1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Cây cầu 60 năm ở Quảng Nam xuống cấp nặng, cả nghìn xe vẫn đi qua mỗi ngày

Ngô Linh

(Dân trí) - Cầu Câu Lâu cũ bắc qua sông Thu Bồn, Quảng Nam, có tuổi đời 60 năm. Công trình hiện đã xuống cấp, tải trọng hạn chế, trong khi đó mỗi ngày vẫn có hàng nghìn phương tiện lưu thông.

Cầu rung lắc

Cầu Câu Lâu cũ (hay còn gọi cầu Mống) nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, dài hơn 800m, mặt cầu rộng 7m, nằm trên tuyến quốc lộ 1 nối huyện Duy Xuyên (bờ nam) và thị xã Điện Bàn (bờ bắc).

Cầu được xây xong và đưa vào sử dụng vào năm 1963. Đến nay, công trình đã xuống cấp, tải trọng hạn chế.

Cây cầu 60 năm ở Quảng Nam xuống cấp nặng, cả nghìn xe vẫn đi qua mỗi ngày - 1

Mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện lưu thông qua cầu Câu Lâu cũ (Ảnh: Ngô Linh).

Để đáp ứng nhu cầu lưu thông trên tuyến quốc lộ 1, cầu Câu Lâu mới được xây dựng cách đó 100m về phía hạ lưu, chiều dài 1.056m, rộng 14m, đưa vào sử dụng từ năm 2004.

Dù vậy, nhiều người dân vẫn muốn qua lại trên cầu cũ để rút ngắn quãng đường (muốn di chuyển lên cầu mới, người dân phải đi vòng từ 600m đến 2km). Lo sợ mất an toàn, chính quyền địa phương đã cấm xe tải trên 10 tấn lưu thông qua cầu cũ.

Cầu Câu Lâu cũ xuống cấp, dân qua lại bất an (Video: Ngô Linh).

Mối lo càng gia tăng sau sự cố gãy đổ hàng lan can cầu cũ hôm 13/5. Đoạn lan can bị đứt gãy nằm bên trái cầu (theo hướng Bắc - Nam) dài hơn 10m, thuộc địa phận huyện Duy Xuyên. 

Khối bê tông ở chân lan can cũng vỡ, lộ cốt thép, nguy cơ tiếp tục gãy đổ. Ngoài ra, bề mặt cầu xuất hiện những vết nứt kéo dài, một số mố cầu có dấu hiệu sụt lún.

Bà Nguyễn Thị Sáu (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) hàng ngày vẫn lưu thông trên cầu Câu Lâu cũ để qua thị xã Điện Bàn buôn bán. Bà cho biết, nếu đi vòng qua cầu mới thì khá xa, xe tải trọng lớn lưu thông đông đúc. Bà chọn cách qua cầu cũ để rút ngắn quãng đường, dù biết cây cầu này đang xuống cấp nghiêm trọng.

Cây cầu 60 năm ở Quảng Nam xuống cấp nặng, cả nghìn xe vẫn đi qua mỗi ngày - 2

Cầu xây dựng từ năm 1963, đang xuống cấp và hạn chế tải trọng (Ảnh: Ngô Linh).

Theo bà Sáu, mỗi ngày có cả nghìn phương tiện lưu thông trên cây cầu cũ. Trước kia cầu cũng có dấu hiệu xuống cấp, nhưng càng rõ ràng hơn khi cầu mới được sửa chữa, các xe tải trọng lớn dồn về cầu cũ.

"Mỗi khi có xe tải nặng đi qua thì cầu rung lắc mạnh, nhất là ở hai phía đầu cầu. Đi qua cũng sợ nhưng biết sao giờ, mong chính quyền sớm nâng cấp, sửa chữa để người dân yên tâm khi tham gia giao thông", bà Sáu chia sẻ.

