1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những điều ít biết về Thủ tướng tương lai của Singapore

Thanh Thành

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Lawrence Wong sẽ trở thành người đứng đầu bộ máy lãnh đạo thế hệ thứ 4 (4G) của Singapore sau buổi lễ tuyên thệ diễn ra ở Dinh Istana vào ngày 15/5 tới.

Những điều ít biết về Thủ tướng tương lai của Singapore - 1

Ông Lawrence Wong (Ảnh: Strait Times).

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thông báo về việc chuyển giao quyền lực cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong vào tháng 5. Với vị trí này, ông Wong sẽ trở thành người đứng đầu bộ máy lãnh đạo thế hệ thứ 4 (4G) của đảo quốc Sư tử này.

Khi Phó Thủ tướng Lawrence Wong chuẩn bị lên nắm quyền lãnh đạo chính phủ từ ngày 15/5 sau buổi lễ tuyên thệ diễn ra ở Dinh Istana, báo Straits Times của nước này điểm lại những điều đặc biệt về Thủ tướng tương lai của Singapore.

Người dẫn đầu cuộc đối thoại "Forward Singapore"

Cuộc đối thoại mang tên "Forward Singapore" (Tiến lên Singapore) khởi động vào tháng 6/2023, được Phó Thủ tướng Lawrence Wong dẫn đầu chủ trì cùng với các nhà lãnh đạo đảng Hành động Nhân dân (PAP) thế hệ 4G khác.

Đây là diễn đàn tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên với người dân Singapore để lắng nghe những mối quan tâm và nhu cầu của họ khi xây dựng lộ trình cho tương lai của Singapore.

Cuộc đối thoại gắn kết toàn quốc này đã quy tụ hơn 200.000 người Singapore qua các buổi đối thoại trực tiếp hay tương tác gián tiếp cũng như các cuộc khảo sát, chương trình biểu diễn lưu động và nền tảng kỹ thuật số.

Một báo cáo về "Forward Singapore" được đích thân Phó Thủ tướng Lawrence Wong công bố vào cuối tháng 10/2023 đã tổng hợp các mong muốn của người dân về một xã hội trong tương lai. Báo cáo vạch ra lộ trình giúp Singapore trở nên sôi động và toàn diện hơn, công bằng và thịnh vượng hơn cũng như kiên cường và đoàn kết hơn.

Kế hoạch này bao gồm nhiều trợ giúp hơn cho các nhóm như người lao động có thu nhập trung bình và người cao tuổi có thu nhập thấp hơn, thông qua các biện pháp như hỗ trợ tài chính bổ sung và cơ sở hạ tầng được cải thiện.

Báo cáo cũng nói với người dân Singapore rằng sẽ còn nhiều việc phải làm hơn nữa để đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ ở mọi giai đoạn cuộc sống, như giáo dục, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và hưu trí.

Trở thành Thủ tướng tương lai

Vào tháng 4/2022, ông Wong, khi đó là Bộ trưởng Tài chính, đã được "chọn mặt gửi vàng" để trở thành lãnh đạo nhóm 4G của PAP, mở đường để ông trở thành thủ tướng tiếp theo của Singapore.

Điều này xảy ra sau khi Phó Thủ tướng Heng Swee Keat, người trước đây được chọn làm lãnh đạo nhóm 4G, tuyên bố sẽ nhường chỗ cho một người trẻ hơn vào năm 2021. Các bộ trưởng 4G sau đó yêu cầu thêm thời gian để có thể tìm được sự đồng thuận về việc bầu chọn nhà lãnh đạo tiếp theo của họ, vì đất nước vẫn đang chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Cuối cùng, Thủ tướng Lý Hiển Long đã giao nhiệm vụ cho cựu Bộ trưởng Khaw Boon Wan lãnh đạo một quá trình tham vấn, trong đó ông gặp riêng từng bộ trưởng 4G sau cuộc tranh luận về Ngân sách vào tháng 3/2022. Cuối cùng, 15/19 số phiếu đã chọn ông Wong làm lãnh đạo 4G.

Kể từ đó, Phó Thủ tướng Wong đã nỗ lực bao quát mọi cơ sở. Bên cạnh việc chỉ đạo cuộc đối thoại "Forward Singapore", ông đã công bố các kế hoạch đổi mới, làm mới và củng cố PAP. Ông bắt đầu đến thăm để gặp gỡ các nhà hoạt động từ tất cả các chi nhánh của PAP.

Gần đây hơn, ông Wong đã đến thăm Đức và Pháp trong chuyến đi đầu tiên tới châu Âu với tư cách hiện tại, đồng thời gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của chính phủ và ngành của cả hai nước. Ông cũng đã có chuyến đi 10 ngày ở Mỹ vào tháng 10/2023.

Tại đại hội PAP vào tháng 11/2023, Thủ tướng Lý Hiển Long đã tuyên bố sẽ trao quyền lãnh đạo cho ông Wong vào tháng 11/2024, trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập đảng và nay thì sớm hơn dự kiến.

Theo Văn phòng Thủ tướng Singapore, đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ rời nhiệm sở vào ngày 15/5 tới và đề xuất Tổng thống nước này bổ nhiệm Phó Thủ tướng Wong, 51 tuổi, làm người kế nhiệm.

