1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Chưa “thông” 20 cơ chế đặc thù cho Hà Nội

(Dân trí) - Có tới 20 cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội được quy định trong dự thảo luật Thủ đô, nhưng dường như cơ sở cho hầu hết các cơ chế, chính sách này lại chưa vững. Tìm ra đặc thù cho Thủ đô vẫn là vấn đề phải… bàn tiếp!

Rất nhiều ý kiến phản biện cho dự thảo luật Thủ đô được đưa ra khiến phiên làm việc của Thường vụ Quốc hội chiều 15/9 phải kéo dài hơn dự kiến
 
Không thể “chặn” nhập cư bằng biện pháp hành chính
 
Theo dự thảo luật, Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với việc quản lý dân cư với quy mô, mật độ, cơ cấu hợp lý theo quy hoạch chung Thủ đô.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, sau khi có luật Cư trú, việc nhập khẩu vào Hà Nội rất dễ nên số lượng nhập khẩu rất nhiều. Theo ông Khanh, nếu cứ tiếp tục như hiện nay Hà Nội sẽ không theo kịp tăng dân số cơ học.
 
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phản biện, trong luật Cư trú đã quy định cụ thể các điều kiện thường trú, tạm trú của công dân. Cũng theo UB, một thời gian dài trước đây, chúng ta đã áp dụng các biện pháp hành chính nhằm hạn chế di dân tự do vào các thành phố lớn, trong đó có thủ đô Hà Nội, tuy nhiên các biện pháp này không những không đem lại hiệu quả mà còn phát sinh các các hệ luỵ khác như vấn đề giáo dục, an sinh xã hội, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm…
 
Do vậy, cần phải quản lý dân cư theo quy hoạch, tức dùng các giải pháp về kinh tế - xã hội như chuyển các trường đại học, bệnh viện ra khỏi vùng nội thành, đồng thời xây dựng các đô thị vệ tinh, xây dựng đường tàu điện ngầm, hệ thống giao thông công cộng thuận tiện kết nối vùng nội thành với ngoại thành, chứ không thể dùng biện pháp hành chính.
Chưa “thông” 20 cơ chế đặc thù cho Hà Nội - 1
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển chưa đồng tình với quy định Thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách Trung ương vượt dự toán hàng năm
 
Chuyển sang quy định, Thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách Trung ương vượt dự toán hàng năm để đầu tư xây dựng, phát triển, UB Pháp luật cho rằng, cần có đánh giá tác động của việc này đến việc thu chi ngân sách trung ương, cũng như sự cân đối chung giữa các địa phương, vùng miền khác trên cả nước.
 
Bởi lẽ, tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách Trung ương cho Hà Nội sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách nhà nước do Hà Nội và TPHCM là hai địa phương có đóng góp nhiều nhất cho ngân sách chung.
 
Góp ý về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc giữ lại phần vượt thu sẽ làm phức tạp vấn đề, phá vỡ phân bổ ngân sách.
 
Việc quy định mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực (văn hoá, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú) trong nội thành cao hơn mức chung của cả nước không quá 5 lần, mức thu phí trong nội thành cao hơn không quá 3 lần mức chung cũng chưa thuyết phục được UB Pháp luật.
 
UB này đặt vấn đề, cơ sở để quy định mức xử phạt vi phạm hành chính cao không quá 5 lần so với mức chung của cả nước là chưa rõ ràng, căn cứ vào đâu, có phải căn cứ theo GDP/người hay không? Tại sao quy định mức xử phạt không quá 5 lần trong khi mức thu phí lại chỉ quy định cao hơn không quá 3 lần so với mức chung của cả nước?
 
Chủ nhiệm UB Kinh tế, Hà Văn Hiền góp ý, không thể làm theo cách không quản lý được thì cấm hoặc phạt cao, thu phí cao. “Giao thông ùn tắc không phải do phạt thấp, thu phí thấp mà còn liên quan đến hạ tầng đô thị, quản lý đô thị”, ông Hiền phân tích.
 
Chưa cảm nhận được tầm vóc Thủ đô
 
UB Pháp luật cho rằng, cơ chế, chính sách đặc thù phải được xây dựng dựa trên đặc điểm Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Các vấn đề như đô thị hoá, ô nhiễm môi trường, nạn ách tắc giao thông, quản lý dân cư, xử phạt vi phạm hành chính… là những vấn đề đặt ra với tất cả các địa phương, không riêng gì Hà Nội.
 
Ông Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị, không nên xây dựng một luật rộng như dự thảo luật mà chỉ nên đặt ra những vấn đề đặc thù của Hà Nội khác với các địa phương còn lại trong khi các văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định. Theo ông Hiển, nhiều quy định trong dự thảo luật, nếu thay chữ Hà Nội bằng Hà Giang, nội dung vẫn… không thay đổi.
 
Một số điều quy định trong luật này còn thừa là ý kiến của Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, bởi theo bà Mai, những luật khác đã cho phép làm. Bà Mai đề nghị tính toán lại để tìm ra điểm gì là đỉnh cao, là hình ảnh của Hà Nội, còn những điểm khác có thể không bằng TPHCM hoặc các tỉnh thành khác. Điều này giống như Bắc Kinh không bằng Thẩm Quyến một số điểm, Washington không bằng New York về tài chính, cao ốc…
 
“Tôi ủng hộ luật, nhưng cơ chế đặc thù phải như thế nào, chứ như dự thảo luật thì chưa đã lắm. Tôi chưa cảm nhận được, với cơ chế này tầm vóc, hình ảnh của Thủ đô sẽ như thế nào”, bà Mai nói.
 
Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng cũng thừa nhận, điểm khó nhất là tính toán tìm ra những đặc thù, tính toán đưa vào luật những gì để có tính khả thi.
 
Cấn Cường