1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc điều binh sĩ, dàn khí tài tập trận sát biên giới Ấn Độ

Thành Đạt

(Dân trí) - Thông tin về tập trận quân sự mới và kế hoạch triển khai lực lượng của quân đội Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh dường như chuẩn bị cho cuộc xung đột có quy mô lớn hơn ở biên giới với Ấn Độ.

Trung Quốc điều binh sĩ, dàn khí tài tập trận sát biên giới Ấn Độ - 1

Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc. (Ảnh: Sputnik)

Trong bối cảnh căng thẳng biên giới Trung - Ấn gần đây leo thang ở gần hồ Pangong, có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang điều động thêm các lực lượng quân sự tới khu vực và chuẩn bị sẵn các lực lượng khác phòng khi cần thiết. Theo hãng tin Sputnik (Nga), điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột với quy mô lớn hơn so với các vụ ẩu đả xảy ra trong những tháng gần đây.

Theo Global Times, tờ báo nhà nước Trung Quốc, lực lượng không quân Chiến khu Trung bộ thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày 8/9 thông báo các máy bay ném bom H-6 và máy bay vận tải Y-20 đã được triển khai tới cao nguyên Tây Tạng để tham gia các hoạt động huấn luyện.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) tuần trước đã phát thông báo về các cuộc tập trận cả ngày lẫn đêm của Quân khu Tây Tạng. Ngoài ra, một đơn vị tên lửa chống tăng HJ-10 đã được đưa tới sa mạc Gobi ở tây bắc Trung Quốc, cùng một lữ đoàn phòng không.

Trung Quốc điều binh sĩ, dàn khí tài tập trận sát biên giới Ấn Độ - 2

Hơn 300 binh sĩ Trung Quốc huấn luyện nhảy dù tại cao nguyên Tây Tạng. (Ảnh: SCMP)

CCTV ngày 9/9 tiếp tục đưa tin một lữ đoàn đặc nhiệm thuộc Quân khu Tây Tạng và một lữ đoàn không quân đã phối hợp tổ chức cuộc tập trận huấn luyện nhảy dù “tại một khu vực chưa được xác định ở độ cao hơn 4.000 mét so với mực nước biển”.

Theo CCTV, hơn 300 binh sĩ thuộc lữ đoàn đặc nhiệm đã tham gia cuộc tập trận. Dự kiến sẽ có hơn 1.000 binh sĩ tham gia khóa huấn luyện nhằm "tạo nền tảng tốt” cho các hoạt động tác chiến.

“Khóa huấn luyện nhằm cải thiện năng lực tấn công ba chiều của quân đội trên cao nguyên Tây Tạng, đồng thời nâng cao năng lực tác chiến tổng thể của lực lượng Trung Quốc đóng quân tại Tây Tạng”, CCTV đưa tin.

CCTV hồi cuối tháng 8 đưa tin hàng trăm lính dù cùng khí tài hạng nặng được máy bay vận tải Y-20 chở tới cao nguyên Tây Tạng để tham gia tập trận huấn luyện lần đầu tiên.

Theo The Paper, trang tin có trụ sở tại Thượng Hải, trong số các khí tài hàng nặng tham gia tập trận nhảy dù có pháo phản lực 107 mm với tầm bắn tối đa khoảng 8 km. Pháo phản lực này được cho là vũ khí hỗ trợ quan trọng cho lính nhảy dù và các lực lượng phản ứng nhanh khác.

Trung Quốc điều binh sĩ, dàn khí tài tập trận sát biên giới Ấn Độ - 3

Đặc nhiệm Trung Quốc huấn luyện nhảy dù. (Ảnh: CCTV)

Chuyên gia quân sự Song Zhongping tại Hong Kong nói với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng Trung Quốc đang điều động các đơn vị tinh nhuệ từ các khu vực khác trên cả nước tới biên giới. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột với quy mô lớn hơn.