Giảm tải trọng

Theo ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên, nguyên nhân đứt gãy lan can xảy ra ngày 13/5 có thể do cầu Câu Lâu đã cũ. Thêm vào đó, gần đây phương tiện đổ dồn về cầu cũ trong khi cầu mới đang trong sửa chữa, càng gây thêm áp lực cho công trình.

Ngoài ra, trên lan can cầu cũ có treo nhiều cáp, ống nước, phương tiện lưu thông tạo ra rung lắc, làm gãy lan can.

Cây cầu 60 năm ở Quảng Nam xuống cấp nặng, cả nghìn xe vẫn đi qua mỗi ngày - 3

Một đoạn lan can cầu dài hơn 10m bị ngã đổ hôm 13/5, được lực lượng chức năng rào chắn chờ xử lý (Ảnh: Ngô Linh).

Ngày 15/5, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn gửi UBND huyện Duy Xuyên, UBND thị xã Điện Bàn, Khu Quản lý đường bộ III và đơn vị liên quan về việc tổ chức giao thông, sửa chữa, kiểm định và thử tải đảm bảo an toàn lưu thông trên cầu Câu Lâu cũ.

Theo đó, trong thời gian chờ thực hiện các thủ tục sửa chữa, kiểm định, thử tải cầu Câu Lâu cũ, để hạn chế tác động làm cầu tiếp tục hư hỏng, đảm bảo an toàn cho cầu và các phương tiện, UBND tỉnh giao UBND huyện Duy xuyên khẩn trương điều chỉnh giới hạn tải trọng qua cầu Câu Lâu cũ từ 10 tấn xuống dưới 5 tấn.

Cây cầu 60 năm ở Quảng Nam xuống cấp nặng, cả nghìn xe vẫn đi qua mỗi ngày - 4

Trên lan can cầu cũ có treo nhiều cáp, ống nước, khi phương tiện di chuyển đã tạo ra rung lắc, làm gãy lan can (Ảnh: Ngô Linh).

UBND huyện Duy Xuyên tổ chức cắm biển tại hiện trường, có giải pháp rào chắn an toàn ngay đoạn gãy trụ lan can tay vịn nhịp cầu thứ 27 (hướng Bắc - Nam) và tiếp tục khảo sát các đoạn khác trên toàn bộ công trình, nếu có nguy cơ gãy đổ thì có giải pháp khẩn cấp để xử lý.

UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Duy Xuyên thông báo về giới hạn tải trọng lưu thông 5 tấn cho Khu Quản lý đường bộ III để điều chỉnh kế hoạch phân luồng khi sửa chữa cầu Câu Lâu mới.

Ngoài ra, phải thông báo rộng rãi để các tổ chức và người dân được biết, có kế hoạch vận chuyển, đi lại phù hợp; bố trí lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát thường xuyên để xử lý vi phạm (nếu có).

Đối với UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam yêu cầu đơn vị khẩn trương tổ chức cắm biển tại hiện trường, cắm biển chỉ dẫn các phương tiện đi theo hướng cầu Câu Lâu mới trên tuyến đường tránh Vĩnh Điện. Bố trí lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát thường xuyên, xử lý vi phạm (nếu có) trên cầu và đường dẫn đầu cầu thuộc thị xã Điện Bàn.

UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương và giao Sở Giao thông Vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm định, thử tải để xác định tải trọng giới hạn thông xe; đồng thời khảo sát, thiết kế sửa chữa lan can, lề bộ hành; sửa chữa hệ liên kết ngang để khắc phục vết nứt dọc tim cầu và các nội dung sửa chữa, khắc phục khác sau khi có kết quả kiểm định, thử tải để xác định tải trọng giới hạn thông xe.

Cây cầu 60 năm ở Quảng Nam xuống cấp nặng, cả nghìn xe vẫn đi qua mỗi ngày - 5

Nhiều đoạn lan can lệch hẳn so với thiết kế ban đầu, có dấu hiệu đổ (Ảnh: Ngô Linh).