1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khi vợ lính lên đồn biên phòng đón Tết

Lính biên cương vài ba năm chưa được về Tết là chuyện thường tình. Thế nên trên những tuyến đường biên giới Tây Bắc ngày giáp Tết, khi những chuyến xe cuối cùng hối hả về xuôi thì có những người vợ trẻ lại bế con ngược lên Đồn Biên phòng để sum họp cùng chồng đón Tết.

Chiếc U oát dã chiến vén bức màn sương giăng đặc quánh mặt đường, ì ạch vượt dốc đưa chúng tôi lên Đồn Biên phòng 469 - Lóng Sập (Mộc Châu-Sơn La). Tiếng là Đồn Biên phòng có cửa khẩu Lóng Sập, ấy vậy nhưng suốt cả chặng đường rừng vắng vẻ, họa hoằn lắm chúng tôi mới gặp được một chuyến xe ngược chiều tất tả chạy về xuôi.

 

Anh lái xe và người cán bộ dẫn đường là lính Biên phòng "chính hiệu". Thế nên dọc quãng đường đi, cả xe rôm rả và miên man những câu chuyện về họ - những người lính Biên phòng trấn ải biên cương phía Tây Bắc của Tổ quốc.

 

Đừng tưởng ở trên những dãy núi cao ngất, cách trở và mù sương này chỉ có mỗi khó khăn, vất vả và thiếu thốn. Anh cán bộ Tuyên huấn của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng "tháp tùng" chúng tôi bật mí: "Ở Đồn Biên phòng 469-Lóng Sập còn có những cái Tết sum họp của cả gia đình lính, đầm ấm và đầy chất lãng mạn đấy nhé".

 

Cây đào giữa sân của Đồn Biên phòng 469-Lóng Sập đã nở bung trong giá rét. Là đồn biên phòng nằm ở độ cao gần 1400m, điểm cao nhất của cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), mùa này ở đây sương mù phủ kín suốt ngày đêm.

 

Có lẽ do rét sớm nên đào ở vùng rừng núi này năm nào cũng ra hoa trước tết một vài tháng. Không chỉ một vài cây, mà điều thú vị là trên tuyến quốc lộ 6 qua cao nguyên Mộc Châu và trên đường lên Đồn Lóng Sập, cánh nhà báo chúng tôi đã có dịp no mắt bởi những vạt rừng đào, mận nở tung trong sương sớm.

 

Thấy chúng tôi ngạc nhiên lẫn thích thú trước cảnh đào ra hoa sớm, Trung tá Nguyễn Đức Giang- Đồn trưởng Đồn Biên phòng 469-Lóng Sập bổ sung thêm: "Cây đào của Đồn Biên phòng năm nào cũng nở sớm, cuối năm anh em lại phải lên núi hoặc xuống nhà dân để tìm đào ăn Tết".

 

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng Đồn Biên phòng, Trung tá Giang cho biết: Đơn vị anh phải đảm nhận quản lý 29km đường biên và địa bàn 3 xã biên giới là Lóng Sập, Chiềng Sơn và Chiềng Khừa. Hiện tại điều kiện ăn ở, sinh hoạt của anh em còn nhiều khó khăn, cán bộ, chiến sỹ vẫn còn phải ngủ giường tầng.

 

Đặc biệt là trên Trạm Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ rất vất vả. Để đến được bản xa nhất là Suối Thín hoặc Pha Luông của xã Chiềng Sơn, cán bộ Biên phòng cũng phải đi bộ mất hơn một ngày đường.

 

Những nơi bản xa đơn vị phải thường xuyên cử các tổ công tác nắm địa bàn. Việc đi lại chủ yếu là nhờ vào đôi chân nên mỗi chuyến công tác các anh cũng phải mất tới 10 ngày mới kín được địa bàn. Vì vậy phải có lực lượng cán bộ "cắm" xã, 3 cùng với nhân dân.

