1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Đỗ xe ô tô chắn trước cửa nhà người khác có bị xử phạt?

(Dân trí) - Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ và trên đường phố phải thực hiện theo các quy định của pháp luật. Đối với hành vi phá hoại xe ô tô có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc giải quyết theo pháp luật dân sự.

Bạn đọc Hồ Vinh Quang gửi câu hỏi tới Bộ Công an có nội dung: Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip ghi lại những vụ việc đập phá xe ô tô vì đỗ xe chắn trước cửa nhà dân. Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà cho rằng khoảng không trước cửa nhà cũng thuộc quyền quản lý của mình nên cấm không cho tài xế đỗ xe. Bộ Công an cho tôi hỏi, hành vi đỗ xe chắn trước cửa nhà dân và hành vi phá hoại xe ô tô nêu trên sẽ bị xử phạt như thế nào?

Đỗ xe ô tô chắn trước cửa nhà người khác có bị xử phạt? - 1

Một trường hợp xe ô tô đỗ chắn trước cửa nhà người khác bị phun sơn lên xe. (Ảnh: Facebook).

Bộ Công an cho biết: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ và trên đường phố phải thực hiện theo các quy định tại Điều 18 về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ và Điều 19 về dừng xe, đỗ xe trên đường phố. Trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định liên quan đến dừng xe, đỗ xe thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. 

Mặt khác, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng đã quy định về việc sử dụng đường phố, các hoạt động khác trên đường phố và trên đường bộ; đồng thời quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và Ủy ban nhân dân các cấp.

Đối với hành vi phá hoại xe ô tô, căn cứ vào tình tiết vụ việc, tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại, lỗi của từng bên có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc giải quyết theo pháp luật dân sự.

Khoản 3 và 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;

g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

a) Bên trái đường một chiều;

b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

c) Trên cầu, gầm cầu vượt;

d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

g) Nơi dừng của xe buýt;

h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Điều 19 Luật giao thông đường bộ quy định dừng xe, đỗ xe trên phố:

Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:

1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

Nguyễn Dương