1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phán quyết của WTO thực sự là “chiến thắng” của Trung Quốc?

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc có thể cảm thấy được “minh oan” sau phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng lợi ích thực chất Bắc Kinh nhận được sẽ không đáng kể.

Phán quyết của WTO thực sự là “chiến thắng” của Trung Quốc? - 1

Phán quyết của WTO có thể khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng (Ảnh minh họa: Reuters)

Một hội đồng gồm 3 chuyên gia thương mại của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO ngày 15/9 đã ra phán quyết nói rằng, các chính sách thuế của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc năm 2018 là "không phù hợp" với các quy tắc thương mại toàn cầu.

Cụ thể, phán quyết của WTO khẳng định việc Mỹ áp thuế đối với 234 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tháng 6/2018 và tháng 9/2018 là không hợp pháp.

Phán quyết được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương áp thuế lên hơn 350 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc - một động thái mà ông chủ Nhà Trắng cho là để đáp trả các hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh.

Đây cũng là phán quyết đầu tiên được đưa ra sau khi Trung Quốc đệ trình nhiều đơn kiện lên WTO để phản đối các biện pháp thuế quan của Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo giới phân tích, Trung Quốc kỳ vọng có thể sử dụng phán quyết của WTO cho mục đích tuyên truyền trong nước, nhưng Bắc Kinh vẫn cố gắng để không gây thêm “sóng gió” bên ngoài, dù Tổng thống Trump đã “nổi đóa” với quyết định của WTO.

“Trung Quốc cảm thấy được minh oan, nhưng nước này nhận lại được rất ít từ phán quyết. Thuế quan vẫn không mất đi hay được nới lỏng ngay cả khi có phán quyết, do vậy tác động từ phán quyết là rất hạn chế”, John Gong, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế ở Bắc Kinh, nhận định.

Theo giáo sư Gong, “đối với Mỹ, phán quyết (của WTO) đã được dự đoán từ trước, nên kết quả lần này sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào tới các động thái của Mỹ trong tương lai”.

Trong 2 năm qua, Mỹ đã từ chối đề cử thẩm phán mới thay thế các thẩm phán hết nhiệm kỳ trong hội đồng phúc thẩm gồm 7 thành viên của WTO - nơi có nhiệm vụ nghe các kháng cáo trong các vụ tranh chấp thương mại. Động thái này của Washington khiến hội đồng phúc thẩm không có đủ thành viên hoạt động.

Sau phán quyết của WTO, Mỹ có quyền kháng cáo trong vòng 60 ngày và Tổng thống Trump tuyên bố sẽ xem xét có hành động thích hợp. Nếu Washington quyết định kháng cáo, phán quyết của WTO sẽ rơi vào tình trạng bị mắc kẹt và không thể thi thành.

Thắng lợi của Trung Quốc?

Kong Qingjiang, chuyên gia về WTO tại Đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc, cho biết các quan chức Trung Quốc ông từng gặp “chắc chắn hài lòng” với phán quyết của WTO, nhưng họ cũng nhận thức được rằng “chiến thắng này sẽ không dẫn đến bất kỳ kết quả pháp lý thực chất nào” và đây là tình thế “tiến thoái lưỡng nan” mà Trung Quốc phải đối mặt.

Giới quan sát thương mại đã dự đoán từ trước việc WTO sẽ đưa ra phán quyết, vì cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về bản chất đã nằm ngoài các quy tắc của hệ thống thương mại toàn cầu, xét về cả thuế quan của Mỹ cũng như đòn trả đũa của Trung Quốc.

“Cộng đồng thương mại luôn hiểu rằng các biện pháp của Mỹ không phù hợp với các nguyên tắc của WTO, và báo cáo của hội đồng giải quyết tranh chấp cũng xác nhận điều đó - thực sự không có nền tảng pháp lý”, Tatiana Prazeres, cựu Bộ trưởng Ngoại thương Brazil và từng là cố vấn cấp cao tại WTO, nhận định.

Mỹ đã “phản pháo” rằng thuế quan do họ áp đặt với hàng hóa Trung Quốc là “biện pháp cần thiết để bảo vệ giá trị của Mỹ”, thay vì thừa nhận rằng nước này đang đi chệch hướng khỏi các quy tắc của WTO. Tuy nhiên, lập luận này không thuyết phục được hội đồng của WTO.

Bộ Thương mại Trung Quốc hoan nghênh phán quyết, khẳng định Bắc Kinh hy vọng Mỹ “sẽ tôn trọng đầy đủ phán quyết của hội đồng chuyên gia cũng như hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, đồng thời có những hành động thực tiễn để phối hợp với Trung Quốc và các thành viên khác của WTO trong việc cùng nhau duy trì hệ thống thương mại đa phương”.

Về phần mình, Tổng thống Trump ngày 15/9 một lần nữa khẳng định lập trường rằng ông không phải là người ủng hộ WTO.

Theo giới phân tích, việc Trung Quốc chỉ đưa ra những tuyên bố mang tính ngoại giao và tránh những ngôn từ kích động là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không muốn “khiêu khích” Tổng thống Trump thêm nữa. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tập trung vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 - “chất keo dính” duy nhất trong quan hệ Mỹ - Trung hiện nay.

“Trung Quốc không thể tiến hành những biện pháp trả đũa mà có thể tiếp tục gây tổn hại cho quan hệ song phương. Tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc rốt cuộc chỉ có thể được giải quyết song phương”, Qingyi Su, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính trị và Kinh tế Thế giới, nhận định.

Siqi Li, giáo sư tại Viện nghiên cứu WTO Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh sẽ coi phán quyết của WTO như một “giải pháp song hành với các cuộc đàm phán song phương” với Mỹ để chấm dứt cuộc chiến thương mại.

“Phán quyết của WTO có thể tạo nền tảng pháp lý, trong khi đàm phán song phương Mỹ - Trung có thể giải quyết các lo ngại nhất định về chính trị và kinh tế. Bởi vì hội đồng phúc thẩm của WTO đang bị tê liệt, nên kết quả cuối cùng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào việc thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ tiến triển như thế nào”, giáo sư Li cho biết.

Trong khi đó, mọi sự chú ý tại Bắc Kinh sẽ tập trung vào việc chính quyền Trump sẽ quyết định hành động ra sao với WTO như cảnh báo trước đây của ông chủ Nhà Trắng.

“Không chỉ Trung Quốc, mà từng thành viên của WTO đều lo ngại rằng ông Trump sẽ rút khỏi WTO. Nếu điều này xảy ra, đó có thể là thảm họa đối với WTO”, Sun Lei, một thành viên của hãng luật Dacheng ở Bắc Kinh đại diện cho chính phủ Trung Quốc tại các vụ kiện trước đây ở WTO, nhận định.