1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ gia tăng "quyến rũ" các nước nhỏ ở Nam Á để đối trọng Trung Quốc

An Bình

(Dân trí) - Mỹ không chỉ tăng cường quan hệ với Ấn Độ mà còn với các quốc gia nhỏ hơn ở Nam Á để đối trọng với Trung Quốc ngày một hiện diện nhiều hơn ở khu vực thông qua các thỏa thuận hạ tầng hấp dẫn.

Mỹ gia tăng quyến rũ các nước nhỏ ở Nam Á để đối trọng Trung Quốc - 1

Thứ trưởng Ngoại gaio Mỹ Stephen Biegun (trái) và Ngoại trưởng Bangladesh AK Abdul Momen trong cuộc họp báo ở Dhaka tuần này (Ảnh: AFP)

Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun tới Dhaka, Bangladesh tuần qua là một nỗ lực của Washington nhằm tăng cường sự hiện diện tại Nam Á, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng kết nối với các quốc gia trong khu vực thông qua sáng kiến Vành đai và con đường, với các cam kết hàng tỷ USD đầu tư vào các dự án hạ tầng, thúc đẩy quan hệ thương mại và quốc phòng.

Chuyến thăm kéo dài 3 ngày của ông Biegn tại Dhaka diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina hồi tháng 9. Truyền thông địa phương đánh giá, chuyến thăm cho thấy “sự nhiệt tình mới” của Mỹ với Bangladesh vì sự tăng trưởng đều đặn, ổn định chính trị và vị trí địa lý của nước này trong khu vực.

“Mỹ xem Bangladesh là một đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”, Thứ trưởng Biegun phát biểu, nói thêm rằng Bangladesh có thể là một “trọng tâm trong nỗ lực của chúng tôi” nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa.

Các chuyến thăm cấp cao của giới chức Washington tới Dhaka thường diễn ra ngay trước bầu cử tổng thống Mỹ. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton từng thăm Bangladesh vào tháng 5/2012, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến vào tháng 8/2016, và chuyến thăm lần này của ông Biegun diễn ra chỉ hơn 2 tuần trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới.

Chuyến công du của ông Biegun - ngoài việc chính quyền Mỹ hiện thời đang cố gắng giành sự ủng hộ của cộng đồng 200.000 người Mỹ gốc Bangladesh vốn có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ - phần nhiều là phục vụ mục đích tìm kiếm các đối tác cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.

“Chắc chắn rằng việc đối trọng với Trung Quốc sẽ là các nguyên tắc của sự hợp tác”, một chuyên gia Bangladesh nói.

Thứ trưởng Biegun cũng có chuyến thăm Ấn Độ trọng tuần này để hội đàm với các quan chức sở tại về các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, và chuẩn bị cho đối thoại chiến lược của bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao 2 nước dự kiến diễn ra vào cuối tháng này ở New Delhi. Các cuộc gặp dự kiến cũng thảo luận về sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực và hợp tác hậu đại dịch Covid-19, bên cạnh các vấn đề khác.

Mỹ gia tăng quyến rũ các nước nhỏ ở Nam Á để đối trọng Trung Quốc - 2

Mỹ đang tăng cường quan hệ với các quốc gia Nam Á để đối trọng với Trung Quốc (Ảnh: Geopolitics)

Các chuyến thăm của ông Biegun là một phần trong chính sách của Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ không chỉ với Ấn Độ tại Nam Á mà còn với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực.

Hồi tháng 9, Mỹ đã ký kết thỏa thuận khung quốc phòng với Maldives để cho phép hai nước hợp tác với nhau trong việc “đảm bảo hòa bình và an ninh tại Ấn Độ Dương”. Một cách tiếp cận tương tự cũng diễn ra hồi tháng 2/2019 tại Nepal để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.

Tại Delhi, ông Biegun đã có một cuộc gặp không chính thức với Đại sứ Bhutan tại Ấn Độ, do Bhutan hiện chưa có quan hệ ngoại giao với bất kỳ thành viên thường trực nào của Hội đồng Bảo an (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến cũng có chuyến thăm Sri Lanka vào cuối tháng này.

“Điều đó đến trực tiếp từ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ, vốn xem Ấn Độ Dương và các vành đai của nó có vai trò quan trọng hơn với Mỹ”, Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn lời chuyên gia Ashley J. Tellis tại Washington.

Chuyên gia trên chỉ ra rằng, mục đích của Mỹ là xây dựng các mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia chủ chốt ở Nam Á, bổ sung cho mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Mỹ với Ấn Độ.

Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Navtej Sarna cho rằng Washington có nhiều sáng kiến để hợp tác với các nước thân thiện trong khu vực như: ngăn chặn nguy cơ xung đột hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan, ngăn chặn nguy cơ nguy tấn công khủng bố tại khu vực Afghanistan-Pakistan, đối trọng với một Trung Quốc ngày càng tăng cường hiện diện trong khu vực và đảm bảo tự do hàng hàng hải tại các tuyến đường biển ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Mặc dù cả Mỹ và Ấn Độ đều có chung lý do là đối mặt với các thách thức do sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, nhưng các quốc gia Nam Á khác không muốn mối quan hệ của họ với Washington chỉ được nhìn qua lăng kính của mối quan hệ Mỹ-Ấn.

Là một nhà tài trợ lớn với các quốc gia Nam Á và cũng là thị trường lớn nhất cho hầu hết các quốc gia trong khu vực, Mỹ là một đối tác hấp dẫn. Nhưng các nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy điều đó thông qua chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đã gây ra quan điểm trái chiều tại các quốc gia này.

Ví dụ, việc Mỹ đề nghị hỗ trợ các dự án phát triển tại Nepal trị giá 630 triệu USD và 480 triệu USD tại Sri Lanka thông qua sáng kiến Hợp tác thách thức thiên niên kỷ đã gây ra các cuộc biểu tình mạnh mẽ cả tại quốc hội và trên đường phố của hai nước, với những lo ngại rằng các khoản hỗ trợ này sẽ đi kèm với sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực.

Ngoài ra, Sri Lanka cũng không muốn ký thỏa thuận nhằm cho phép các lực lượng quân đội Mỹ tiếp cận tự do hơn với các cảng của Sri Lanka và các cơ sở khác.

“Hầu hết các cuộc biểu tình đều dựa trên quan niệm sai lầm rằng các thỏa thuận cho phép Mỹ có quyền và vượt trên các lực chọn chủ quyền của các đối tác. Thực tế không phải như vậy”, chuyên gia Ashley J. Tellis nói.

Thách thức lớn nhất đối với các quốc gia Nam Á là làm thế nào để cân bằng mức độ tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc trong sự phát triển của các nước này. Mỹ - dù là một cường quốc toàn cầu, một nhà tài trợ lớn và thị trường lớn nhất cho các quốc gia Nam Á - trước đây không tích cực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương như Trung Quốc. Nhưng khi sự đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng nhằm cạnh tranh sự thống trị toàn cầu, Mỹ mới thúc đẩy chính sách trong khu vực, hi vọng tìm kiếm vị thế vững chắc hơn với không chỉ vài đối tác sẵn lòng.