1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, vạch “lằn ranh đỏ” với Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc công bố hàng loạt video tuyên truyền với những hình ảnh và ngôn ngữ mang tâm lý thời chiến nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Mỹ giữa lúc căng thẳng leo thang.

Trung Quốc đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, vạch “lằn ranh đỏ” với Mỹ - 1

Ảnh chụp màn hình video mô phỏng của không quân Trung Quốc cho thấy tên lửa lao vào đường băng giống căn cứ Mỹ trên đảo Guam. (Ảnh: SCMP)

Các binh sĩ chạy xuyên qua rừng, xuyên qua sóng, xuyên qua khói lửa và sẵn sàng hy sinh vì “đất mẹ”. Video ghi lại những hình ảnh trên là một trong chuỗi video tuyên truyền được công bố trên mạng tại Trung Quốc gần đây.

“Nếu chiến tranh nổ ra, đây là câu trả lời của chúng ta”, điệp khúc của bài hát trong video nhấn mạnh.

Trong số hàng loạt video do quân đội Trung Quốc công bố, ít nhất 2 video có điệp khúc “nếu chiến tranh nổ ra”. Các video này thu hút hàng triệu lượt xem.

Hình ảnh từ một video cho thấy hoạt động của một máy bay ném bom chiến lược H6 Trung Quốc nhắm mục tiêu vào một đường băng tại căn cứ không quân Anderson ở Guam.

Các video tuyên truyền của Trung Quốc không phải là hiếm gặp, tuy nhiên hàng loạt video được đăng tải cả trên mạng và truyền thông nhà nước trong những tuần gần đây là động thái gây chú ý và có thể nhằm truyền tải thông điệp của Bắc Kinh.

Theo New York Times, Trung Quốc công bố các video này nhằm vào hai đối tượng chính là Mỹ và Đài Loan khi cả hai ngày càng xích lại gần nhau.

Video tuyên truyền được đăng tải sau hàng loạt cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc trong những tuần gần đây, bao gồm các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo và tiếp cận vùng trời của Đài Loan.

Mùa hè năm nay, Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng kịch bản tấn công tại eo biển Đài Loan. Riêng trong tháng 9, các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Trung Quốc liên tục bay qua đường ranh giới không chính thức tại eo biển Đài Loan.

Phản ứng của Trung Quốc được cho là nhằm đáp trả 2 chuyến thăm của 2 quan chức cấp cao Mỹ tới Đài Loan, trong đó có Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar - quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Đài Loan kể từ khi Washington công nhận nhà nước Trung Quốc năm 1979.  

Mục đích của Trung Quốc

Bằng việc tổ chức tập trận và công bố video tuyên truyền, Trung Quốc muốn vạch ra “lằn ranh đỏ” với Mỹ, đồng thời đánh tín hiệu rằng Bắc Kinh sẽ không lùi bước trước một cuộc xung đột quân sự.

Một nguy cơ đặt ra hiện nay là chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc có thể biến thành các hành động khiêu khích hơn vào thời điểm quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi rõ rệt.

Tại Washington, việc Tổng thống Donald Trump nhập viện điều trị Covid-19 đã “phủ bóng” lên mọi hoạt động khác, khiến nhiều người cho rằng chính quyền Trump đang bị xáo trộn, đồng thời làm dấy lên lo ngại về một khoảng trống trong bộ máy ra quyết định tại Mỹ. Ông Trump đã ra viện và quay trở lại Nhà Trắng hôm 5/10, song vẫn tiếp tục quá trình điều trị cho đến khi khỏi bệnh.

Sau khi Tổng thống Trump thông báo mắc Covid-19, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cắt ngắn chuyến công du tới châu Á trong tuần này. Tuy vậy, ông Pompeo dự kiến vẫn sẽ thúc đẩy một liên minh đối phó với Trung Quốc khi ông gặp người đồng cấp Australia, Ấn Độ và Nhật Bản tại Tokyo.

