Hành trình "sống đến bình minh" của cuộc đời nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

Minh Nhân

(Dân trí) - Tự truyện "Sống đến bình minh" ghi lại một hành trình cuộc đời nhiều thăng trầm gắn chặt với những sự kiện lịch sử đất nước, của cố nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.

Sáng 25/4, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và gia đình phối hợp tổ chức sự kiện ra mắt tự truyện Sống đến bình minh của cố nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

Tác phẩm dày gần 700 trang, tái hiện cuộc đời của nhà báo Trần Mai Hạnh với 7 phần được chia theo các mốc thời gian: Chàng trai tỉnh lẻ, Đi qua cái chết, Chiến tranh và hòa bình, Thời bao cấp giữa bao vây cấm vận, Những năm đầu đổi mới báo chí, Vòng xoáy Sống đến bình minh.

Cuộc đời của nhà báo Trần Mai Hạnh hiện lên qua: gia đình, năm tháng ở chiến trường ác liệt, sự nghiệp báo chí vinh quang và cay đắng, trở lại với ngòi bút và chạm tay tới nhiều thành công.

Tiêu đề của phần 7 được tác giả dùng đặt tên cho cuốn tự truyện này. Ông từng lý giải: "Đối với cái chết trong chiến tranh và những nghịch cảnh cùng trò đùa của số phận đời thường, tôi luôn sống và viết với niềm tin những gì tươi sáng rồi sẽ đến. Tên sách Sống đến bình minh được đặt cho cuốn tự truyện cũng vì lẽ đó".

Hành trình sống đến bình minh của cuộc đời nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh - 1

Toàn cảnh buổi ra mắt tự truyện "Sống đến bình minh" của cố nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, sáng 25/4 (Ảnh: Nam Nguyễn).

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VOV cho biết Sống đến bình minh có thể được coi là cuốn sách cuối cùng được nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh nâng niu và tâm huyết.

Theo ông Hùng, việc khán phòng của buổi lễ ra mắt sách đầy ắp công chúng đã cho thấy tình cảm của mọi người dành cho tác giả vẫn vẹn nguyên như khi ông còn sống.

"Đây là niềm hạnh phúc và vinh dự mà không phải ai cũng có được", ông Phạm Mạnh Hùng nói.

Nhà báo Trần Mai Anh, con gái lớn của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh, xúc động tiết lộ Sống đến bình minh không phải cuốn sách cuối cùng của cha, mà trong tập bản thảo trong máy tính của ông còn một cuốn sách nữa, đang ghi trên bìa là Ngày ấy hôm nay.

"Chúng ta vẫn sẽ còn gặp nhau, vẫn còn được nhìn thấy nhau ở những tác phẩm phía trước của bố Hạnh. Một ngày nào đó, gia đình sẽ xuất bản, sẽ hoàn thành những điều mà ông còn đang làm dang dở", bà Mai Anh nói. 

Hành trình sống đến bình minh của cuộc đời nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh - 2

Nhà báo Trần Mai Anh, con gái lớn của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh (Ảnh: Nam Nguyễn).

Cuốn tự truyện được nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh ấp ủ và viết đã khá lâu nhưng đến đầu năm 2024 mới hoàn thành.

Không chỉ là lát cắt chiến tranh, độc giả còn tìm thấy những câu chuyện tình yêu với những đổ vỡ của mối tình đầu vì không môn đăng hộ đối, những lưu luyến xao động rất đỗi trong sáng nhưng mong manh của người lính trên mặt trận.

Chuyện về thời bao cấp với những chật vật khó khăn về chỗ ở, cái ăn, cái mặc, phải làm thêm để sống. Độc giả có thể khóc, cười, tiếc nuối về cuộc sống của những năm tháng ấy.

Là những năm đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, trong đó có đổi mới báo chí đã mang đến đời sống thông tin cho công chúng ra sao.

Là thông tin về một cơn bão nhưng không nói đầy đủ, nhiều chiều có khi lại dẫn đến ảnh hưởng cuộc sống người dân ra sao.

Hay khi hội nhập, nhu cầu thưởng thức thể thao của công chúng rất cao là lý do ra đời các ấn phẩm về bóng đá...

Hành trình sống đến bình minh của cuộc đời nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh - 3

Bìa sách "Sống đến bình minh" (Ảnh: Nam Nguyễn).

Nhiều biến cố trong gia đình, thậm chí có lúc tác giả tưởng chừng không thể hoàn thành. Cho đến khi những hình ảnh cuối cùng của con gái yêu quý, tài hoa trên giường bệnh về mong muốn cuốn sách được hoàn thành và có tên Sống đến bình minh khiến ông bừng tỉnh để viết tiếp những dòng cuối.

Những dòng cuối ấy được ông viết trong lúc phải vượt qua mất mát tột cùng của một người cha, sự tận tụy chăm sóc người vợ phải ngồi xe lăn đã cùng ông trải qua tất cả thăng trầm trong cuộc đời và cả những bận rộn công việc nơi tòa soạn ông làm cố vấn.

Những trang viết xúc động, chân thực, để lại nhiều suy ngẫm, Sống đến bình minh giúp nhiều thế hệ không chỉ hiểu thêm về cuộc đời, con người của cố nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, mà còn cả những câu chuyện của một thời đã xa.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương). Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp văn (nay là khoa văn Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) sau đó làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

Từ năm 1965 đến 1975, ông có mặt trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc.

Ông là Đặc phái viên TTXVN tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam.

Với cương vị này, ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa VIII và IX. Ông là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa X và thuộc đoàn đại biểu Bạc Liêu.

Tác giả qua đời chiều 2/4 khi đang trong chuyến đi dài ngày cùng em trai thăm lại các đồng nghiệp, đồng đội cũ tại TPHCM. 

Một số tác phẩm của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Nắng Thu Bồn, Tình yêu và án tử hình, Sụp đổ và tự thú, Ngày tận thế, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống.

Trong đó, tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 từng được dịch ra tiếng Anh, giành giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2014, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.