu vào ngày 21/9 tới, các nước EU nhất trí sẽ tiến hành cuộc đối thoại với Mỹ về Trung Quốc, quyết định này được đưa ra chỉ 1 tuần sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với 2 nhà lãnh đạo cấp cao của EU là Chủ tịch Hội đồng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

“Động thái này gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng EU sẵn sàng thảo luận với Mỹ về những mối lo ngại ngày càng tăng mà 2 bên cùng quan tâm liên quan tới Trung Quốc. EU sẵn sàng thảo luận ngay cả với chính quyền Tổng thống Donald Trump vốn không thân thiện với EU”, nhà ngoại giao EU cho biết.

Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa đưa ra phản hồi về thông tin trên.

Ý tưởng về cuộc đối thoại chung được ông Borrell đề xuất hồi tháng 6 khi nhà ngoại giao này tham dự cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Pompeo và 27 ngoại trưởng của các nước thành viên EU.

“Có những vấn đề mà chúng ta phải cùng nhau đối mặt trong mối quan hệ với Trung Quốc và sự hợp tác chặt chẽ của chúng ta đóng vai trò rất quan trọng trong việc cùng nhau giải quyết những vấn đề đó. Tình hình tại Hong Kong là một trong số các vấn đề như vậy”, ông Borrell nói.

Cạnh tranh Mỹ - Trung

Mỹ - EU tìm tiếng nói chung đối phó Trung Quốc - 2

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU họp trực tuyến ngày 14/9. (Ảnh: Brussel Times)

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Italia và Vatican vào cuối tháng này diễn ra chỉ vài tuần sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến công du tới Italia và 4 nước châu Âu khác. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Trong chuyến đi sắp tới, Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ thảo luận với chính phủ Italia về kế hoạch của Trung Quốc trong việc sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng quyền sở hữu của Bắc Kinh tại các cảng của Italia. Italia cũng là nước duy nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tham gia Vành đai và Con đường.

Cảng Trieste ở phía bắc Italia đang là tâm điểm chú ý, khi một số dự án trọng điểm tại cảng này do Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) quản lý. 5 trong số các công ty con của CCCC đã bị Mỹ áp lệnh trừng phạt hồi tháng trước do có liên quan tới hoạt động quân sự hóa trái phép ở Biển Đông.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị tới một loạt quốc gia châu Âu được cho là để khôi phục hình ảnh của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh bị chỉ trích vì để đại dịch Covid-19 lây lan toàn cầu và thông qua luật an ninh quốc gia gây tranh cãi với Hong Kong.

Ngay sau chuyến đi của ông Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng tới thăm Tây Ban Nha và Hy Lạp. Tại Athens, ông Dương nhấn mạnh lợi ích của Trung Quốc trong việc phát triển cảng Piraeus hiện do công ty Cosco Shipping của Trung Quốc vận hành.

Không điểm dừng chân nào của Ngoại trưởng Trung Quốc trong chuyến đi mới nhất trùng với những nơi người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo từng tới trong chuyến công du châu Âu hồi tháng 7. Ông Pompeo tới Áo, Anh, Séc, Đan Mạch, Ba Lan và Slovenia - một phần trong nỗ lực của Washington nhằm thuyết phục châu Âu theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Theo CNN, EU đang phải đối mặt với bài toán khó khăn về việc cân bằng mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ.

Châu Âu vẫn cần nguồn vốn dồi dào và các khoản đầu tư từ Trung Quốc để vực dậy các nền kinh tế đang chìm trong khó khăn tại khu vực này. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng khí hậu mà châu Âu quan tâm chỉ có thể được giải quyết nếu có sự tham gia của Trung Quốc, nước phát thải nhiều khí thải nhất thế giới.

Tuy nhiên, châu Âu cũng mâu thuẫn với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, gần đây nhất là đại dịch Covid-19, bên cạnh các vấn đề khác như nhân quyền, Hong Kong, gián điệp kinh tế hay Huawei.

Mặc dù châu Âu xích lại gần Trung Quốc nhưng mối quan hệ với Mỹ vẫn được xem là nền tảng của một trật tự phương Tây do Washington dẫn đầu. Châu Âu, nơi có các đồng minh của Mỹ, vẫn cần Mỹ cũng như sự hỗ trợ của Washington trong nhiều lĩnh vực như suốt nhiều năm qua.

Giới ngoại giao EU nhận định châu Âu đang có mối quan hệ phức tạp vừa là đối tác vừa là đối thủ với Trung Quốc. Châu Âu một mặt có thể hợp tác với Trung Quốc, nhưng mặt khác, khối này phải thừa nhận một cách công bằng rằng Trung Quốc vẫn là một đối thủ không thể tin tưởng hoàn toàn.