Tạm dừng thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Thế Kha

(Dân trí) - Các cuộc thanh tra liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng chưa triển khai thì tạm dừng; chỉ thanh tra trong trường hợp đặc biệt, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ông Đặng Công Huẩn - Phó tổng Thanh tra Chính phủ mới đây đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các địa phương đề nghị thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, trong bối cảnh chung đại dịch Covid-19 ảnh hưởng và gây thiệt hại đến nhiều lĩnh vực kinh tế- xã hội trên cả nước, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 nhằm hạn chế, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thật sự cần thiết trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh.

Tạm dừng thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp - 1

Trụ sở Thanh tra Chính phủ. 

“Không thanh tra ngoài kế hoạch, kể cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; chuyển phương pháp tiền kiểm tra sang hậu kiểm tra. Đối với những cuộc đã kết thúc thanh tra, kiểm tra trực tiếp, cần khẩn trương hoàn thành kết luận, tham mưu đề xuất hướng xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật”- Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Đối với các cuộc thanh tra theo kế hoạch, có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng chưa triển khai thì tạm dừng việc thanh tra; chỉ thực hiện việc thanh tra trong trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền giao hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng, cụ thể.

Đối với các cuộc thanh tra theo kế hoạch, có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang được triển khai cần khẩn trương rà soát về phạm vi, thời gian, đối tượng, nội dung, thời kỳ thanh tra để đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh (nếu có).

Ngoài ra, đối với các cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch năm 2020 cần xem xét kỹ tính chất, mức độ và phạm vi ảnh hưởng. Trường hợp cần thiết phải triển khai thanh tra thì trước khi ban hành quyết định thanh tra phải có ý kiến đồng ý của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm 2021 cần thanh tra có trọng tâm, trọng điểm

Về định hướng chương trình thanh tra năm 2021, Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các địa phương chỉ đạo cơ quan thanh tra bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên các lĩnh vực, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển…

Đặc biệt, 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nên cần xây dựng định hướng chương trình thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu.