Nghiên cứu dựng tượng Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam

Phương Bảo

(Dân trí) - Tại tọa đàm về nhà báo Xuân Thủy - Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam, các khách mời đã làm rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cùng những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp báo chí.

Sáng 14/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985) nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/06/2023).

Sự kiện mở đầu bằng chiếu bộ phim tài liệu Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam. Nội dung tri ân những đóng góp của nhà báo Xuân Thủy với công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.

Nghiên cứu dựng tượng Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam - 1
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: Lại Quang Tấn).

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, nhà báo Xuân Thủy là người để lại di sản báo chí to lớn cho hậu thế.

Theo đó, 90 năm trước, người thanh niên Xuân Thủy đã khởi đầu chặng đường hoạt động cách mạng của mình bằng nghề báo, là làm cộng tác viên một số tờ báo nổi tiếng ở Hà Nội như Trung Bắc Tân văn, Hà thành Ngọ báo... Từ Hà Nội lên Phúc Yên, ông vừa làm tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tập hợp thanh niên, vừa thu thập tin tức viết bài. Từng bước, báo chí trong tay ông như thanh gươm được mài sắc trên hành trình làm cách mạng.

Ông Lê Quốc Minh cho biết, ngày 21/4/1950, nhà báo Xuân Thủy đứng ra triệu tập đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng ở chiến khu Việt Bắc, thay mặt báo giới cả nước tổ chức Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam. Đại hội họp tại hội trường báo Cứu quốc và bầu Chủ nhiệm báo Cứu quốc Xuân Thủy làm Hội trưởng. Nhà báo Xuân Thủy chính thức giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ đó đến năm 1962.

"Từ tháng 5/1968, ông Xuân Thủy giữ vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Tại đây, ông Xuân Thủy rất thành công khi phát huy hiệu quả cả ba hình thức: từ đấu tranh ở các phiên họp công khai, đấu tranh trong các cuộc họp báo và trả lời phỏng vấn các nhà báo và đấu tranh vận động, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới", ông Lê Quốc Minh chia sẻ.

Nghiên cứu dựng tượng Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam - 2
Nhà báo Xuân Thủy - Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam (Ảnh: Tư liệu).

Phát biểu tham luận tại tọa đàm, nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) khẳng định: "Nhà báo Xuân Thủy nói năng hay, đối đáp giỏi, ứng khẩu thành chương nhưng khi tham gia đàm phán tại Hội nghị Paris thì ông rất cẩn trọng trong các bài phát biểu".

Đánh giá về những công lao của nhà báo Xuân Thủy với báo chí cách mạng, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng: "Ở Đài Tiếng nói Việt Nam đã dựng tượng nhà báo Trần Lâm, vị Giám đốc, Tổng Biên tập đầu tiên của Đài. Vậy nên thời gian tới, chúng ta nên nghiên cứu dựng tượng nhà báo Xuân Thủy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hoặc Hội Nhà báo Việt Nam. Việc này cần làm sớm để tri ân ông và cũng để giáo dục truyền thống với những người làm báo hôm nay".

Nghiên cứu dựng tượng Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam - 3
Kỷ vật trong quá trình tác nghiệp của nhà báo Xuân Thủy được trưng bày tại sự kiện (Ảnh: Tư liệu).

Sự kiện còn trưng bày hơn 30 tài liệu, hiện vật gốc kể về con đường nhà báo Xuân Thủy đến với báo chí cách mạng Việt Nam; Xuân Thủy với báo Cứu quốc, với Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; Xuân Thủy với Hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam); Xuân Thủy và Hội nghị Paris…

Đáng chú ý là các tư liệu, hiện vật như: Trang phục, đồ dùng trong quá trình công tác; bản thảo viết tay, đánh máy và một số bài viết trên báo Cứu quốc; Giấy chứng nhận ký ngày 8/3/1960 do Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) trao tặng nhà báo Xuân Thủy vì những đóng góp cho sự phát triển hợp tác và đoàn kết của tổ chức này.