1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ lo lắng về tình trạng của binh sĩ vượt biên sang Triều Tiên

Thành Đạt

(Dân trí) - Washington bày tỏ lo ngại khi không thể liên lạc với Bình Nhưỡng để trao đổi về trường hợp công dân Mỹ vượt biên sang Triều Tiên.

Mỹ lo lắng về tình trạng của binh sĩ vượt biên sang Triều Tiên - 1

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về binh nhì Travis King (Ảnh: EPA).

Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth hôm 20/7 cho biết Washington đã tìm mọi cách để kết nối với Triều Tiên, kể cả thông qua các kênh liên lạc của Liên hợp quốc, để trao đổi về trường hợp công dân Mỹ vượt biên sang Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không có bất kỳ động thái phản hồi nào.

Lầu Năm Góc trước đó xác nhận công dân Mỹ vượt biên sang Triều Tiên là binh nhì Travis King. Trước khi vụ vượt biên xảy ra, King từng bị giam giữ 2 tháng ở Hàn Quốc vì tội hành hung và đang trong quá trình chờ bị đưa về Mỹ. Hôm 17/7, khi được hộ tống đến sân bay để lên chuyến bay của American Airlines đến Dallas, King đã bỏ trốn.

"Thành thật mà nói, tôi lo lắng cho anh ấy (Travis King). Tôi lo lắng về cách họ có thể đối xử với anh ấy. Vì vậy, chúng tôi muốn đưa anh ấy trở lại", Bộ trưởng Wormuth nói, đề cập trường hợp của Otto Warmbier, một sinh viên đại học Mỹ từng bị giam giữ ở Triều Tiên.

Otto Warmbier bị bắt giữ khi đang du lịch Triều Tiên vào năm 2016. Otto bị cáo buộc có hành vi thù địch chống lại nhà nước Triều Tiên sau khi anh này xé tấm khẩu hiệu tuyên truyền của Bình Nhưỡng ở khách sạn mà anh lưu trú.

Otto đã nhận bản án 15 năm tù khổ sai và sau 17 tháng giam giữ, Triều Tiên đã phóng thích nam sinh viên về Mỹ tháng 6/2017 trong tình trạng hôn mê sâu. Khoảng một tuần sau đó, Otto qua đời với chẩn đoán bị "tổn thương não nghiêm trọng". Triều Tiên bác bỏ mọi cáo buộc nói rằng Otto đã bị ngược đãi. 

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng bày tỏ lo ngại về trường hợp của binh nhì Travis King.  

Các quan chức Mỹ vẫn hoài nghi về lý do King chạy qua biên giới vào Triều Tiên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Wormuth thừa nhận binh nhì này có thể lo lắng về việc phải đối mặt với các biện pháp kỷ luật từ quân đội khi trở về Mỹ.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết văn phòng phản gián của quân đội Mỹ và các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đang tiến hành một cuộc điều tra về lý do khiến King đưa ra quyết định vượt biên vào Triều Tiên.

Bà Singh từ chối trả lời trực tiếp câu hỏi liệu Lầu Năm Góc có tin rằng King vẫn còn sống hay không. Bà cho biết quân đội Mỹ không thể cung cấp bất kỳ thông tin nào về tình trạng của King.

"Chúng tôi không biết tình trạng của anh ấy. Chúng tôi không biết anh ấy đang bị giữ ở đâu. Chúng tôi không biết tình trạng sức khỏe của anh ấy", bà Singh nói.

Phát biểu tại Nhật Bản, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim cho biết Washington đang "làm việc tích cực" để xác định tình trạng và sức khỏe của King, đồng thời nỗ lực vào cuộc để đảm bảo an toàn và đưa binh nhì này về nước.

Vụ việc xảy ra vào thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang. Binh nhì King có thể bị giam giữ ở Triều Tiên trong thời gian dài.

Theo giới chuyên gia, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ sử dụng việc binh sĩ Mỹ vượt biên vào mục đích khai thác thông tin hoặc tuyên truyền, song khó đạt được đòn bẩy chính trị.

King chỉ là một sĩ quan cấp thấp và có thể sẽ không có quyền truy cập vào những nguồn thông tin cấp cao nhất. Tuy nhiên, King có thể nắm được thông tin về sơ đồ bố trí bên trong cơ sở quân sự Mỹ ở Hàn Quốc, lượng binh sĩ được triển khai...

Theo Reuters