“Mặc dù nhảy dù là một phần trong hoạt động huấn luyện thường kỳ của đặc nhiệm Trung Quốc, tuy nhiên các binh sĩ vẫn cần phải làm quen với việc tác chiến ở độ cao lớn, vì tại đó không khí loãng hơn và bức xạ mạnh hơn sẽ đặt ra những thách thức mới cho thể trạng của các binh sĩ”, chuyên gia Song cho biết.

“Các thiết bị đặt ở nơi cao cũng cần được thử nghiệm và kiểm tra. Các binh sĩ cũng cần làm quen với các thiết bị này và chiến đấu cùng các đơn vị khác”, chuyên gia Song nhận định.

Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc cho biết các cuộc tập trận nhảy dù ở nơi có độ cao lớn khác biệt nhiều so với các đợt huấn luyện đặc nhiệm thông thường, đặc biệt là lực lượng từ Chiến khu Trung Bộ. Lữ đoàn nhảy dù của Chiến khu Trung bộ đóng tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã được triển khai tới khu vực biên giới từ tháng 6.

“Không khí loãng hơn đồng nghĩa với việc rơi nhanh hơn. Điều kiện gió ở cao nguyên Tây Tạng cũng rất khác so với miền trung Trung Quốc. Không chỉ lính dù, mà cả phi công lái máy bay, các đơn vị bọc thép và các đơn vị khác cũng cần phải thích nghi với môi trường mới để tác chiến hiệu quả”, nhà phân tích quân sự cho biết.

Cam kết hạ nhiệt căng thẳng

Trung Quốc điều binh sĩ, dàn khí tài tập trận sát biên giới Ấn Độ - 4

 Các binh sĩ Ấn Độ thực hiện nghi thức trong lễ tang một đồng đội thiệt mạng trong vụ ẩu đả với Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Căng thẳng biên giới Trung - Ấn leo thang từ tháng 4 và lên đến đỉnh điểm vào ngày 15/6, khi binh sĩ 2 bên ẩu đả khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Quân đội 2 nước sau đó đã tăng cường triển khai lực lượng và khí tài tới biên giới.

Quân đội Trung Quốc ngày 8/9 cáo buộc binh lính Ấn Độ vượt “trái phép” Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) tại phần phía tây của biên giới Trung - Ấn, đi vào khu vực núi Shenpao gần bờ phía nam của hồ Pangong Tso. Trung Quốc tố binh sĩ Ấn Độ nổ súng đe dọa, trong khi phía Ấn Độ bác bỏ cáo buộc này, khẳng định lính Trung Quốc mới là bên nổ súng trước. Đây là vụ nổ súng đầu tiên tại LAC trong 45 năm qua.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã có cuộc gặp bên lề hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Moscow, Nga hôm 10/9. Đây là cuộc gặp đầu tiên của ngoại trưởng 2 nước kể từ khi xảy ra vụ việc căng thẳng ở biên giới chung hồi tháng 6.

Trung Quốc điều binh sĩ, dàn khí tài tập trận sát biên giới Ấn Độ - 5

Từ trái qua phải: Các ngoại trưởng Ấn Độ, Nga, Trung Quốc gặp mặt tại Moscow, Nga ngày 10/9. (Ảnh: AP)

Trong thông cáo chung sau cuộc gặp, hai ngoại trưởng Trung - Ấn đã nhất trí rằng đối đầu không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào, đồng thời khẳng định binh sĩ hai nước nên tiếp tục “đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách phù hợp và giảm thiểu căng thẳng”.

“Để gạt bỏ những bất đồng trong quan hệ song phương, giải pháp là duy trì sự đồng thuận đạt được giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước, khẳng định Trung Quốc và Ấn Độ không phải đối thủ, mà là đối tác hợp tác”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Thông cáo riêng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước láng giềng, do vậy việc xảy ra “một số bất đồng” là điều “bình thường”. Thông cáo dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị lên án căng thẳng ở khu vực biên giới, kêu gọi Ấn Độ dừng “hành động nổ súng khiêu khích” và rút quân khỏi biên giới.