Bộ Văn hoá nói gì về cuộc thi “hoa hậu nhí” không phép ở Huế?

Hà Tùng Long

(Dân trí) - Ông Trần Hướng Dương - Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế không cấp phép thi hoa hậu cho cuộc thi Miss Baby diễn ra ở TP. Huế hôm 10/10 vừa qua.

Cấp phép trình diễn thời trang nhưng tổ chức hoa hậu?

Chiều 14/10 tại Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) đã diễn ra buổi họp báo thường kỳ Quý III năm 2020.

Tại cuộc họp, khi được hỏi quan điểm của Bộ về cuộc thi “hoa hậu nhí” tổ chức ở TP. Huế gây xôn xao mới đây, ông Trần Hướng Dương - Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, sau khi nắm được thông tin, Cục đã cho kiểm tra từ phía Sở Văn hoá và Thể thao (Sở VH&TT) Thừa Thiên Huế.

Bộ Văn hoá nói gì về cuộc thi “hoa hậu nhí” không phép ở Huế? - 1

Ông Trần Hướng Dương - Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn trả lời báo chí tại họp báo thường kỳ Quý III năm 2020 tại Bộ VHTT&DL.

Theo đó, chương trình này được Sở VH&TT Thừa Thiên Huế cấp phép theo quy định hiện hành dành cho chương trình trình diễn thời trang trẻ em chứ không phải cuộc thi hoa hậu nhí. Trong giấy phép ghi rõ, nội dung chương trình gồm 11 tiết mục trình diễn.

Ông Trần Hướng Dương cho rằng, Cục sẽ cho kiểm tra lại chính xác thông tin. Nếu phát hiện chương trình này có sai phạm, đặc biệt với các sai phạm liên quan đến trẻ em, Cục sẽ xử lý thật nghiêm.

Trước đó, trên một số phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin về cuộc thi “Miss Baby Viet Nam” tổ chức vòng Chung kết từ ngày 8 đến 10/10 tại TP. Huế.

Theo giới thiệu của BTC, đây là cuộc thi “hoa hậu nhí” đầu tiên tại Việt Nam dành cho các bé gái từ 4 đến 8 tuổi đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trải qua 3 cuộc casting, BTC đã chọn ra được 22 bé gái đến từ 19 tỉnh thành trong cả nước bước vào vòng Chung kết toàn quốc.

Bộ Văn hoá nói gì về cuộc thi “hoa hậu nhí” không phép ở Huế? - 2

Hình ảnh thí sinh đăng quang Miss Baby Việt Nam 2020 đăng tải trên trang Kid Model Viet Nam.

Ở vòng Chung kết, các thí sinh nhí sẽ đồng diễn trang phục áo dài truyền thống, trang phục dạ hội. Kết thúc các phần thi, BTC sẽ chọn ra 5 thí sinh xuất sắc nhất tham gia phần thi ứng xử, trả lời các câu hỏi về lịch sử, văn hóa Huế mà các thí sinh đã được học trong những hoạt động trước đó. Nghĩa là hình thức của cuộc thi này không khác gì cuộc thi hoa hậu dành cho người lớn.

Kết quả, thí sinh Chu Thị Yến Nhi đến từ Nghệ An giành vương miện Miss Baby Việt Nam 2020. BTC cũng trao nhiều danh hiệu Á hậu 1, Á hậu 2, Miss Baby Viet Nam Nhân ái, Miss Baby Viet Nam có gương mặt đẹp nhất, Miss Baby Viet Nam tài năng, Miss Baby Viet Nam thể thao, Miss Baby Viet Nam được khán giả yêu thích nhất… cho các thí sinh nhí.

Thái Thị Hoa thi Miss Earth 2020 chưa được cấp phép

Tại sự kiện này, trả lời câu hỏi liên quan đến chuyện người đẹp Thái Thị Hoa đại diện cho Việt Nam tham dự Miss Earth 2020 (Hoa hậu Trái đất 2020) đã làm thủ tục xin cấp phép và được cấp phép hay chưa, ông Trần Hướng Dương cho biết, người đẹp này không làm thủ tục xin cấp phép và Cục chưa hề cấp phép. Bản thân lãnh đạo Cục cũng nắm được thông tin người đẹp này đại diện Việt Nam thi Miss Earth 2020.

Bộ Văn hoá nói gì về cuộc thi “hoa hậu nhí” không phép ở Huế? - 3

Toàn cảnh buổi họp báo diễn ra tại Bộ VHTT&DL chiều 14/10.

Liên quan đến dự án nghệ thuật trên môi trường số, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, hiện Cục này đang xây dựng đề án để báo cáo lãnh đạo Bộ. Cục cũng đang trong quá trình bàn bạc với 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTT&DL để mở rộng mô hình hoạt động nghệ thuật trên môi trường số.

Tuy nhiên, trong quá trình này, một số cuộc thi như: Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020; Tài năng biểu diễn múa 2020... do Cục tổ chức cũng đã xây dựng kênh và phát online.

Về câu chuyện Sở VH&TT Thừa Thiên Huế triển khai mặc áo dài nam đến công sở gây nhiều tranh cãi trái chiều vừa qua, ông Trần Đình Thành - Cục phó Cục Di sản bày tỏ: “Việc Sở VH&TT Thừa Thiên Huế triển khai mặc áo dài nam đến công sở là vấn đề văn hoá mà cả xã hội cùng quan tâm thời gian qua.

Theo tôi, áo dài nam là nếp sống, nét đẹp, truyền thống của người Việt Nam ở một giai đoạn lịch sử nhất định. Chúng tôi khuyến khích đưa di sản vào cuộc sống. Hiện việc này đang ở trong phạm vi nhỏ nên chúng tôi không đánh giá phù hợp hay không phù hợp.

Rất mong dư luận và truyền thông trao đổi thật nhiều để các nhà khoa học và cơ quan quản lý, đặc biệt là Sở VH&TT Thừa Thiên Huế nhìn nhận ra những điều được và chưa được để có sự điều chỉnh. Làm sao để áo dài nam giới rất khó mặc, có thể phát huy được nhiều chức năng trong cuộc sống”.