1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Bộ trưởng Nông nghiệp: Lò mổ thủ công không còn phù hợp!

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện nước ta đã có 40% cư dân đô thị, 30 triệu công nhân mà vẫn tồn tại những lò mổ thủ công, một ngày mổ vài con lợn là không còn phù hợp.

Mới đây, tại hội nghị chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam có sự phát triển vượt bậc về năng suất, chất lượng, đặc biệt là đến nay đã hoàn thành khung pháp lý cho ngành chăn nuôi, với luật Thú y, luật Chăn nuôi,… là cơ sở để vận hành ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại.

Từ chỗ thiếu thực phẩm, đến nay, ngành chăn nuôi đã đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo dinh dưỡng cho người dân. Bình quân hiện nay, ngành chăn nuôi đảm bảo cung cấp cho mỗi người dân trong một năm khoảng 60kg thịt, 12 lít sữa, 80kg cá, 200kg rau xanh, 200kg trái cây;… chuyển đổi cơ cấu thành công từ chỗ 20 triệu người chăn nuôi đến nay chỉ còn lại 6 - 7 triệu người và có hệ thống các doanh nghiệp lớn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đồng thời chỉ ra những bất cập ngành chăn nuôi cần hoàn thiện, khắc phục trong chiến lược 10 năm tới.

Cụ thể, ngành chăn nuôi có tốc độ phát triển nhanh nhưng mất cân đối, khi "rổ thực phẩm" tiêu dùng của người dân, thịt lợn vẫn chiếm 70%. Điều này dẫn đến CPI suốt ngày lo thịt lợn lên giá.

Theo ông Cường, cơ cấu này trước đây là phù hợp khi thu nhập bình quân chỉ có 400 USD/người, còn bây giờ, thu nhập bình quân đến 3.000 USD/người thì nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đòi hỏi phải khác trước, không để 70% rổ thực phẩm trông chờ vào thịt lợn, là nguy cơ rủi ro.

Bộ trưởng Nông nghiệp: Lò mổ thủ công không còn phù hợp! - 1

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi phải xác định 3 khâu quan trọng nhất để phát triển bền vững là sản xuất, chế biến, và tiêu thụ. Nhưng hiện nay, ngành này chỉ làm được khâu sản xuất, trong khi chế biến thì "lõm bõm".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện nước ta đã có 40% cư dân đô thị, 30 triệu công nhân mà vẫn tồn tại những lò mổ thủ công, một ngày mổ vài con lợn là không còn phù hợp. Các nhà máy hiện đại chế biến rất ít.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, một điểm tồn tại nữa cần phải khắc phục là đưa chăn nuôi lên làm ngành chính trong ngành nông nghiệp và phải hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Bởi hiện nay, ngành nông nghiệp xuất khẩu 40 tỷ USD, sản phẩm xuất đi 120 nước, nhưng "soi kính hiển vi" không thấy sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu, mà chỉ có tí mật ong, trứng muối, lợn sữa.

Thời gian tới sẽ xuất khẩu được 20-25% thịt lợn

Cũng liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi với quy mô tương đối lớn, tuy nhiên nhìn tổng thể chăn nuôi của chúng ta vẫn nhỏ lẻ. Do vậy việc chuyển ngành chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô và tỷ xuất hàng hóa cao là vấn đề đang được đặt ra.

Bộ trưởng Nông nghiệp: Lò mổ thủ công không còn phù hợp! - 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Ngoài ra, về giải quyết công tác chế biến, chế biến sâu cũng được ngành nông nghiệp rất quan tâm vì Luật Chăn nuôi đã được Quốc hội thông qua là chăn nuôi phải theo chuỗi giá trị và kinh tế tuần hoàn. Do đó, chăn nuôi phải phải giải quyết từ con giống, vật tư đầu vào cho đến vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ.

“Để hội nhập sâu với quốc tế, thì hạ tầng kho bãi, cơ sở chế biến và chế biến sâu phải được đẩy mạnh hơn nữa. Vấn đề môi trường trong chăn nuôi rất quan trọng, không được để gây ô nhiễm. Với 100 triệu tấn chất thải chăn nuôi phải được sử dụng một cách hợp lý và có hiệu quả để chuyển thành phân bón hữu cơ và góp phần vào thực hiện các mục tiêu của nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam trong thời gian sắp tới”, ông Tiến cho biết.

Ông Tiến đánh giá, vai trò của các doanh nghiệp rất quan trọng trong việc thực hiện chiến lược chăn nuôi, vì có các doanh nghiệp lớn mới kéo theo các hợp tác xã cộng với các hộ chăn nuôi theo chuỗi sản xuất như nói ở trên. Có làm như vậy thì sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi mới được nâng lên, giúp nông nghiệp Việt Nam chủ động hội nhập với thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết thêm, chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, dự kiến thời gian tới sẽ xuất khẩu được 20-25% thịt lợn; 25-30% là thịt, trứng gia cầm. Đây là mục tiêu mà ngành chăn nuôi đã tính toán, cân đối một cách hết sức chặt chẽ và có đầy đủ cơ sở.