1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga tìm thấy bom từ Thế chiến 2 ở điện Kremlin

(Dân trí) - Một quả bom không nổ từ Thế chiến 2 đã được tìm thấy ở điện Kremlin và sau đó đã được vô hiệu hóa và mang đi.

Nga tìm thấy bom từ Thế chiến 2 ở điện Kremlin - 1

Điện Kremlin (Ảnh: Sporcle)

Sputnik dẫn thông báo ngày 15/8 của chỉ huy đơn vị quân sự điện Kremlin Sergei Khlebnikov cho biết một quả bom có từ Thế chiến 2 đã được tìm thấy ở quần thể này.

“Hôm nay, trong quá trình sửa chữa và tu bổ, một quả bom ném từ trên không đã được tìm thấy. Nó có từ cuộc chiến Vệ quốc Vĩ đại. Mọi biện pháp cần thiết đã được thực hiện để đảm bảo an ninh tại Kremlin”, ông Khlebnikov phát biểu, nói rằng quả bom đã được vô hiệu hóa và mang đi để tiêu hủy.

Vị tướng này cho biết quả bom đã không nổ và đã bị ẩn giấu dưới một lớp đất dày trong suốt thời gian qua.

“Mọi thứ vẫn bình thường, vật thể đã được mang đi khỏi Kremlin”, ông Khlebnikov nói.

Theo quan chức này, nơi tìm thấy bom nằm ở Vườn Tainitsky, gần sông Moscow. Trước đây, khu vực này là một hầm để lưu trữ. Khu vực làm việc của các tổng thống Nga nằm ở tòa nhà Thượng viện của Điện Kremlin.

Thế chiến II (Nga gọi là Cuộc chiến Vệ quốc Vĩ đại) là cuộc đối đầu vũ trang lớn nhất trong lịch sử. Nga bắt đầu tham gia vào cuộc chiến kể từ ngày 22/6/1941 khi Phát xít Đức vi phạm hiệp ước không xâm lược ký với Liên Xô năm 1939. Hơn 27 triệu người Liên Xô đã thiệt mạng trong cuộc chiến này.

Tổng cộng, Moscow đã hứng chịu 95 vụ tấn công của phát xít Đức vào ban đêm và 30 vụ vào ban ngày. Các cuộc không kích đã phá hủy nhà máy, khu dân cư và khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Kremlin cũng là địa điểm mà Đức quốc xã muốn tấn công vì đây là mệnh danh là “trái tim” của thủ đô Moscow, là thành trì của chính quyền Xô viết thời đó, mà nó còn là biểu tượng tinh thần của đất nước.  

Trong Thế chiến 2, Điện Kremlin đã đương đầu với 8 cuộc không kích toàn diện, 15 quả bom bay, hơn 150 quả bom cháy từ phát xít Đức, theo RBTH.

Đức Hoàng

Theo Sputnik