 

Người có thâm niên "cắm" xã lâu nhất của Đồn Biên phòng là Đại úy Lê Minh Sơn, cán bộ tăng cường xã Chiềng Sơn. Hôm chúng tôi đến, đúng vào ngày anh Sơn về đơn vị họp, nhân tiện nhận nhu yếu phẩm. Hỏi chuyện ra mới biết, Đại úy Sơn đã "cắm" xã được 10 năm nay.

 

Chuyện nhặt ở Đồn Biên phòng cao nhất cao nguyên Mộc Châu

 

Đang là giữa trưa nhưng sương mù vẫn giăng kín cả mặt đường, trông như sắp chiều tối. Từ Đồn Biên phòng lên Trạm kiểm soát Cửa khẩu Lóng Sập (thuộc Đồn Biên phòng 469- Lóng Sập) chưa đầy 10km nhưng xe cũng phải vừa đi vừa dò đường mãi mới đến nơi.

 

Càng lên cao, sương mù càng dày đặc và gió càng thổi mạnh. Có bao nhiêu áo ấm mang theo đều đã quấn quanh mình, vậy mà mấy anh em chúng tôi vẫn rét run cầm cập.

 

Tiếp chúng tôi, Trung úy Hà Việt Anh, Trạm trưởng cho biết: Trạm cửa khẩu có 9 cán bộ, chiến sỹ. Ngoài việc đảm nhận công việc Trạm cửa khẩu các anh còn có một chốt gác nằm cách đây 8km.

 

Thấy chúng tôi vừa ghi chép vừa run như giẽ, Trạm trưởng Việt Anh bảo: "Ở đây thời điểm lạnh nhất thời tiết xuống còn khoảng 2-3 độ C, ngày Tết thường thường là 5 độ C, còn như ngày hôm này thời tiết chỉ khoảng...10 độ C!".

 

Tiếng là Trạm Biên phòng cửa khẩu, tuy nhiên do nằm ở nơi heo hút, đường sá đi lại khó khăn nên số người qua lại đếm được trên đầu ngón tay. Tuần nào đông cũng chỉ được khoảng vài chục người, còn chuyện một vài ngày không có người qua lại là thường.

 

Thứ "đặc sản" duy nhất mà Trạm Biên phòng này thường xuyên sẵn nhất đó là... sương mù. Trong khi chúng tôi tỏ vẻ ngán ngại trước cảnh sương mù giăng kín, thì Trung úy Việt Anh lại tỏ ra háo hức: "Vào mùa này, bọn em mong càng có nhiều sương mù càng tốt anh ạ".

 

Nói rồi anh dẫn chúng tôi ra hàng hiên và chỉ lên những đường ống máng chằng chịt vây quanh mái nhà cho biết: Tất cả nước nôi ăn uống, sinh hoạt tại đây đều phải trông từ... mái nhà.

 

Được biết thời tiết ở điểm cao này rất khắc nghiệt. Mùa nắng nóng cháy da, cháy thịt. Mùa đông rét như cắt, quanh năm sương mù phủ kín. Thứ mà các chiến sỹ Biên phòng tại đây luôn luôn ao ước đó là... nước.

 

Đồn Biên phòng đóng ở điểm cao, xung quanh không có bất cứ nguồn nước nào. Bản có dân sống gần nhất là bản Phiên Cài cũng cách đây tới 3 cây số. Nguồn nước chủ yếu của lính Biên phòng tại đây vẫn là nhờ nguồn nước mưa và mây mù.

 

Để có nước anh em phải xây một chiếc bể chứa to đại tướng nằm sau góc sân với hệ thống đường ống chằng chịt nối từ mái nhà xuống. Nước mưa, nước sương mù từ trên mái nhà đều được gom vào đây để dùng dần.

