1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Dự án chậm tiến độ không thể đổ hết lỗi cho ngành giao thông”

(Dân trí) - “Vấn đề kỹ thuật thì Sở GTVT TPHCM làm rất tốt rồi. Tồn tại lớn nhất là GPMB. Hãy nhìn những dự án như nút giao đường Xuyên Á, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương… chậm vì sao? Tất cả đều vì không giải phóng được mặt bằng”.

Ngày 14/1, tại Hội nghị Tổng kết khối giao thông bộ năm 2009, các lãnh đạo giao thông TPHCM phàn nàn nhiều về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến ngành, ngành biết nhưng không thể “quản” mà rất cần cơ quan khác hỗ trợ.

 

“Treo” mãi một dự án lớn vì… 6 hộ dân

 

Vấn đề vướng mắc đầu tiên mà các lãnh đạo ngành giao thông phàn nàn là giải phóng mặt bằng (GPMB). Các dự án chậm tiến độ, không thể khởi công theo dự kiến… hầu hết đều do vướng GPMB.

 

Ông Nguyễn Xuân Bảng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (gọi tắt là Khu 4) nói vui: “Trong phần nhiệm vụ năm 2010, Sở quy định chỉ triển khai thi công dự án khi đã hoàn thành 100% GPMB. Quy định của nhà nước cũng vậy. Nhưng nếu vậy thì khó quá!”.

 

“Dự án chậm tiến độ không thể đổ hết lỗi cho ngành giao thông” - 1

Để duy tu hết các tuyến đường sau khi tháo dỡ rào chắn, TPHCM sẽ phải tiêu tốn một số tiền rất lớn

Ông cho biết tại Khu 4, một dự án lớn đã GPMB được gần 100%, chỉ còn vướng có 6 hộ mà cả năm chưa giải tỏa xong. Vậy là dự án sẽ bị “treo” mãi nếu không linh động “né” quy định trên. Bởi đơn giản việc GPMB không phải do Sở, do Khu thực hiện mà do chính quyền địa phương. Vậy việc các dự án chậm tiến độ cũng không thể đổ hết cho ngành giao thông.

 

Ngay việc giải phóng hệ thống hạ tầng kỹ thuật như  điện, nước, cáp viễn thông… do chính các cơ  quan chức năng ngành khác quản lý cũng rất khó.  Giải pháp thì cứ bàn tới bàn lui, đụng tới đâu, bàn tới đó mà cũng kéo dài mãi không xong.

 

Đại diện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, một cơ quan của Bộ GTVT được mời tham gia hội nghị cũng bức xúc: “Vấn đề kỹ thuật thì Sở Giao thông Vận tải TPHCM làm rất tốt rồi. Tồn tại lớn nhất là GPMB. Hãy nhìn những dự án mà ban chúng tôi quản lý như nút giao đường Xuyên Á, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương… Chậm là vì sao? Tất cả đều vì không giải phóng được mặt bằng”.

 

Vị đại diện này đề nghị Sở GTVT TPHCM có kiến nghị mạnh mẽ lên UBND TP, cần có biện pháp để giải quyết ngay tồn tại này. Nếu không, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận có khả năng sẽ từ chối quản lý các dự án triển khai tại TPHCM.

 

Xà bần - vấn nạn tương lai của thành phố!

 

Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Khu 3, thì than thở về cơ chế phối hợp làm việc giữa các cơ quan nhà nước. Ông cho biết: “Trước đây, việc duy tu đường sá và thoát nước đều do Sở quản, nhưng nay tách phần thoát nước cho Trung tâm Chống ngập. Do đó, nhiều khu vực đường sá bị ngập, đường hư hỏng thì chúng ta chỉ sửa đường, nhưng chống ngập thì không. Đường ngập dễ hỏng, cứ phải sửa đi sửa lại. Dân phàn nàn cũng chẳng biết làm sao”.

 

Đại diện Khu 1 thì chỉ rõ thiệt hại của việc đào đường: “Thống kê sơ bộ trên 9 tuyến đường có đào đường trên địa bàn Khu 1 quản lý, sau khi rào chắn được tháo dỡ, chỉ riêng việc trải một lớp nhựa mỏng thôi thì cũng tiêu tốn hết cả chục tỷ đồng”. Do vậy, nếu tính hết trên địa bàn TPHCM thì số tiền mà TP phải bỏ ra để duy tu các con đường sau khi tháo dỡ rào chắn sẽ rất lớn.
 
“Dự án chậm tiến độ không thể đổ hết lỗi cho ngành giao thông” - 2
Xà bần nếu không quản chặt có thể trở thành vấn nạn của TP trong tương lai.

 

Về việc xác định trách nhiệm của đơn vị thi công thì vị này cho là rất khó. Bởi đơn vị thi công luôn có lý do khách quan để biện bạch, lực lượng của Khu và Thanh tra Sở quá mỏng nên không thể giám sát hết được. Muốn làm tốt trách nhiệm này, phải có sự phối hợp hỗ trợ của chính quyền cơ sở.

 

Ông Nguyễn Xuân Bảng còn phản ánh thêm vấn nạn đổ bậy xà bần trên các tuyến đường thuộc khu vực các quận ngoại thành. Ông cho biết: “Trên tuyến Nguyễn Hữu Thọ, mỗi ngày có đến mấy chục tấn xà bần bị đổ ra ven đường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngay trên tuyến đường đẹp nhất TP là đường Nguyễn Văn Linh cũng có nhiều đống xà bần nằm chễm chệ, nhìn mà thấy đau xót!”.

 

Ông kiến nghị: “Vấn đề xà bần cũng như vấn đề phân hầm cầu vậy. Nếu không quy hoạch chỗ cho người ta đổ thì người ta sẽ đổ bậy thôi. Do vậy, cần kiến nghị Sở Xây dựng khi cấp phép xây dựng phải quy định rõ là xà bần phải đổ ở đâu, có vậy mới dễ quản được. Nếu không, trong tương lai gần đây sẽ một vấn nạn mới ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giao thông TP”.

 

Tùng Nguyên