1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Không dễ “đánh số lại” gần 90 triệu dân

(Dân trí) - Khi nào người dân đi làm mọi thủ tục hành chính chỉ cần đọc mã số cá nhân? Bảo mật thông tin cá nhân như thế nào? Bộ Công an, Bộ Tư pháp “dẫm chân” nhau?... Nhiều câu hỏi được đặt ra trong hội thảo về xây dựng mã số định danh cá nhân.

Số định danh thay thế mọi giấy tờ nhân thân

Trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến dân cư tổ chức chiều 26/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, đề án được thiết kế theo hướng tập trung ưu tiên cho việc số hóa, điện tử hóa các thông tin của công dân để phục vụ quản lý dân cư, làm nền tảng cho việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư.

Nhiệm vụ cụ thể của Đề án là hoàn thiện cơ sở pháp lý và triển khai cấp số định danh cá nhân. Số chứng minh thư nhân dân mới gồm 12 chữ số mà Bộ Công an đang thí điểm cấp, quản lý có vai trò là số định danh cá nhân. Tuy nhiên, đề án đặt vấn đề, số định danh cá nhân cần được cấp cho công dân từ khi sinh ra (đăng ký khai sinh) và theo công dân cho đến khi chết (đăng ký khai tử) nên cần nhìn nhận lại việc cấp số định danh này như trong luật Hộ tịch.

Với công dân đăng ký khai sinh trước ngày luật Hộ tịch có hiệu lực (dự kiến tháng 1/2014), việc cấp số định danh cá nhân được thực hiện từ năm 2013 đến hết 2020.
 
Không dễ “đánh số lại” gần 90 triệu dân
Thứ trưởng Tư pháp Lê Hồng Sơn và Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan chủ trì hội thảo.

Về việc số định danh cá nhân sẽ thay thế cho toàn bộ các số khác như số thẻ bảo hiểm y tế, số sổ bảo hiểm xã hội, số sổ hộ khẩu, số giấy đăng ký kết hôn… thứ trưởng Tư pháp lý giải, đây là số duy nhất để truy nguyên công dân trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Công dân chỉ cần biết duy nhất một số “mã” này và đây là cơ sở để các ngành kết nối, khai thác, sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ quản lý ngành.

Cơ quan xây dựng đề án cũng thống nhất không xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới mà chỉ điều chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu này do Bộ Công an quản lý theo hướng chỉ tập trung thông tin cơ bản nhất của công dân; đảm bảo tính cập nhật thông tin và khả năng kết nối, chia sẻ, để các bộ, ngành, địa phương có thể khai thác, sử dụng.

Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan nhấn mạnh, khi có số định danh cá nhân, các cuộc tổng điều tra dân số sẽ thực hiện rất đơn giản, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên việc khai thác kho dữ liệu phải gắn với vấn đề cải cách thủ tục hành chính mới có thể sử dụng, ứng dụng được.

Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, theo đó, sẽ có 2 cấp độ. Trước hết, ở khâu giản lược hóa thủ tục, việc yêu cầu làm các bản sao, chứng thực giấy tờ nhân thân không cần thiết đặt ra. Nhiều thủ tục, giấy tờ có thể mạnh dạn cắt giảm khi công việc được giải quyết trên môi trường mạng.

“Đề án này sẽ trở thành tổng công trình sư trong việc sửa đổi thủ tục, vận hành chương trình cải cách hành chính” – Cục trưởng Phan quả quyết.

Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Nguyễn Công Khanh giải thích thêm, việc xây dựng Đề án này dựa trên yêu cầu của UB Thường vụ QH và Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong phiên thảo luận về dự án luật Hộ tịch năm ngoái. Tuy nhiên, nội hàm xa hơn là yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ nhân thân của công dân để giúp “gỡ” nhiều thủ tục người dân đang phải gánh.

Ông Khanh nhấn mạnh: “Chìa khóa để thực hiện thành công việc cắt giảm thủ tục giấy tờ cho công dân chính là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó cơ bản nhất là cấp mã số định danh cá nhân”.

Tuy nhiên, ông Khanh cũng lưu ý để đạt được mục tiêu cần một giai đoạn chuyển tiếp. Trong giai đoạn chưa thể dùng số định danh cá nhân để thay thế các loại giấy tờ khác, dữ liệu hộ tịch đăng ký sẽ được ghi vào một quyển sổ thống nhất là “sổ Bộ hộ tịch”. Đây chỉ là giải pháp tình thế, chuyển tiếp trong giai đoạn hoàn thiện việc cấp số định danh cá nhân. Còn khi xây dựng xong kho số định danh, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp cho biết, đi làm các thủ tục, công dân không cần mang giấy tờ nữa, chỉ cần đọc số định danh của mình để được phục vụ.

