Quảng Bình:

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm

Nhóm phóng viên
Nhóm phóng viên

(Dân trí) - Mưa lớn những ngày qua khiến nhiều nơi tại Quảng Bình chìm trong biển nước. Đặc biệt, trong đêm 17/10 và rạng sáng nay 18/10, hàng ngàn người dân đã phải bỏ lại nhà cửa để chạy lũ…

Sáng nay, 18/10, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình cho biết, mưa lũ trong những ngày qua đã khiến nhiều địa phương bị cô lập, giao thông chia cắt, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu.

“Ngay trong đêm 17-10 và rạng sáng nay, huyện và các đơn vị phòng ban liên quan đã di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân nhà bị ngập sâu gần tới nóc về nơi an toàn. Hiện công tác ứng cứu người dân nằm trong vùng bị ngập sâu được triển khai rất khẩn trương”, ông Thế cho biết.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 1
Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 2
Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 3

Lực lượng công an và chính quyền địa phương huyện Lệ Thuỷ giúp dân chạy lũ (Ảnh: H-N)

Cũng theo ông Thế, ở địa phương này, hiện tại nước lũ đang lên rất nhanh. Hầu hết đường dẫn vào trung tâm huyện đều bị ngập sâu, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, muốn vào phải "tăng bo" bằng ca nô hoặc thuyền bè.

Còn tại huyện Quảng Ninh, mưa lớn kéo dài cũng đã khiến nhiều làng mạc chìm trong biển nước. Cuộc sống của hàng ngàn người dân vùng ngập lũ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, ở “rốn lũ” xã Tân Hoá, huyện miền núi Minh Hoá, lũ chồng lũ đã khiến “túi bom” nước này dần phình lớn, nước dâng lên, nhiều ngôi nhà đã bị nhấn chìm tới nóc.

Còn ở các huyện Tuyên Hoá và thị xã Ba Đồn, nước thượng nguồn sông Gianh đổ về như trút những ngày qua đã khiến nhiều làng xã các địa phương này bị ngập, giao thông nhiều tuyến đường bị chia cắt.

Riêng huyện Tuyên Hóa cũng đã lên phương án di dời 4.376 hộ/12.932 nhân khẩu ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất và triển khai các phương tiện, lực lượng ứng trực để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 4

“Rốn lũ” Tân Hoá lại chìm trong biển nước.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp rìa bắc dải hội tụ nhiệt đới nối với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và hoạt động của đới gió đông trên cao nên khu vực Quảng Bình đã có mưa to đến rất to.

Tổng lượng mưa từ 1h ngày 16/10 đến 16h ngày 17/10 phổ biến từ 170-250mm; có nơi cao hơn như: Minh Hóa 558mm, Đồng Tâm 509mm, Trường Sơn 503mm còn huyện Tuyên Hóa là 415mm.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 5

Muốn vào trung tâm huyện Lệ Thủy hiện tại phải di chuyển bằng thuyền.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 6

Hiện tại Quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Quảng Ninh đã bị chia cắt.

Theo dự báo, đến hết ngày 21/10, ở Quảng Bình tiếp tục có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 250-500mm, có nơi trên 600mm.

Hà Tĩnh: Hồ đập xả lũ, ngập lụt, học sinh miền núi tiếp tục nghỉ học

Mưa lớn kéo dài suốt từ chiều tối 17/10 đến chiều 18/10 khiến mực nước trên các hồ, đập, sông tại Hà Tĩnh lên cao. Trong chiều 18/10, hầu hết các hồ, đập trên địa bàn Hà Tĩnh bắt đầu xả lũ.

Để đảm bảo an toàn cho công trình, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN công trình hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) quyết định xả tràn  hồ chứa nước Kẻ Gỗ vào lúc 13h ngày 18/10/2020 và sẽ căn cứ diễn biến thời tiết, mực nước hồ để kết thúc việc xả tràn. Vì thế, cơ quan chức năng Hà Tĩnh cảnh báo, người dân vùng hạ du các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh và các xã trong vùng có thể ảnh hưởng, bị ngập lụt.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 7

Hồ thủy lợi Ngàn Trươi (Vũ Quang) với dung tích trên 250 triệu m3 cũng bắt đầu xả lũ vào sáng 18/10, lưu lượng 40 m3/s - 840 m3/s.

Mưa lớn kết hợp với việc hồ chứa xả lũ đã khiến nhiều hộ dân tại các vùng lân cận ngập lụt như: huyện Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh... Tại thành phố Hà Tĩnh, các tuyến đường đều bị nước bao vây, giao thông tê liệt. Phương tiện lưu thông trên đường đều gặp khó khăn.

