Rời ban nhạc Anh Em, nghệ sĩ piano Tuấn Nam “chơi lớn” giữa mùa Covid-19

Hoàng Cương

(Dân trí) - Tuấn Nam cho thấy anh không phải tay vừa, thậm chí khù khằm mà lắm… chiêu khi tất tay làm hai show lớn trong thời buổi thị trường âm nhạc “đóng băng” bởi những khó khăn do Covid-19.

Rời khỏi ban nhạc Anh Em, Tuấn Nam lại tiếp tục gây bất ngờ khi quyết định tổ chức hai concert Fusion Jazz tại Hà Nội và TP.HCM.

Không chỉ là cú rẽ khi bước cả hai chân lên con đường theo đuổi khát vọng đưa dòng nhạc jazz đầy kén chọn đến gần hơn với công chúng Việt Nam, Tuấn Nam cho thấy, anh không phải tay vừa, thậm chí khù khằm mà lắm… chiêu khi tất tay làm hai show lớn trong thời buổi thị trường âm nhạc “đóng băng” bởi những khó khăn do Covid-19.

Trong những ngày tập luyện chuẩn bị cho đêm diễn đầu tiên tối 16/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tuấn Nam đã có những chia sẻ về hành trình Nam Jazz Night để dòng nhạc jazz sẽ hòa vào dòng chảy âm nhạc đại chúng như pop, hiphop thậm chí thành “trend” như rap, EDM, Bolero… 

Rời ban nhạc Anh Em, nghệ sĩ piano Tuấn Nam “chơi lớn” giữa mùa Covid-19 - 1

Biến tấu để hợp với thị hiếu 

Là một nhà sản xuất, chính anh cũng biết rõ jazz chưa bao giờ là dòng nhạc được ưa chuộng ở Việt Nam, nếu không nói là vô cùng kén chọn người thưởng thức. Vậy tại sao anh vẫn “liều lĩnh” với hai đêm nhạc này, và sau đó là cả một series concert?

Có lẽ từ lần đầu tiên tiếp xúc với jazz, tôi đã hiểu dòng nhạc này chính là niềm đam mê bất tận, là dòng máu chảy trong con người tôi. Tôi nghĩ cái gì cũng cần có khởi nguồn.

Với dự án của mình, tôi phải là người đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng một nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển trong tương lai.

Đâu là nhóm khán thính giả chủ yếu anh nhắm đến?

Rất khó để phân định rạch ròi theo độ tuổi, giới tính. Tôi nghĩ mình muốn hướng tới những người nghe yêu thích sự bay bổng của jazz, sự khúc chiết của jazz, sự ngẫu hứng của jazz, muốn liên tục cảm nhận được sự mới mẻ trong âm nhạc. Mà jazz thì luôn đáp ứng được rất đầy đủ những nhu cầu này.

Rời ban nhạc Anh Em, nghệ sĩ piano Tuấn Nam “chơi lớn” giữa mùa Covid-19 - 2

Hiểu một cách đơn giản thì jazz fusion là sự pha trộn giữa jazz và một số dòng nhạc khác, bao gồm rock, funk, R&B. Vậy khi chọn concept fusion cho hai đêm nhạc của mình, anh sẽ chơi theo đúng tinh thần fusion cổ điển, hay biến tấu cho phù hợp với thị hiếu của đại đa số khán thính giả?

Xưa nay vốn không có định nghĩa cụ thể cho bất kỳ dòng nhạc nào, tất cả đều có sự biến hóa qua thời gian. Cho nên, fusion, theo tôi, cũng chỉ là một cách gọi.

Còn trong hai đêm diễn của mình, tôi sẽ hòa âm và chơi jazz theo cách tôi thích, và dĩ nhiên, tôi sẽ biến tấu làm sao cho phù hợp nhất với thị hiếu khán giả Việt Nam hiện nay.  

Tôi thấy, người Việt Nam chủ yếu thích nghe giọng hát, ít thích nghe khí nhạc, nhất là hòa tấu jazz lại càng có phần xa lạ. Anh có thể “bật mí” nhiều hơn về những dự định sẽ mang lên sân khấu hay không

Không chỉ công chúng Việt Nam, trên toàn thế giới cũng vậy thôi. Tuy nhiên, anh cũng biết là bất kỳ thể loại âm nhạc nào cũng đều có vocal (giọng hát), jazz cũng không ngoại lệ, và vocal là một phần không thể tách rời trong các dự án jazz của tôi.

