1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người Hà Nội bàn chuyện... “hậu sự”

(Dân trí) - Ngừng hung táng tại nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội chủ trương giải quyết vấn đề quỹ đất, ô nhiễm môi trường, chống lãng phí… tiến tới quy hoạch và xây dựng Đài Hóa thân Hoàn vũ thành “Công viên nghĩa trang” vào năm 2015.

Hỏa táng sẽ giải quyết được hệ lụy của hung táng
 
Hiện nay, nhà tang lễ đang quá tải vì cả thành phố Hà Nội hiện có duy nhất 1 nhà tang lễ tại 125 Phùng Hưng và chỉ phục vụ được từ 4 đến 5 đám/ngày, còn lại đều phải thông qua nhà tang lễ của các bệnh viện hoặc người dân tự tổ chức tang lễ tại nhà.
 
Trong khi đó, Ban Lễ tang TP Hà Nội thuộc Sở LĐ-TB&XH là đơn vị duy nhất phục vụ công tác tang lễ của nhân dân Thủ đô, quản lý 7 nghĩa trang lớn trên địa bàn là: Mai Dịch, Văn Điển, Yên Kỳ, Thanh Tước, Nhổn, Ngọc Hồi và Sài Đồng.
 
Người Hà Nội bàn chuyện... “hậu sự” - 1
"Quỹ đất phục vụ việc chôn cất tại Hà Nội đang trong tình trạng báo động"
 
Năm 1992, UBND TP Hà Nội khởi công xây dựng Đài Hoá thân Hoàn vũ tại nghĩa trang Văn Điển với 2 lò điện táng và chính thức đi vào hoạt động năm 1996. Tuy nhiên, những năm đầu thực hiện điện táng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi từ tập tục hung táng (mai tang) sang điện táng, do vậy số lượng phục vụ chỉ chiếm 10 - 15% tổng số đám tang tại nghĩa trang Văn Điển.
 

Tăng cường 4 lò hỏa táng tại Đài Hóa thân Hoàn vũ

Ngày 24/9, Ban phục vụ Lễ tang Hà Nội tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động 4 lò hoả táng gas có công suất thiết kế 10 ca/lò/ngày với tổng giá trị hơn 25,5 tỷ đồng tại Đài Hoá thân Hoàn vũ, Văn Điển.

Với 4 lò hỏa táng gas được tăng cường và 2 lò điện táng đang hoạt động, Đài hoá thân Hoàn vũ sẽ đảm bảo khả năng phục vụ nhu cầu hoả táng của Hà Nội với công suất 60 ca/ngày.

Đến nay, ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ, việc nhận thức của người dân cũng thay đổi, cùng với việc hưởng ứng thực hiện nếp sống văn hoá - văn minh trong tang lễ của người dân Thủ đô cũng có nhiều chuyển biến tích cực đã nâng tỉ lệ lên từ 65 - 70% đám tang tại Văn Điển (500 ca điện táng/700 đám tang tại Văn Điển với 16 ca/ngày) với mức chi phí hỏa táng là 2.850.000 đồng/ca.
 
Trên thực tế, hung táng không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí về tiền của và tài nguyên. Ông Nguyễn Đình Đức (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết: “Quỹ đất phục vụ cho chôn cất tại Hà Nội đang trong tình trạng báo động. Tất cả các nghĩa trang trên địa bàn Hà Nội đều đã hết đất. Vì vậy, hỏa táng là biện pháp tốt nhất nhằm giải quyết vấn đề quỹ đất, ô nhiễm môi trường và chống lãng phí tiền của, tài nguyên”.
 
Còn theo Thượng tọa Thích Thanh Hưng (Trưởng Ban Hướng dẫn phật tử, Thành Hội Phật giáo Hà Nội): “Thực hiện hỏa táng rất tốt cho tâm linh, tốt cho thế hệ con cháu người của người đã khuất...”
 
“Phật đã dạy: khi chết đi thì thân tứ đại hoàn về tứ đại (tức là: chôn dưới đất thì sẽ hoàn về với đất). Có 4 hình thức an táng người đã khuất là: địa táng, thiên táng, thủy táng và hỏa táng, trong đó hỏa táng là hình thức tốt nhất, văn minh nhất và đúng với đạo Phật. Khi Phật tịch, các hòa thượng và đệ tử của Phật tịch đều thực hiện Trà tỳ (hỏa táng)” - Thượng tọa Thích Thanh Hưng phân tích.
 
Căn cứ tình hình thực tế về dân số của Hà Nội mở rộng, công suất hỏa táng tại Đài Hóa thân Hoàn vũ, TP Hà Nội sẽ chính thức ngừng hung táng tại nghĩa trang Văn Điển từ ngày 1/7/2010, đồng thời tiến hành cải tạo, quy hoạch và xây dựng nghĩa trang Văn Điển trở thành “Công viên nghĩa trang” vào năm 2015.
 
Người Hà Nội bàn chuyện... “hậu sự” - 2
Nghĩa trang Văn Điển sẽ trở thành "Công viên nghĩa trang" vào năm 2015.
 
Sẽ xây dựng Văn Điển thành “Công viên nghĩa trang”
 
Hiện tại, Ban phục vụ Lễ tang Hà Nội đang chủ động chuyển đổi chức năng nhiệm vụ của nghĩa trang Văn Điển sang phục vụ hoả táng, lưu giữ bình tro di hài và tiến hành lập quy hoạch, cải tạo cảnh quan môi trường và thực hiện tiêu chí nghĩa trang công viên, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, mỹ quan của Thủ đô.
 
Ông Hoàng Thành Thái (Trưởng Ban Lễ tang TP Hà Nội) khẳng định: “Việc xây dựng nghĩa trang Văn Điển trở thành Công viên nghĩa trang đến năm 2015 sẽ trở thành hiện thực”. 
 
Cũng theo ông Thái: “Bên cạnh việc xây dựng Công viên nghĩa trang cũng cần phải quan tâm đến việc xây dựng các nghĩa trang tái định cư phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội và công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.
 
Công viên nghĩa trang sẽ được thực hiện theo quy hoạch kiến trúc đẹp, có vườn hoa, cây xanh, hệ thống xử lý… như vậy thì nghĩa trang Văn Điển mới trở thành một “Công viên nghĩa trang” theo đúng nghĩa của nó”.
 
Hồng Ngân - Như Quỳnh