Tại vùng thượng nguồn Thủy điện Hương Sơn (huyện Hương Sơn) hiện nay có mưa to đến rất to. Tại cụm đầu mối công trình thủy điện Hương Sơn, lượng mưa đo được ngày 16/10 - 18/10 là 135 mm. Vào lúc 7h ngày 18/10, mực nước tại hồ Thủy điện Hương Sơn đang ở cao trình 803,2 m so với mực nước biển (mực nước chết 798,5 m; mực nước dâng bình thường 804 m) và vẫn đang tiếp tục lên.

Hồ thủy lợi Ngàn Trươi (Vũ Quang) với dung tích trên 250 triệu m3 cũng bắt đầu xả lũ vào sáng 18/10, lưu lượng 40 m3/s - 840 m3/s. Đến sáng 18/10,  toàn huyện có 3 xã vùng hạ du có 615 hộ dân bị cô lập, gồm Đức Lĩnh, Đức Giang, Đức Bồng.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 8
Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 9
Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 10

Nhiều khu vực các  xã miền núi tại huyện Hương Khê như Gia Phố, Lộc Yên, Hương Giang... đã bị nước lũ cô lập

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 11

Để qua lại người dân phải di chuyển bằng thuyền đò qua các khu vực ngập sâu

Tại huyện Hương Khê, đến trưa ngày (18/10), mực nước sông Ngàn Sâu đạt 13,32m, trên báo động II 0,82m. Thời điểm này có 5 xã bị lũ chia chia cắt gồm Hương Thuỷ, Điền Mỹ, Lộc Yên, Hương Đô, Hương Giang, trong đó có 137 hộ dân và 10 hội quán thôn bị ngập, cô lập.

Ngoài ra, nhiều tuyến đường giao thông và cầu qua sông bị ngập như: cầu tràn qua các xã Lộc Yên, Hương Xuân, Hương Lâm, Hương Đô, Gia Phố; tỉnh lộ 553 đoạn các xã Lộc Yên, Hương Trà; huyện lộ 2, huyện lộ 6 xã Hương Thuỷ; huyện lộ 11 xã Phúc Trạch; huyện lộ 14 các xã Hà Linh, Phúc Đồng; QL 15A đoạn qua xã Hương Đô và trên 10 km đường trục thôn.

Ngoài ra, nhiều công trình cũng đã bị mưa lũ xói lở nghiêm trọng như: đường Phúc Trạch – Hương Liên, đường mòn Hồ Chí Minh vào trung tâm xã Hương Thuỷ, huyện lộ 2, đường trục thôn qua thôn 2 và thôn 5 xã Hà Linh...; thân đập Khẩn, đập Nghèn xã Hương Bình, bờ sông Ngàn Sâu, sông Tiêm qua các xã Hà Linh, Hương Xuân tiếp tục sạt lở nghiêm trọng.

Nhiều trường học tại các địa bàn xã Điền Mỹ, Gia Phố, Hương Giang, Lộc Yên... đang bị ngập sâu. "Trong ngày mai (19/10), hơn 26.000 học sinh các cấp tại huyện Hương Khê sẽ phải nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn cho các em trong tình hình mưa lũ hiện nay. Sau khi nước lũ rút, các trường sẽ làm vệ sinh, khử độc trước khi đón học sinh đi học trở lại", ông Lê Ngọc Huấn - Bí thư huyện ủy Hương Khê thông tin.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 12

Các tuyến đường tại TP Hà Tĩnh đã bắt đầu bị nước bao vây

Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, trong ngày 18/10, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng - Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tổ chức sơ tán ngay các hộ dân ở các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu...

Cà Mau: Hàng trăm bộ đội lội ruộng giúp dân gặt lúa, "chạy" lụt

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, mưa lớn những ngày qua đã làm ngập úng khoảng 15.000 ha lúa hè thu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, huyện Trần Văn Thời ảnh hưởng nặng nhất, với khoảng 14.000 ha.

Ghi nhận của PV, trước tình hình lúa bị ngập nước, việc thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu phải dùng tay cắt.

Tại các xã Khánh Bình Đông, Khánh Bình, Khánh Bình Tây, Khánh Hải,... có khoảng 500 bộ đội, dân quân tự vệ địa phương đã được huy động trực tiếp lội ruộng giúp người dân gặt lúa.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 13

Lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ được huy động xuống ruộng giúp dân gặt lúa "chạy" ngập lụt.

Anh Ý (một người dân ở xã Khánh Bình Đông) chia sẻ, gia đình anh có hơn 1 ha lúa đang vào thu hoạch, nhưng không may gặp cảnh ngập lụt do mưa lớn, nếu để lâu lúa sẽ nảy mầm hết.