Thư ký chính của Thủ tướng Lý Hiển Long

Ông Wong có bằng cử nhân và thạc sĩ kinh tế của Đại học Wisconsin-Madison và Đại học Michigan-Ann Arbor, đồng thời có bằng thạc sĩ quản trị công tại Trường Harvard Kennedy (Mỹ).

Trước khi gia nhập chính trường, ông đã có 14 năm làm việc tại các cơ quan nhà nước của Singapore bao gồm Bộ Thương mại và Công nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Y tế.

Là một công chức, ông nổi tiếng với công tác chính sách vững vàng và am hiểu kinh tế. Một số người thậm chí còn coi ông là một chuyên gia về chính sách hoặc một người đặc biệt quan tâm đến các chi tiết chính sách.

Thời kỳ đầu trong sự nghiệp của mình, ông đã từ chối những lời đề nghị làm việc trong khu vực tư nhân vì ông cảm thấy rằng dịch vụ công cho phép ông thực hiện các dự án khác nhau và hình thành các kế hoạch có thể giúp ích cho người dân Singapore.

Năm 2005, ông trở thành thư ký riêng chính của Thủ tướng Lý Hiển Long, một vai trò chắc chắn đã giúp đặt nền tảng vững chắc để ông tiếp quản việc điều hành đất nước sau này.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, ông Wong được chọn làm đồng Chủ nhiệm Ủy ban ứng phó Covid-19 và nhận được sự tín nhiệm rộng rãi của người dân. Đây là giai đoạn tạo nên cú hích quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Singapore tương lai. Mô tả về ông Wong, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung - người từng là ứng viên hàng đầu cho ghế Thủ tướng nhấn mạnh: "Ông ấy đặt trọn trái tim và tâm trí của mình vào những việc mình làm, không bao giờ tìm kiếm danh vọng hay phô trương".

Các đồng nghiệp trong ngành dịch vụ công mô tả ông là người luôn cởi mở với các cuộc thảo luận và quan điểm khác nhau, đồng thời sẵn sàng và đủ kiên quyết để đưa ra quyết định.

Người yêu thích âm nhạc

Ông Lawrence Wong sinh ngày 18/12/1972, trong một gia đình có cha là người lao động phổ thông và mẹ là giáo viên. Theo các nguồn tin, ông Wong rất kín tiếng về cuộc sống cá nhân.

Nhiều nguồn tin cho biết, ông Wong có một người anh trai hơn 2 tuổi. Ông kết hôn lần đầu vào năm 28 tuổi, nhưng đã ly hôn người vợ đầu tiên vì quan điểm khác biệt. Người vợ hiện tại của ông Wong là bà Loo Tze Lui, hai người hiện chưa có con.

Và một điều cũng ít ai biết đến là Phó Thủ tướng Wong là một người yêu thích âm nhạc và nhạc cụ yêu thích nhất là guitar.

Mọi người thực sự ngạc nhiên khi xem những đoạn clip ghi lại cảnh ông hòa mình vào những giai điệu vượt thời gian thuộc các thể loại rock, blues và soul - chẳng hạn như một đoạn clip vào tháng 12/2022 giới thiệu màn trình diễn guitar của huyền thoại Chuck Berry với bài hát Johnny B. Goode. Những video ông biểu diễn cho thấy khía cạnh hiếm hoi hơn, thoải mái hơn của một chính trị gia.

Năm 8 tuổi, ông được người cha tặng một cây đàn guitar và từ đó âm nhạc vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Khi còn là sinh viên ở Mỹ, ông đã đi hát với người bạn cùng phòng người Mỹ tại Đại học Wisconsin-Madison.

Cởi mở và luôn lắng nghe 

Giới phân tích cho rằng, ông Wong là một trong những nhân vật tiêu biểu của thế hệ 4G. Thủ tướng tương lai Singapore cũng được biết đến với sự cởi mở và luôn lắng nghe ý kiến của những người xung quanh.

"Tôi muốn nhận được sự tin tưởng và hỗ trợ của người dân Singapore. Cùng nhau, chúng ta sẽ viết nên chương tiếp theo cho Singapore. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng một xã hội dân chủ dựa trên công lý và bình đẳng", Phó Thủ tướng Wong nói khi sẵn sàng đảm nhận cương vị mới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, với nhiệm vụ mới, Phó Thủ tướng Wong sẽ đối mặt với nhiều thử thách lớn.

Thứ nhất là nhiệm vụ cải tổ bộ máy lãnh đạo, qua đó xây dựng đội ngũ bao gồm các bộ trưởng có năng lực, bảo đảm thực thi hiệu quả các chính sách của đất nước, đồng thời tìm kiếm và bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo thứ năm (5G) cho đất nước.

Thứ hai là làm thế nào đưa đảng PAP và chính phủ Singapore vượt qua cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2025 giữa lúc sự ủng hộ dành cho PAP qua những kỳ bầu cử gần đây có dấu hiệu sụt giảm.

Thứ ba là nâng cao vị thế của Singapore trong bối cảnh thế giới đang có rất nhiều biến động cũng như giải quyết các vấn đề kinh tế và sinh kế của đất nước, chẳng hạn như tạo việc làm tốt và kiểm soát lạm phát.

Và cuối cùng là xây dựng được chương trình nghị sự và các chính sách xã hội có hiệu quả trong ứng phó thách thức mà Singapore đối mặt, như dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm. 

Theo Strait Times