1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Suga Yoshihide: Chặng đường từ con nhà nông tới ghế thủ tướng Nhật Bản

Thành Đạt

(Dân trí) - Xuất thân từ một gia đình nông dân trước khi bước chân vào chính trường, tân chủ tịch đảng cầm quyền Nhật Bản Suga Yoshihide đang tiến rất gần tới ghế thủ tướng quyền lực kế nhiệm ông Abe Shinzo.

 Suga Yoshihide: Chặng đường từ con nhà nông tới ghế thủ tướng Nhật Bản - 1

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide (Ảnh: SCMP)

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm nay 14/9 đã bỏ phiếu chọn ông Suga Yoshihide, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, trở thành tân chủ tịch đảng, thay thế Thủ tướng Abe Shinzo. Ông Suga nhận được 377/535 phiếu, trong khi 2 ứng của viên còn lại của LDP là cựu Tổng thư ký LDP Ishiba Shigeru và Trưởng ban chính sách LDP Kishida Fumio chỉ lần lượt nhận 68 phiếu và 89 phiếu.

Chủ tịch tiếp theo của LDP gần như chắc chắn sẽ trở thành tân thủ tướng Nhật Bản, kế nhiệm ông Abe - người vừa từ chức hồi tháng trước do vấn đề sức khỏe. Ông Suga dự kiến sẽ chính thức được cơ quan lập pháp Nhật Bản bầu làm tân thủ tướng vào ngày 16/9. 

Nếu ông Abe có lẽ được sinh ra để làm thủ tướng Nhật Bản, con đường đến với vị trí quyền lực này của ông Suga trải qua nhiều thăng trầm hơn.

Theo CNN, nếu Suga Yoshihide trở thành tân thủ tướng Nhật Bản, đây sẽ là dấu mốc đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị đáng kinh ngạc và khó tin của người đàn ông 71 tuổi.

Sự nghiệp chính trị của “cặp đôi” Suga - Abe đã gắn bó chặt chẽ với nhau trong gần một thập niên kể từ khi ông Abe trở thành thủ tướng Nhật Bản hồi năm 2012. Ông Abe cho đến nay là nhà lãnh đạo lâu đời nhất của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Ông Suga được xem là cánh tay phải của ông Abe trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng, từng làm thư ký nội các của thủ tướng - một vai trò kết hợp giữa chánh văn phòng và thư ký báo chí. Tuy nhiên, cả hai có xuất thân hoàn toàn khác nhau.

Ông Abe sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị. Cha ông là ngoại trưởng và ông cũng có họ hàng với 2 cựu thủ tướng.

Trong khi đó, ông Suga là con trai của một nông dân. Ông nổi tiếng là một nhà thương thuyết thực dụng phía sau hậu trường.

Ông Suga lớn lên ở vùng nông thôn tại tỉnh Akita và chuyển tới thủ đô Tokyo sau khi tốt nghiệp phổ thông. Ông từng làm nhiều việc vặt để có tiền học đại học, trong đó có khoảng thời gian làm việc tại một nhà máy bìa cứng và khu chợ cá Tsukiji.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Suga bước chân vào thế giới quay cuồng của những người làm công ăn lương tại Nhật Bản. Tuy nhiên, chính trị mới là con đường ông muốn hướng tới.

Do vậy, ông Suga quyết định chạy đua vào hội đồng thành phố ở Yokohama. Mặc dù không có nhiều mối quan hệ và kinh nghiệm chính trị, nhưng ông Suga đã bù đắp thiếu sót đó bằng sự tháo vát và chăm chỉ.

Ông Suga đã tới từng hộ gia đình để vận động tranh cử vào hội đồng thành phố, thăm khoảng 300 ngôi nhà mỗi ngày. Tổng cộng ông đã tới thăm khoảng 30.000 hộ. Cho đến khi cuộc bầu cử diễn ra, ông Suga đã đi mòn 6 đôi giày.

Kể từ sau chiến dịch đó, phong cách làm việc của ông Suga vẫn không thay đổi nhiều. Bây giờ ông đã trở thành chính trị gia thành công, một người đáng tin cậy với những phẩm chất đưa ông trở thành cánh tay phải xuất sắc cho Thủ tướng Abe.

Suga Yoshihide là đồng minh quan trọng của Thủ tướng Abe trong nỗ lực triển khai một loạt chính sách kinh tế với tên gọi “Abenomics”. Đây là sự kết hợp của các chính sách kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu nhằm vực dậy nền kinh tế bị đình trệ của Nhật Bản.

“Phiên bản” Abe thứ hai?

 Suga Yoshihide: Chặng đường từ con nhà nông tới ghế thủ tướng Nhật Bản - 2

Thủ tướng Abe Shinzo và Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide trong cuộc họp báo tại Tokyo hồi tháng 5. (Ảnh: Bloomberg)

Kazuto Suzuki, hiệu phó kiêm giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Hokkaido, cho rằng sau khi trở thành thủ tướng, ông Suga được kỳ vọng trở thành phiên bản thứ hai của ông Abe.

Theo Brad Glosserman, chuyên gia về chính trị Nhật Bản, ông Suga cho đến nay vẫn chưa thể hiện rằng ông sẽ “thực sự rời xa đường lối của ông Abe hay của LDP nói chung”.

“Ông ấy là một người tự lập. Câu hỏi đặt ra là cá tính của ông ấy đang ở mức độ nào để có thể giúp ông ấy tỏa sáng”, chuyên gia Glosserman nhận định.

Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng với ông Suga. Thủ tướng Abe từ chức giữa lúc có nhiều tranh cãi về cách ông ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài tại Nhật Bản.

Ngoài ra, các vấn đề lớn khác như nợ công của chính phủ và dân số già hóa vẫn chưa được giải quyết, mặc dù ông Abe đã kêu gọi cải cách bình đẳng giới tại công sở Nhật Bản.

Sau khi ngồi vào ghế thủ tướng Nhật Bản, ông Suga sẽ phải chứng tỏ năng lực của bản thân trước công chúng. Chính phủ sẽ phải tổ chức thêm cuộc tổng tuyển cử trước tháng 10/2021, tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono tuần trước nói rằng bầu cử sớm có thể diễn ra vào tháng tới.

Trên cương vị chánh văn phòng nội các, ông Suga được xem là một người phát ngôn thành công vì ông có thể truyền tải thông điệp mà không làm lu mờ thông điệp đó hay hình ảnh của Thủ tướng Abe.

“Không ai biết người đàn ông này thực sự là người như thế nào. Ông ấy thường nỗ lực ở phía sau hậu trường. Trước công chúng Nhật Bản, ông ấy vẫn chưa xây dựng và cho thấy hình ảnh (một nhà lãnh đạo) để họ có thể sẵn sàng đứng sau và ủng hộ”, chuyên gia Glosserman nhận định.

Chính sách đối ngoại

 Suga Yoshihide: Chặng đường từ con nhà nông tới ghế thủ tướng Nhật Bản - 3

Ông Suga (giữa) và 2 đối thủ trong cuộc tranh luận trực tuyến do Đảng Dân chủ Tự do (LDP) tổ chức tại Tokyo trước khi LDP bỏ phiếu chọn người kế nhiệm Thủ tướng Abe cho vị trí chủ tịch đảng. (Ảnh: AFP)

Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết trong bối cảnh Thủ tướng Abe vẫn luôn nỗ lực để cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Bắc Kinh kỳ vọng ông Suga sẽ tiếp tục đi theo đường lối này.

“Chúng tôi vẫn chưa rõ ông Suga thực sự muốn xây dựng chính sách đối ngoại theo hướng nào sau khi trở thành thủ tướng, nhưng có thể ông ấy sẽ không đi ngược lại ý định của ông Nikai để hòa hợp với Trung Quốc”, một nguồn tin ngoại giao Nhật Bản cho biết, đề cập tới Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do Toshihiro Nikai - người có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, là nhân vật quyền lực thứ 2 tại LDP và có tiếng nói ủng hộ ông Suga.

“Ông Suga có thể sẽ thực thi chiến lược ngoại giao cân bằng, không làm tổn hại mối quan hệ của Nhật Bản với Mỹ - đồng minh thân cận cũng như với Trung Quốc, như ông Abe vẫn từng làm trong những năm qua”, nguồn tin cho biết thêm.

Đề cập các chính sách của mình cho cuộc bầu cử của LDP, ông Suga ngày 5/9 đã cam kết "xây dựng mối quan hệ ổn định với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc", đồng thời đặt liên minh Nhật - Mỹ làm nền tảng ngoại giao và an ninh của Tokyo, phù hợp với lập trường của ông Abe.

Tuy nhiên, một nguồn tin của chính phủ Nhật Bản cho biết ông Suga đã lên kế hoạch bổ nhiệm Hideo Tarumi, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản với quan điểm "cứng rắn” với Bắc Kinh, làm đại sứ mới của Nhật Bản tại Trung Quốc.

“Bằng việc cử ông Tarumi làm đại sứ tiếp theo tại Trung Quốc, ông Suga có thể đã gửi thông điệp tới Mỹ rằng Nhật Bản vẫn giữ một khoảng cách nhất định với Trung Quốc", nguồn tin cho biết thêm.

Trong cuộc tranh luận với hai đối thủ trước thềm cuộc bỏ phiếu của đảng cầm quyền, ông Suga hôm 13/9 tuyên bố ông sẽ không ngần ngại trong việc đòi hỏi chủ quyền của Nhật Bản trước Trung Quốc. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, nơi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, ở biển Hoa Đông.

Theo Nikkei, phản ứng trước thông tin cho rằng kỹ năng ngoại giao của ông chưa được kiểm chứng trong thực tế, Chánh văn phòng Nội các cho biết ông đã "tham gia vào toàn bộ quyết định do Nhật Bản đã đưa ra" trong vòng 7 năm và 8 tháng làm trợ lý của Thủ tướng Abe. Ông Suga cũng cho biết ông đã tham gia vào hầu hết cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo của Mỹ và Nhật Bản.

Mặc dù ca ngợi phong cách của Thủ tướng Abe, người chủ động dẫn dắt các mối quan hệ đối ngoại của Nhật Bản thay vì trông cậy vào Bộ Ngoại giao, ông Suga cho biết: “Tôi sẽ thực hiện phong cách ngoại giao của riêng mình”. Ông Suga nói rằng sẽ vẫn nhận báo cáo từ Bộ Ngoại giao và tham vấn ý kiến của ông Abe về các vấn đề đối ngoại.

"Điều quan trọng là có được mối quan hệ vững chắc với các quốc gia châu Á, trong đó lấy nền tảng là liên minh Mỹ - Nhật", ông Suga nói.