1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Hành trình 26 năm tìm hài cốt liệt sĩ

(Dân trí) - Hai mươi sáu năm qua, người cựu chiến binh Hồ Với (bản Cu Tài 1, xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã băng không biết bao nhiêu cánh rừng, lội bao nhiêu con suối, vượt bao nhiêu khó khăn, đi tìm hài cốt những người đồng đội đã gửi lại thân xác giữa đại ngàn Trường Sơn, trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

“Còn sức khỏe, tui còn đi”

 

Ông Với giản dị tâm sự, những chuyến đi tìm hài cốt các anh hùng liệt sĩ là nghĩa cử của ông đối với những người đồng đội đã khuất. Không có họ, làm sao ông cũng như bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở bản Cu Tài 1 có cuộc sống no ấm như ngày hôm nay!

 

Ông kể: “Từ năm 1981 đến nay, tui đã tìm kiếm, cất bốc được hơn 116 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác trên nhiều cánh rừng, từ tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam đến Kon Tum và sang cả Savanakhet (Lào). Mỗi lần tìm thấy hài cốt của đồng đội, tui cảm thấy ấm lòng hơn. Chưa tìm được họ, tui không thể sống một cuộc sống thanh thản. Khi đồng đội còn nằm lại cô quạnh giữa rừng sâu, núi thẳm, không một nén nhang, không nấm mồ hay dòng tên trên bia mộ… Xót xa lắm! Tui tự hứa rằng chừng nào ông trời còn cho tui sức khỏe, còn đi lại được chừng đó tui còn lên đường tìm đồng đội”.

 

Hỏi ông sao có thể nhớ rõ vị trí những người đồng đội đã nằm xuống, ông bảo sau khi chôn cất đồng đội, do không có thời gian làm bia mộ, ông thường học cách nhớ của người Vân Kiều, Pa Cô khi đi rừng. Đó là nhìn ngọn núi phía trước, phía sau, ghi nhớ đặc điểm của từng phiến đá, gốc cây nơi đặt mộ.

 

Ông trầm ngâm: Trong suốt 18 năm (năm 1957-1975) cầm vô lăng vào Nam ra Bắc trên tuyền đường Trường Sơn, bao nhiều lần phải dịch chuyển sang đất Lào rồi trở về đất Việt Nam là bây nhiêu lần ông phải ghi nhớ tên núi, tên suối nơi đồng đội ông nằm xuống.

 

Năm 1975, quê hương hoàn toàn giải phóng, ông trở về bản Cu Tài 1 lấy vợ và lập nghiệp. Cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm êm dưới mái nhà sàn bạc phếch qua bao mùa mưa rừng, gió núi không làm ông nguôi quên hình ảnh những nấm mộ đồng đội đang nằm cô đơn giữa chốn rừng sâu núi thẳm.

 

Năm 1981, khi cuộc sống gia đình đã tạm ổn định, ông gói gém tư trang, bắt đầu băng rừng đi tìm hài cốt đồng đội.

 

Ban đầu ông cứ đi một mình, khi đã xác định được chính xác chỗ đồng đội nằm, ông mới quay lại bản gọi trai tráng tới giúp sức, đưa hài cốt liệt sĩ về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Cách ấy mất thời gian, vất vả và nguy hiểm, nhưng ông không còn cách nào khác bởi ông không có tiền.

 

Về sau, hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ cứ xa dần, có lúc ông đi sang tận nước bạn Lào.

 

Lập trang trại, tích tiền đi tìm đồng đội

 

Để có tiền trang trải cho những chuyến đi dài ấy, năm 1996, ông cùng các con khai hoang 18ha vùng gò đồi ở bản Cu Tài 1 để lập trang trại. Trên đó, ông trồng cây, nuôi cá, chăn gia súc,... Ông kể: “Để có được trang trại quy mô khang trang như hiện nay là cả sự gian truân, khổ cực ròng rã 10 năm trời của cha con tui. Người dân trong bản không tin cha con tui có thể làm được trang trại trên mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ấy.

 

Tui động viên các con là phải cố gắng lên, phải làm giàu cho mình sau đó thông qua trang trại để bày cho dân bản cách làm giàu và hơn hết là kiếm thật nhiều tiền để tui còn đi tìm các chú, các bác”.

 

Bây giờ mỗi năm trang trại của ông cho thu nhập trên 100 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi ròng hơn 50 triệu đồng. Số tiền ấy, ông dành một phần để chi phí cho những chuyến đi bởi không có tiền thì có muốn cũng không đi được.

 

Hỏi chuyện vợ con, ông tự hào: “Tui làm việc nghĩa nên vợ con tui luôn động viên, ủng hộ. Sau mỗi đợt tìm kiếm thành công, thấy tui mệt, vợ con tui khuyên nghỉ vài bữa lại đi tiếp. Nhưng tui nghỉ sao được...”.

 

“Đi tìm mộ liệt sĩ trên đất Lào cực nhất là về mùa này. Trong khi ở Quảng Trị đang nắng như đổ lửa thì ở Lào đang vào mùa mưa. Nhiều khi vào rừng đào bới chưa tìm thấy hài cốt thì mưa rừng đổ xuống như trút nước trên đầu rồi sau đó là nước khe suối lên nhanh không thể quay về các bản, làng, đành phải dựng lều ngủ lại trong rừng.

 

Suốt đêm không tài nào ngủ được bởi muỗi, vắt cứ bu bám đầy mình. Chỉ còn biết thắp nắm hương rồi đến cắm ở từng góc cây, ngọn cỏ mà thầm khấn các anh có linh thiêng thì ngày mai cho tui đào thấy hài cốt mang về Việt Nam, ấm lòng cách anh mà lòng tui cũng thanh thản” - ông kể.

 

Rồi ông bảo, nhiều đêm mất ngủ nằm nghe tiếng vi vút của ngọn gió thổi qua bản, cứ ngỡ lời thì thầm nhắn gửi của đồng đội, những người vẫn còn nằm lại cô quạnh giữa đại ngàn Trường Sơn.

 

Sĩ Hoàng - Nguyễn Ngọc