Rời ban nhạc Anh Em, nghệ sĩ piano Tuấn Nam “chơi lớn” giữa mùa Covid-19 - 3

Sau gần 3 năm, nghệ sĩ Quyền Văn Minh mới trở lại sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh với hai đêm nhạc jazz. Nhưng điều đặc biệt, không phải ông tổ chức như trước nay, mà lần này ông là khách mời của “đàn em” pianist Tuấn Nam.

Ngoài hai nghệ sĩ Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc, cơ cấu ban nhạc sẽ thế nào?

Bên cạnh các nghệ sĩ khách mời, ban nhạc sẽ được xây dựng trên mô hình small big band (big band thu nhỏ). Từng thống trị làng nhạc Mỹ trong thập niên 1940 - thời đại của điệu swing, big band luôn là mô hình ban nhạc kinh điển của jazz, được ví như dàn nhạc giao hưởng trong nhạc cổ điển.

Anh từng nói, “jazz không xa lạ với công chúng Việt”, và “jazz len lỏi trong rất nhiều ca khúc họ vốn quen thuộc, thậm chí có thể hát theo”, theo tôi hiểu, đó là pha trộn giữa jazz với các dòng nhạc phổ biến hơn. Vậy theo anh, đây là phương thức tích cực giúp người nghe dễ dàng làm quen với jazz, hay là cách làm nửa vời của nghệ sĩ, vừa muốn chơi thứ nhạc mình thích, vừa muốn thỏa hiệp với thị hiếu của công chúng?

Đây là câu hỏi rất hay và thú vị. Nhìn vào các xu thế hiện nay, bao gồm cả jazz đương đại, anh có thể thấy âm nhạc vốn không có biên giới. Anh nói mang jazz pha trộn với các dòng nhạc khác không hề sai, nhưng tôi thấy điểm mấu chốt ở đây là các tác phẩm này đều có hơi hướng jazz, tinh thần jazz.

Ở một thị trường “có nhiều khác biệt” như Việt Nam, đây lại là cách thức nên được thực hiện, để khán giả có thể tiếp cận với jazz thường xuyên hơn. Khi đã dần quen tai, tôi tin sẽ có rất, rất nhiều người ý thức tìm tới những gì thuần khiết hơn, hay nói khác đi, tới một thứ jazz nguyên bản hơn.

Rời ban nhạc Anh Em, nghệ sĩ piano Tuấn Nam “chơi lớn” giữa mùa Covid-19 - 4

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh chia sẻ: "Cả cuộc đời tôi đã thực hiện công việc mở con đường mòn cho nhạc jazz ở Việt Nam. Thậm chí, tôi “cống hiến” cả anh con trai Quyền Thiện Đắc cho jazz. Và bây giờ, khi con đường mòn đã có, bắt đầu xuất hiện những điểm sáng tiếp tục dẫn lối cho jazz như đêm nhạc của Tuấn Nam".

Rời ban nhạc Anh Em: Chơi nhạc ăn ý và phong phú hơn!

Anh cũng nói, “người yêu jazz đang thiếu sân chơi, thiếu chương trình, thiếu concert hay”. Vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu của sự thiếu thốn này?

Tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là chúng ta chưa tạo được cộng đồng những người yêu jazz, cộng đồng các nghệ sĩ chơi jazz. Tất cả đang thiếu sự gắn kết cần thiết, do không có người lĩnh xướng.

Cái cần thiết nhất lúc này, theo tôi, là những cuộc gặp mặt có tính định kỳ, các mini show, talk show về jazz và mọi câu chuyện xung quanh. Show lớn có thì rất tốt, nhưng để tổ chức thường xuyên là cả một vấn đề, nên về tầm ảnh hưởng, có lẽ vẫn chưa bằng mini show diễn đều đặn.

Có một thực tế hết sức rõ ràng, ở Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, jazz cũng hoàn toàn lép vế trước R&B, hip-hop, alternative và nhiều dòng nhạc khác. Lý giải của anh về điều này ra sao?

