Cô trò chật vật với chương trình lớp 1, Bộ Giáo dục nói đã… giảm tải

Thái Anh

(Dân trí) - Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo thông tin, chương trình mới tập trung dạy trẻ sớm đọc thông viết thạo để học các môn khác nên tăng cường học Tiếng Việt từ đầu năm lớp 1, thêm 2 tiết học/tuần…

Báo cáo vừa hoàn thành, gửi tới các đại biểu Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa năm học 2020-2021 của Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu nội dung giải trình về  nội dung chương trình, giá sách, việc “ép” học sinh mua sách tham khảo…

Cô trò chật vật với chương trình lớp 1, Bộ Giáo dục nói đã… giảm tải - 1

Chương trình giáo dục lớp 1 mới nhận phản ánh là quá tải với cả học sinh và giáo viên (ảnh: Chinhphu.vn)

Tăng số tiết học Tiếng Việt, bản chất là giảm tải!

Về vấn đề chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 “nặng”, Bộ trưởng Nhạ cho biết, sau 2-3 tuần đầu năm học, một số số giáo viên, phụ huynh học sinh và cử tri có phản ánh vấn đề này.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng Giáo dục, có một phần là do chương trình mới, với quan điểm học sinh đọc thông viết thạo sẽ học tốt hơn các môn học khác, đã cơ cấu thời gian đầu của cấp tiểu học, học sinh học Tiếng Việt nhiều hơn so với chương trình cũ (năm 2006).

Cụ thể, môn Tiếng Việt của chương trình mới cấp tiểu học có 1.505 tiết (bằng số tiết của chương trình cũ) nhưng có điều chỉnh tăng số tiết đối với lớp 1 (420 tiết so với 350 tiết) và lớp 2 (350 tiết so với 315 tiết); giảm số tiết ở lớp 3, lớp 4 và lớp 5.

Bên cạnh đó, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình mới, với nhiều điểm mới, lại được triển khai thực hiện trong bối cảnh có những khó khăn do trước đó phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nên học sinh chưa có điều kiện được làm quen và giáo viên phải tập huấn trực tuyến là chính, ít có thời gian tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới.

Tuy vậy, Bộ trưởng Nhạ cũng khẳng định, qua thực tế khảo sát tại một số địa phương, bên cạnh một số giáo viên còn gặp khó khăn trong việc dạy môn học này, nhiều giáo viên dạy lớp 1 bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cho biết, tổng lượng âm, vần dạy cho học sinh vẫn như cũ, số tiết lại nhiều hơn (tăng 2 tiết/tuần so với chương trình cũ), học giãn ra… nên về bản chất là giảm tải, thuận lợi hơn cho giáo viên tố chức dạy, nhất là đối với những học sinh tiếp thu khó khăn hơn.

Giải pháp được Bộ trưởng Giáo dục đề cập là chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà; thiết kế thời khóa biểu hợp lý giữa các môn học trong ngày; bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên…

“Ép” mua sách tham khảo dưới hình thức… “tự nguyện”

Về chuyện giá sách mới cao hơn nhiều, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích, việc này xuất phát từ yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu xã hội hóa, biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa để xóa thế độc quyền sách giáo khoa. Thực tế, bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có giá cao gấp 2 lần so với bộ sách cũ (các bộ SGK lớp 1 mới có giá từ 179.000-194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000/cuốn; bộ SGK lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9000 đồng/cuốn).

Lý do trước hết, chương trình mới đòi hỏi có ngữ liệu, nhất là các hình ảnh được sử dụng bảo đảm yêu cầu thể hiện rõ ràng, chi tiết các nội dung cần biểu đạt để cụ thể hóa yêu cầu cần đạt về phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Điều dó khiến sách giáo khoa lớp 1 mới có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn sách giáo khoa lớp 1 cũ.

Sách mới được in 4 màu, trong khi sách cũ chỉ in 2 màu nên đòi hỏi giấy in phải tốt hơn (về độ trắng và định lượng giấy), mực in phải bảo đảm chất lượng.

Hơn nữa, các bộ sách lớp 1 mới được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí (đối với thù lao tác giả và kinh phí tổ chức biên soạn, thực nghiệm) như sách cũ. Điều này khiến giá sách mới (đã được thẩm định) tăng cao hơn.

Bộ trưởng Giáo dục cũng trình bày việc sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa do nhà nước định giá, bình ổn giá, dù Bộ đã tham mưu, đề xuất việc này. Do đó, Bộ Giáo dục đang chỉ đạo các nhà xuất bản biên soạn sách tinh giản nội dung để giảm số trang sách, tiết kiệm chi phí làm các bộ sách các năm học sau để giảm giá sách, khuyến khích dùng lại sách năm sau, hỗ trợ sách cho học sinh khó khăn.

Về thông tin phản ánh tình trạng “ép” học sinh mua sách tham khảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quả quyết, đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình; không được “ép” học sinh mua sách tham khảo dưới bất kì hình thức nào.

Hằng năm, trước khi bước vào năm học mới, Bộ đã có các văn bản chỉ đạo các địa phương, nhà trường chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ sổ sách, sách tham khảo, lạm thu và các hoạt động đầu năm gây tốn kém cho phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, một số nhà trường ở một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng giáo viên lập danh mục sách tham khảo kèm theo sách giáo khoa gửi cho cha mẹ học sinh để đăng kí mua “tự nguyện” gây băn khoăn trong dư luận.

Bộ đã chủ trương chỉnh sửa văn bản quy định về vấn đề này (Thông tư 21) để quản lý chặt chẽ hơn, trong đó nghiêm cấm việc "ép" học sinh mua sách tham khảo dưới bất kì hình thức nào và có chế tài mạnh hơn đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, Bộ tiếp tục khách quan hóa việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh để hạn chế việc giáo viên đưa các nội dung nâng cao trong sách tham khảo vào dạy học và kiểm tra, đánh giá khiến học sinh buộc phải mua thêm sách cũng như học thêm…