1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Mẫu “lúa cổ 3.000 năm tuổi” là lúa hiện đại

Ngày 30/9, tại hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 45 tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, ĐHQG Hà Nội, người chủ trì khai quật Thành Dền cho biết, kết quả phân tích AMS cho thấy những hạt thóc ở Thành Dền không phải lúa cổ 3.000 năm tuổi.

Là lúa hiện đại

 

Tại hội nghị, PGS. TS Lâm Thị Mỹ Dung và các cộng sự đã có báo cáo “Thóc, gạo và tàn tích động, thực vật  ở di tích Thành Dền”. 

 

Theo báo cáo này, các mẫu hạt thóc tìm thấy ở Thành Dền gửi sang Nhật Bản làm phân tích AMS cho kết quả hàm lượng pMC (hàm lượng nguyên tố carbon hiện đại trong mẫu vật) vượt quá 40 pMC.

  

Mẫu “lúa cổ 3.000 năm tuổi” là lúa hiện đại - 1

Lúa Thành Dền thuộc giống hiện đại

 

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung giải thích: 40 pMC được coi là mức chuẩn. Nếu hàm lượng này trong mẫu dưới 40, các nhà khoa học mới tiếp tục phân tích để tìm niên đại, vượt quá 40 là mẫu hiện đại. Ở đây, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp AMS thực hiện cho kết quả vượt quá 40, do vậy không được xác định niên đại và theo hàm lượng này, mẫu thuộc thời hiện đại”.

 

Cần nghiên cứu thêm

 

Về hình thái, các cây lúa Thành Dền có hình thái giống Khang Dân 18. Về sinh trưởng, các cây lúa Thành Dền sinh trưởng không đồng đều: cây cao cây thấp, trổ không tập trung.

Mặc dù cho biết kết quả phân tích AMS cho thấy thóc nảy mầm ở Thành Dền không phải lúa cổ, song PGS. TS Lâm Thị Mỹ Dung cho rằng cần phải có những nghiên cứu thêm.

 

Vị chuyên gia này giải thích, từ sau thông tin 10 hạt thóc lấy từ hố rác bếp F3 thuộc tầng văn hóa Đồng Đậu ở Thành Dền nảy mầm (ngày 13/5/2010) đã có rất nhiều ý kiến lưu ý khả năng sai sót hay lầm lẫn ở hiện trường và ở quy trình thu thập mẫu.

 

Các nhà khảo cổ khẳng định, do đây là hiện tượng chưa từng gặp trong thực tế khảo cổ nên trong thời gian tới những người khai quật Thành Dền sẽ tiếp tục các công việc nghiên cứu sau: Chụp SEM và X quang những vỏ hạt của thóc nảy mầm, thóc lép, vỏ trấu, gạo cháy và vết in trấu trên đồ gốm để phân loại và so sánh loại hình. Ngoài ra, gửi xác định niên đại AMS 1 hạt gạo cháy và xương động vật cháy lấy từ hố rác bếp F3, tiếp tục kết hợp với các nhà nông học nghiên cứu những cây lúa và hạt thóc vừa trồng và thu hoạch của đợt I và III.

  

Tổng số hạt thóc khảo cổ Thành Dền nảy mầm cho tới nay là 18 hạt, gồm:

 

- 11 hạt của lần đãi lấy mẫu thứ nhất (từ đất của hố rác bếp số 3, hố khai quật 2 những ngày đầu tháng 5). Còn 10 cây sinh trưởng (01 cây đã lụi).

 

- 4 hạt của lần đãi lấy mẫu thứ hai (từ đất của hố rác bếp số 4, hố khai quật 2 trong ngày 7/ 6/ 2010). Mọc thành mạ rồi chết.

 

- 3 hạt của lần đãi lấy mẫu thứ 3 (từ đất của hố rác bếp số 22 và 23, hố khai quật 3 ngày 11,12/ 6/ 2010). Còn 3 cây đang sinh trưởng.

 

Như vậy hiện nay có 13 cây lúa mọc từ 10 hạt đãi đợt đầu và 3 hạt mẫu đãi đợt ba. 

 

Theo Sơn Hà

 Khoa học & Đời sống