Bỏ sổ hộ khẩu mừng như bỏ được sổ gạo thời bao cấp!

(Dân trí) - “Đề xuất bỏ sổ hộ khẩu, làm được thì như một cuộc cách mạng, mừng không khác gì bỏ được sổ gạo, nỗi ám ảnh với bao người thời bao cấp” – Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội bình luận.

Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng nêu hình ảnh so sánh sinh động đó tại phiên thảo luận của UB Thường vụ Quốc hội về dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) chiều 22/4.

Bỏ sổ hộ khẩu mừng như bỏ được sổ gạo thời bao cấp! - 1
Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên thảo luận.

Đề xuất bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, thay đổi phương thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu giấy sang sang cách thức quản lý bằng số định danh cá nhân gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư là nội dung cơ bản của dự luật.

“Đọc luật này tôi rất mừng, tưởng là cơ quan công an muốn quản lý người dân chặt chẽ lắm, mà trong luật này lại đề nghị bỏ phương thức quản lý bằng sổ hộ khẩu” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét.

Theo Chủ tịch Quốc hội, người dân lâu nay “khổ sở không ít với sổ hộ khẩu”, nhất là dân nghèo. Bà phân tích, thường người nghèo chính là đối tượng phải ly hương, tha phương kiếm sống. Bất đắc dĩ phải vào thành phố vì kế sinh nhai mà còn gặp bao nhiêu rào cản, con cái không học hành được chỉ vì không có sổ hộ khẩu, cực càng thêm cực.

Chủ tịch Quốc hội mường tượng, nếu chỉ cần mã số định danh có thể đi lại bất cứ đâu theo yêu cầu cuộc sống, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho người dân.

Bà cũng nhận định, đã đến lúc Việt Nam cần thúc đẩy sớm việc bỏ sổ hộ khẩu này khi mà rất nhiều nước đã không còn quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu từ lâu. Dẫn chứng sinh động nhất về hiệu quả của phương thức quản lý mới là một người chỉ cần cầm thẻ lương hưu, đi bất cứ đâu cũng rút được tiền chứ không cần phải về đúng nơi cư trú của mình mỗi tháng mới lĩnh được lương hưu như Việt Nam đang thực hiện nữa.

Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng so sánh: “Bỏ được sổ hộ khẩu, làm được việc tích hợp tất cả thông tin trong số định danh cá nhân thì giống như làm được cuộc cách mạng, không khác gì việc bỏ sổ gạo ngày xưa, thứ là nỗi ám ảnh với nhiều người, ám ảnh đến mức có khái niệm “buồn như mất sổ gạo”.

Nêu kinh nghiệm mà Hàn Quốc đang làm, ông Dũng cho rằng, vừa qua, nước này thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 cũng chính nhờ phương thức quản lý dân cư hiện đại này. Theo đó, chỉ cần một thiết bị định danh, định vị hình thức như thẻ hoặc vòng đeo tay mà người dân nào, cư trú ở đâu, đi đâu, có ở nơi tập trung đông người không… cơ quan quản lý nhà nước đều nắm được.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng chỉ băn khoăn về khâu chuẩn bị để thực hiện dự luật Cư trú lần này vì việc thành bại của chính sách phụ thuộc vào tiến độ cấp mã số định danh cho mỗi công dân, việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhấn mạnh việc thay đổi phương thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang số định danh là nội dung rất lớn, quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng lưu ý, tính sống còn của đạo luật này liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư và cấp số định danh cá nhân. Nhưng đến giờ mới có 16 triệu số định danh được cấp thông qua việc làm thẻ căn cước công dân suốt mấy năm qua, cơ sở dữ liệu dân cư cũng chưa hình thành.

Bỏ sổ hộ khẩu mừng như bỏ được sổ gạo thời bao cấp! - 2
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình dự án luật trước UB Thường vụ Quốc hội.

Trước những vấn đề các Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, các điều kiện để đảm bảo triển khai luật (dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2021) thì phải hoàn thành được việc cấp mã số định danh cho 96 triệu dân cả nước trong tháng 4/2021, đến tháng 6 thì hoàn thiện kho dữ liệu quốc gia về dân cư để sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Cập nhật thông tin về tiến độ phần việc, Đại tướng Tô Lâm cho biết, hiện ngành công an đã thu thập được 86 triệu bản khai dữ liệu công dân. Theo Bộ trưởng Công an, đó là cơ sở khẳng định khả năng hoàn thành các điều kiện đê rthi hành luật Cư trú sửa đổi là khả thi.

Bộ trưởng giải thích, việc cấp số định danh, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư trước đây khó khăn nhất vì thiếu vốn nhưng hiện giờ Chính phủ đã đảm bảo nguồn tài chính nên các phần việc sẽ triển khai được.

Chốt lại nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khái quát, Thường vụ Quốc hội tán thành đề xuất xây dựng luật của Chính phủ, thống nhất bổ sung dự luật vào chương trình làm luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (sẽ bắt đầu trong tháng 5/2020). Tuy nhiên, để không gây xáo trộn cuộc sống người dân, UB Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh việc cấp số định danh cá nhân, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư.

Một nội dung mới khác cũng được Thường vụ Quốc hội tán thành là đề xuất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có cả quy định hạn chế việc nhập khẩu Hà Nội thể hiện trong luật Thủ đô.

Với một số ý kiến còn nghi ngại, xóa bỏ những quy định hạn chế nhập khẩu này sẽ không còn công cụ để kiểm soát mức độ dân cư tương xứng với hạ tầng, quy hoạch thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Công an phân tích, trên thực tế, các biện pháp quản lý hành chính về điều kiện cư trú cũng không giúp ngăn cản dòng người nhập cư vào các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội.

“Người không có đăng ký thường trú thời gian qua vẫn tiếp tục vào Hà Nội, số lượng thực tế lên tới hàng triệu người. TPHCM đương nhiên cũng có tình hình tương tự. Vì thế, không nên coi quy định quản lý bằng hộ khẩu là biện pháp để hạn chế cư trú, cách đó không hợp lý, không thực tiễn” – Bộ trưởng Công an nói.

Phương Thảo