Trung Quốc đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, vạch “lằn ranh đỏ” với Mỹ - 2

Ảnh chụp màn hình video của không quân Trung Quốc cho thấy máy bay ném bom H6 của Trung Quốc thực hiện tấn công mô phỏng. (Ảnh: SCMP)

Trung Quốc đang đối mặt với sức ép trong vấn đề Đài Loan. Bắc Kinh cũng đẩy mạnh yêu sách chủ quyền tại các khu vực, từ Biển Đông, Hoa Đông cho tới Himalaya.

Khi nhận thấy bị thách thức trực tiếp trên bất kỳ mặt trận nào, Trung Quốc dường như đánh tín hiệu rằng nước này sẽ không lùi bước.  

Một video do Trung Quốc công bố gần đây đã ghi lại cuộc không kích mô phỏng nhằm vào đảo Guam - vùng lãnh thổ của Mỹ tại Thái Bình Dương và là nơi Washington đặt căn cứ quân sự.

Thời báo Hoàn cầu, tờ báo nhà nước Trung Quốc, gần đây cảnh báo Mỹ đang “đùa với lửa” khi ủng hộ Đài Loan. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng sáp nhập bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực. Báo Trung Quốc cũng cảnh báo nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nếu có hành động chống lại chủ quyền của Trung Quốc.

“Tôi không nghĩ đó chỉ là lời hăm dọa (của Trung Quốc) và tôi cũng không nghĩ đó là cách trút giận. Tôi nghĩ sức ép ngày càng tăng lên và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thấy rằng việc phô diễn sức ép đó là điều hữu ích”, Bonnie S. Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington, nhận định.

Làn sóng tuyên truyền mới nhất của Trung Quốc diễn ra cùng thời điểm kỷ niệm 70 năm chiến tranh Triều Tiên - cuộc chiến có sự tham gia của cả quân đội Trung Quốc và lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu. Trung Quốc thường sử dụng sự kiện này như một dịp để kích động tâm lý chống Mỹ.

Khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, các quan chức và nhà hoạt động tuyên truyền Trung Quốc coi sự kiện kỷ niệm chiến tranh Triều Tiên là dịp để nhắc nhở người dân Trung Quốc rằng họ từng chống lại siêu cường thế giới trước đây.

Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc thường sử dụng những từ ngữ và hình ảnh liên quan tới chiến tranh. Ngay cả cuộc chiến chống Covid-19 cũng được gọi là chiến tranh toàn dân.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng thường gợi nhắc đến tâm lý thời chiến khi kêu gọi người dân vượt qua khó khăn. Hồi tháng trước, ông Tập liệt kê 5 điều kiện mà Trung Quốc sẽ “không bao giờ chấp nhận”, bao gồm bất kỳ nỗ lực nào nhằm chia rẽ hoặc bắt nạt người Trung Quốc.

Giáo sư Zhu Songling, giám đốc Viện Nghiên cứu Đài Loan tại Đại học Liên đoàn Bắc Kinh, cho rằng chính quyền Trump đang muốn thử giới hạn của Trung Quốc.

“Mỹ chơi lá bài Đài Loan nhiều lần và với tần suất cao”, ông Zhu nói.

Ngoài vấn đề Đài Loan, Trung Quốc gần đây cũng đẩy mạnh yêu sách chủ quyền tại biển Hoa Đông - nơi Bắc Kinh có tranh chấp với Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ trong khu vực, xung quanh quần đảo Senkaku.

Nhật Bản tuần này đã đệ đơn phản đối việc Trung Quốc thành lập bảo tàng kỹ thuật số nhằm đưa ra yêu sách đối với một nhóm các đảo nhỏ do Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông. Bảo tàng trưng bày các bản đồ và tài liệu lịch sử nhằm chứng minh rằng quần đảo tranh chấp là lãnh thổ của Trung Quốc.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản tuyên bố Trung Quốc "không có tư cách" tạo ra một trang web liên quan đến các đảo như vậy, đồng thời cho biết Nhật Bản đã yêu cầu gỡ bỏ trang web này thông qua các kênh ngoại giao.