 

Trạm trưởng Việt Anh cặn kẽ: mùa mưa bọn em hứng nước mưa, còn vào mùa đông này thì chủ yếu phải hứng sương để dùng phục vụ sinh hoạt. Những tháng nhiều mưa, hứng được nhiều nước anh em còn có thể đủ dùng tằn tiện. Mùa đông hứng sương không được bao nhiêu, thế nên để giặt giũ chăn mền quần áo, anh em phải mang quần áo đi bộ cách Trạm Biên phòng hơn 1km mới đến được với một lạch nước chảy từ bên đất bạn về để giặt giũ.

 

Thường người ta mong trời đẹp, nắng ráo, còn mấy cán bộ Biên phòng ở đây hết ngóng mưa lại đến chờ sương mù. Không chỉ có vậy mà mùa đông ở đây cũng rất khắc nghiệt, do sương muối nên anh em không thể tăng gia, cải thiện được. Chợ búa lại không có, thực phẩm, rau xanh phải gửi mua tận Mộc Châu chuyển lên để ăn dần.

 

Hỏi về chuyện gia đình, Trạm trưởng Việt Anh cho biết: "Anh em Trạm Biên phòng đều xa gia đình, công việc lại nhiều nên có phép cũng không đi được. Ở đây có người 3 năm chưa về nhà ăn Tết".

 

Hoàn cảnh nhất là trường hợp Thiếu úy Trần Nam Hưng. Gia đình Thiếu úy Hưng có 3 người thì mỗi người ở một nơi. Anh Hưng ở Trạm Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, vợ anh là giáo viên mầm non đang dạy học ở Hủa Păng thuộc huyện Mộc Châu - cách thị trấn Mộc Châu tới 60km.

 

Tội nhất là đứa con nhỏ 4 tuổi. Đều "trấn ải" tại những điểm cao heo hút và xa xôi nhất cao nguyên Mộc Châu, vợ chồng họ đành phải gửi con về nhờ ông bà ở Thái Bình chăm sóc. Mỗi năm vợ chồng con cái mới có dịp sum họp một lần.

 

Nói đến chuyện đón Tết, Trung úy Trần Văn Phương phấn chấn hẳn lên, anh thông báo Tết năm nay không được về phép nên đã quyết định đưa vợ con từ thị xã Sơn La lên Trạm để gia đình được sum họp. Anh em cho biết, ngoài tiêu chuẩn của đơn vị thì anh em cũng tổ chức gói bánh chưng và chuẩn bị đầy đủ mọi thứ.

 

Nghe mấy chiến sỹ "triển khai" về công tác chuẩn bị đón Tết sum họp gia đình, Thiếu tá Nguyễn Trung Toàn, Đồn phó phụ trách trinh sát và ma túy cũng không chịu kém cạnh. "Năm nay mình phải trực Tết nên cũng sẽ đón vợ con lên Đồn ăn Tết cho cả nhà được sum họp".

 

Vị Đồn phó này tâm sự, đây cũng là dịp để vợ con hiểu và thông cảm hơn những vất vả khó khăn của lính Biên phòng. Được biết vợ anh cũng là giáo viên hiện đang giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La.

 

Tết ở trên Đồn Biên phòng Lóng Sập năm nay chắc chắn sẽ rộn ràng niềm vui và hạnh phúc. Không chỉ có hoa đào, bánh chưng xanh, có kẹo có mứt, mà bên cạnh những chiến sỹ Biên phòng còn có cả "hậu phương" cùng chung vui đón Tết.

 

Ngày cuối năm có mặt nơi mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, được lãnh đạo Đồn Biên phòng cho phép chúng tôi đã theo chân các anh lên đường tuần tra bảo vệ biên giới. Trong cái gió rét lịm ngọt ở vùng Tây Bắc, chạm tay vào cột mốc thân yêu, chợt thấy Tổ quốc hiện lên thật gần gũi, thiêng liêng đến lạ kỳ.

 

Theo Xuân Luận

Công An Nhân Dân