Truy cập dữ liệu cá nhân vi phạm quyền công dân?
 
Đại diện các bộ ngành đem tới hội thảo nhiều băn khoăn, câu hỏi hóc.
Đại diện các bộ ngành đem tới hội thảo nhiều băn khoăn, câu hỏi "hóc".

Đại tá Vũ Xuân Dung – Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý về trật tự hành chính, Bộ Công an thống nhất quan điểm triển khai sao để mỗi công dân sinh ra là có một số định danh, một cơ sở dữ liệu cá nhân của mình, được sử dụng làm cơ sở dữ liệu dùng chung cho các ngành. Việc này đã được Bộ Công an nghiên cứu từ năm 2010 theo Nghị định số 90 của Chính phủ. Trên sở lấy ý kiến các ngành, Bộ Công an đã chọn 22 trường thông tin để xây dựng bộ dữ liệu cho mỗi số định danh cá nhân. Việc thí điểm cấp đổi chứng minh thư 12 số từ tháng 9/2012 là một bước đi cụ thể trong quá trình thực hiện đề án.

Phương án đánh số trên chứng minh thư mẫu mới, theo ông Dung, thực hiện nguyên tắc không trùng lặp. Trong 12 con số thì 6 số đầu thể hiện mã của địa phương, năm sinh, giới tính nam/nữ, theo giấy khai sinh của một người. Với nguyên tắc này, việc đánh số khi một cá nhân khai sinh sẽ đảm bảo không trùng lặp. Khi công dân đủ 14 tuổi (tuổi làm chứng minh thư), Bộ Công an sẽ  lấy dấu vân tay, gán vào số định danh đã cấp khi khai sinh. Như vậy mỗi mã số sẽ đi kèm với định dạng đặc điểm sinh học của cả nhân công dân.

Việc khó nhất đến thời điểm này, ông Dung thừa nhận, là thu thập dữ liệu, đánh số được gần 90 triệu công dân hiện tại.

Đại diện Bộ Thông tin – Truyền thông đặt một loạt câu hỏi, khi Bộ Công an xây dựng xong kho dữ liệu định danh này, các ngành liên quan như thuế, bảo hiểm có được truy cập, sử dụng thông tin cá nhân  trong đó? Bộ Công an và Bộ  Tư pháp có đang “dẫm chân” nhau? Cơ chế phối hợp giữa một đơn vị quản lý chứng minh thư (Bộ Công an), một đơn vụ quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp) và đơn vị cấp số đăng ký khai sinh (UBND phường, xã)?

Đại diện Nội vụ cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Công an trong việc xây dựng thông tin của công dân.

Đại diện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất, để tiến hành việc đánh số công dân nhanh nhất có thể khai thác dữ liệu của các ngành khác. Ví dụ, Bảo hiểm xã hội có thông tin khai sinh của tất cả trẻ em dưới 6 tuổi hoặc những người hưởng lương hưu trí có thể chia sẻ.

Đại diện Bảo hiểm xã hội cũng băn khoăn “mỗi lần cần truy cập cơ sở dữ liệu cá nhân với nhiều thông tin dư thừa so với yêu cầu công việc của ngành”, không cần thiết, thậm chí vi phạm quyền công dân. Làm sao có thể lấy ra những thông tin đủ dùng cho việc quản lý của ngành mình.

Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính giải đáp, thông tin từ mỗi số định danh mang lại là cơ sở dữ liệu lõi – chỉ thực hiện kê khai ở 2 lĩnh vực ít biến đổi là hộ tịch (thuộc ngành tư pháp quản lý) và hộ khẩu, chứng minh thư (ngành công an quản lý). Cơ sở dữ liệu chuyên ngành mỗi ngành đều cần tự xây dựng. Khi cần, việc khai thác dữ liệu lõi được dùng để giải quyết thủ tục hành chính điện tử.

Cục trưởng Ngô Hải Phan cũng khẳng định, bảo mật mà một yêu cầu nghiêm ngặt đặt ra khi xây dựng đề án. Mỗi công dân được cấp mã số định danh có một password (mật khẩu) để truy cập cơ sở dữ liệu của bản thân mình. Còn với mỗi ngành, cổng truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được thiết kế bộ lọc để chỉ tách ra một lượng thông tin đủ dùng, đảm bảo yêu cầu bảo mật tuyệt đối.

P.Thảo