“Mưa bão thế này nước ngập quá mà không thể tát nước ra được. Máy cắt cũng không thể vào được, trong khi nhân công lại không có. Nay được các anh bộ đội đến tiếp giúp, chúng tôi xúc động lắm”, anh Ý bày tỏ.

Theo Ban chỉ huy quân sự huyện Trần Văn Thời, đơn vị đã phân công 13/13 cấp Xã đội ra quân giúp dân, với lực lượng khoảng 1.000 người.

Lực lượng bộ đội trên tinh thần ưu tiên hỗ trợ trước đối với những hộ nghèo, hộ chính sách có lúa đến thời điểm thu hoạch nhưng không có nhân công.

Với tinh thần “ở đâu dân gặp khó, ở đó có bộ đội”, việc kịp thời ra quân giúp dân khắc phục sản xuất trong những mưa bão là rất đáng trân trọng.

Quảng Nam: Mưa lớn sạt lở, di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn

Trao đổi với phóng viên, ông Bhling Mia – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, từ đến trưa chiều ngày 17/10, do mưa lớn tại địa phương, chính quyền huyện Tây Giang đã di dời khẩn cấp 105 hộ với 289 nhân khẩu đến nơi ở an toàn.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 14
Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 15

Mưa lũ làm sạt lở nhiều tuyến đường ở huyện Tây Giang

Trong đó có 19 hộ có nguy cơ sạt lở taluy âm, taluy dương tại xã Lăng, 6 hộ dưới chân công trình trường THPT Võ Chí Công (xã Axan), 15 hộ tại xã Gari, 20 hộ tại xã Bhalêê, 2 hộ tại xã Axan, 1 hộ tại xã Dang, 12 hộ tại xã Chơm và 30 hộ tại xã Avương.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 16

Các em học sinh trường THPT Võ Chí Công được di chuyển về trường mới vì sạt lở

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 17

Việc vận chuyển học sinh, người dân ở vùng bị sạt lở đến nơi an toàn chỉ dùng xe máy

Ngoài ra, do sạt lở đất, huyện đã di chuyển khẩn cấp 18 nhà dân gồm 1 nhà tại xã Gari; 1 tại xã Atiêng; 12 nhà tại xã Ch’ơm; 1 nhà tại xã Anông và 3 nhà tại xã Lăng.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 18

Rất nhiều điểm sạt lở nên việc di chuyển người dân đến nơi an toàn rất khó khăn

Chủ tịch huyện Tây Giang cho biết, địa phương đã tổ chức kiểm tra, rà soát, tuyên truyền, vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời dân ở những vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, tuyệt đối không cho nhân dân ra sông, suối bắt cá, vớt cây, chủ động đưa gia súc về nơi trú ẩn an toàn.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 19

Đường bị sạt lở, người dân phải băng đường tắt để đến nơi an toàn

Ngoài ra, chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; hướng dẫn, sẵn sàng bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 20

Bùn đất ngập cả xe máy

“Huyện chỉ đạo các cơ chuyên môn có phương án huy động phương tiện trực sẵn sàng trên các tuyến đường huyết mạch, phục vụ đảm bảo giao thông thông suốt sau khi hết mưa, bão”, ông Bhling Mia cho biết.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 21

Việc di chuyển của người dân và học sinh đến nơi an toàn rất khó khăn

Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các trường học đóng trên địa bàn tùy thuộc tình hình mưa nếu xét thấy nguy hiểm chủ động thông báo học sinh được nghỉ học; đồng thời, quán triệt giáo viên, học sinh, nhất là tại các xã vùng cao hạn chế đi lại trong mưa, nếu không an toàn thì chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo tính mạng cho giáo viên và học sinh.

Lũ nhấn chìm làng mạc, hàng ngàn người hoảng loạn chạy lũ trong đêm - 22

Ông Bhling Mia (đứng giữa), Chủ tịch huyện Tây Giang chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão, thông đường

Về giao thông, tuyến đường Hồ Chí Minh bị sạt lở tại nhiều vị trí; tuyến đường ĐT606 cũng bị sạt lở tại các vị trí cũ đã và đang khắc phục. Tuyến ĐH1 từ xã Tr’hy đi xã Axan tiếp tục sạt lở tại các vị trí cũ, gây ách tắc giao thông trong thời gian dài. Đặc biệt, một điểm sạt lở tại vị trí mới tại Km43+600 với khối lượng khoảng 50.000m3, sáng 18/10 huyện đang tập trung khắc phục.

Mưa lũ, sạt lở ở huyện Tây Giang, Quảng Nam

“Rất may chưa có thiệt hại về người và tài sản của người dân. Đến sáng nay, chúng tôi đi khảo sát các tuyến đường sạt lở để khắc phục hậu quả, đồng thời đưa người dân trở về nhà”, ông Bhling Mia nói.

Công Bính