GĐ Nhã Nam bị tố "quấy rối nhân viên nữ": "Hành vi đi quá giới hạn quý mến"

Minh Nhân

(Dân trí) - TS Đặng Hoàng Giang cho biết "những hành vi và lời nói của ông Nguyễn Nhật Anh hiển nhiên đi quá giới hạn của quý mến, thân thiện, quan tâm hay quan hệ công việc giữa sếp và nhân viên".

Tối 20/4, trên trang cá nhân, TS Đặng Hoàng Giang công khai lý do chính thức dừng hợp tác với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, là vì liên quan đến vụ việc của ông Nguyễn Nhật Anh - Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Nhã Nam. 

"Tôi đã tiếp xúc và nói chuyện trực tiếp rất kỹ, rất cẩn thận, rất chi tiết với nữ nhân viên Nhã Nam mà ông Nguyễn Nhật Anh đã nhắc tới trong bức thư xin lỗi của mình là ông "đã có một số hành động thể hiện sự quan tâm, quý mến đối với cô"", ông Giang cho hay. 

Lý do tác giả tiếp cận được nữ nhân viên bởi đó chính là người nhà của ông. Ông cho biết, với nữ nhân viên, với ông và cả những chuyên gia ông tìm tới để trao đổi, thì "những hành vi và lời nói của ông Nguyễn Nhật Anh hiển nhiên đi quá giới hạn của quý mến, thân thiện, quan tâm hay quan hệ công việc giữa sếp và nhân viên".

Điều đó đã khiến nữ nhân viên sợ hãi, căng thẳng, tức giận và cảm thấy không được tôn trọng.

GĐ Nhã Nam bị tố quấy rối nhân viên nữ: Hành vi đi quá giới hạn quý mến - 1

TS Đặng Hoàng Giang (Ảnh: Facebook nhân vật).

Theo TS Đặng Hoàng Giang, khi phản ánh sự việc với một số quản lý cấp trung trong công ty, nữ nhân viên nhận được hoặc sự im lặng, hoặc thái độ coi thường mức nghiêm trọng của vấn đề, hoặc bao che, biện hộ.

"Kể cả khi câu chuyện đã được nhiều nhân viên trong Nhã Nam biết tới hơn, những thái độ này, những cách phản ứng này, vẫn tiếp tục, khiến nạn nhân tiếp tục chịu các tác động tiêu cực về tâm lý", ông Giang nhấn mạnh. 

Tác giả cho biết chờ đợi Ban giám đốc Nhã Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết trong thông cáo gần đây.

Ông mong độc giả tập trung vào chủ đề chính, dùng ngôn từ ôn hòa và thái độ đúng mực khi trình bày và bảo vệ luận điểm của mình, đồng thời tôn trọng nhân phẩm và đời sống riêng tư của những người trong cuộc.

Trước đó, ngày 15/4, TS Đặng Hoàng Giang bất ngờ thông báo dừng hợp tác với Nhã Nam. Thời điểm này, tác giả không chia sẻ lý do cụ thể, song cho biết "đây là một quyết định được xem xét và suy nghĩ kỹ".

Ông Giang khẳng định "quyết định này hoàn toàn không tới từ một bất đồng liên quan tới tài chính hay tới chất lượng của việc sản xuất và phát hành sách".

Từ đây, mạng xã hội lan truyền tin đồn Giám đốc Công ty Nhã Nam có hành vi "quấy rối nhân viên nữ". 

Rạng sáng 18/4, thông qua Fanpage hơn một triệu người theo dõi của Nhã Nam, ông Nguyễn Nhật Anh gửi lời xin lỗi vì "đã có một số hành động thể hiện sự quan tâm, quý mến đối với nữ nhân viên". 

Tuy nhiên, ông cho rằng "những hành động này không vượt quá các giới hạn đạo đức giữa con người với con người và nằm trong bối cảnh cụ thể. Nhưng điều tôi không lường được là vô tình gây bối rối, làm phiền và có thể gây tổn thương với cô ấy".

Lời xin lỗi của ông Nguyễn Nhật Anh đã đẩy sự việc lên cao trào. Nhiều độc giả bức xúc cho rằng đây là lời xin lỗi "ngạo mạn và không chân thành". Họ cho biết sẽ tẩy chay, dừng mua sách của Nhã Nam nếu phía công ty không đưa ra lời giải thích thỏa đáng. 

Một số tác giả, dịch giả như Trần Tiễn Cao Đăng, Trần Thu Hà tuyên bố dừng hợp tác với Nhã Nam.

Tối cùng ngày, Fanpage Nhã Nam phát đi thông báo chính thức, tạm thời ngừng vị trí Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Nhật Anh. Ông Dương Thanh Hoài - Phó tổng giám đốc - trở thành người nhận trách nhiệm xử lý các vấn đề có liên quan đến công ty.

Trong thông cáo gồm 7 điểm, Nhã Nam cho biết sẽ làm việc với các cơ quan có thẩm quyền và cá nhân ông Nguyễn Nhật Anh để xác minh và làm rõ những sự việc từ đó có những biện pháp xử lý và kỷ luật thỏa đáng.

Công ty này xin lỗi "vì những sự việc không hay xảy đến với cựu nhân viên của công ty, gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần và tâm lý của chị".

Nhã Nam thừa nhận sai sót trong việc tiếp nhận thông tin không kịp thời và xử lý chưa thỏa đáng, đồng thời xin lỗi về sự yếu kém, sẵn lòng chịu hoàn toàn mọi phí tổn liên quan đến tổn thất về tinh thần và thể chất của nạn nhân. 

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. 

Trong 9 năm qua, tác giả Đặng Hoàng Giang và Nhã Nam đã đồng hành để cho ra đời 5 đầu sách, đem hàng trăm nghìn ấn bản tới tay bạn đọc.

Đó là các tác phẩm: Bức xúc không làm ta vô can; Thiện, Ác và Smartphone; Điểm đến của cuộc đời; Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ; Đại dương đen.

Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, thường gọi tắt là Nhã Nam, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa và xuất bản phẩm, được thành lập vào năm 2005. 

Cuốn sách best-seller (bán chạy nhất) đầu tiên của Nhã Nam là Nhật ký Đặng Thùy Trâm, tiêu thụ 500.000 bản ngay trong năm đầu tiên. 

Bắt đầu từ việc tập trung vào 3 mảng: văn - sử - triết, Nhã Nam đã dần mở rộng sang nhiều thể loại khác: sách thiếu nhi, kinh doanh, kỹ năng - tham khảo, hư cấu và phi hư cấu, sách trong nước và sách dịch.

Năm 2016, Nhã Nam nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho tập thể đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua trong lĩnh vực xuất bản in và phát hành. 

Ông Nguyễn Nhật Anh vốn là dịch giả, biên tập viên. Năm 2018, ông từng nhận Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật của Pháp.

Trong vai trò dịch giả, ông Nguyễn Nhật Anh thường lấy bút danh Trác Phong, là người chuyển ngữ nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Pháp như Hoàng tử bé, Nhóc Nicolas.

Trong vai trò tác giả, ông ghi dấu tên tuổi với các cuốn sách tranh ký bút danh Thụ Nho như Một ngày của bố, Chuyện con nai...