Tôi nghĩ cái này cũng đơn giản thôi. Ngọn tháp càng lên cao thì càng bé lại, cái gì càng tinh tuyền càng khó thẩm thấu. Jazz và nhạc cổ điển vẫn đang ngự trị trên đỉnh ngọn tháp âm nhạc, đó là điều không thể chối cãi được.

Rời ban nhạc Anh Em, nghệ sĩ piano Tuấn Nam “chơi lớn” giữa mùa Covid-19 - 5

Ca sĩ Tùng Dương sẽ xuất hiện trong đêm nhạc.

Nhìn vào danh sách ca sĩ khách mời, tôi hơi ngạc nhiên về “trường hợp” Lê Hiếu. Hiển nhiên đây là một ngôi sao sáng của dòng pop ballad, nhưng dường như Lê Hiếu không để lại chút ấn tượng nào về jazz, khác hẳn Tùng Dương hay Bùi Lan Hương đã có nhiều trải nghiệm với dòng nhạc này.

Nếu là một người yêu thích jazz đương đại, hẳn anh đã nghe hai album jazz rất tuyệt của Robbie Williams là Swing When You’re Winning và Swing Both Ways, nghe Lady Gaga và Amy Winehouse hát jazz cùng huyền thoại Tonny Bennett, hay Christina Aguilera ngẫu hứng cùng ban nhạc của Herbie Hancock trong album Possibility.

Vẫn biết mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng tôi muốn nói ở đây, có những trường hợp anh không bao giờ nghĩ họ hát được jazz, và họ sẽ mang đến cho anh điều bất ngờ. Bên cạnh đó, việc mời Lê Hiếu tham gia concert càng chứng minh được độ phủ rộng rãi và sự khác biệt của concept fusion.

Theo tôi biết, nhạc jazz ở các quốc gia Bắc Âu đã hình thành nên một phong cách riêng. Là một người từng du học ở Thụy Điển, anh có thể nói sơ qua về khác biệt giữa jazz Bắc Âu và jazz Mỹ hay không?

Theo tôi thấy, jazz Bắc Âu thiên về tinh thần tự sự, tĩnh lặng, nhẹ nhàng, một phần được phát triển từ những giai điệu dân ca bản địa, tạo được cảm giác gần gũi với người nghe. Trong khi đó, jazz Mỹ mạnh mẽ, tiết tấu nhanh, mang nặng âm hưởng từ nhạc truyền thống của người da màu, đôi lúc cuồng bạo đến bất ngờ.

Rời ban nhạc Anh Em, nghệ sĩ piano Tuấn Nam “chơi lớn” giữa mùa Covid-19 - 6

 Tuấn Nam tập luyện trước show Hà Nội cùng ca sĩ Tùng Dương.

Cá nhân anh thích chơi jazz theo phong cách nào nhất? Và đâu là nghệ sĩ/ban nhạc truyền cảm hứng nhiều nhất cho anh?

Tôi thích kết hợp hai phong cách Mỹ và châu Âu, vừa uyển chuyển, nhẹ nhàng, vừa mạnh mẽ, cứng cáp. Còn người truyền cảm hứng nhiều nhất cho tôi chính là thầy tôi, nghệ sĩ Hakan Rydin. Ban nhạc thì khác nhiều, tiêu biểu có thể kể ra như Chick Corea Electrik Band, Keith Jarrett Trio…

Ở trong ban nhạc Anh Em, tôi thấy anh vẫn có thể thoải mái chơi jazz, nhất là khi có một “đồng đội” tài hoa và ăn ý như anh Hồng Kiên. Tại sao anh vẫn quyết định “dứt áo ra đi”?

Đây cũng là một câu hỏi thú vị. Ăn ý thì ở đâu cũng vẫn ăn ý, không nhất thiết phải đứng cùng một chỗ. Anh có thể thấy, rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi từng chơi cho nhiều ban nhạc khác nhau, rồi tách ra solo, ở đâu họ cũng tạo được sự ăn ý và gắn kết với những người xung quanh.

Chính điều này làm nên sự phong phú cho âm nhạc. Chưa kể, rời khỏi ban nhạc Anh Em như cú rẽ để tôi trở về tiếp tục con đường riêng của mình. Đây chính là thời điểm thích hợp, nhất là khát khao biểu diễn thôi thúc, cháy bỏng trong tôi. 

Xin cảm ơn Tuấn Nam và chúc hai đêm diễn thành công tốt đẹp!