1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thầy thuốc đồn biên phòng

(Dân trí) - Nhận công tác tại Đồn Biên phòng 605 (Hướng Hóa, Quảng Trị) từ 3 năm nay, Đại uý Lê Đức Thắng nổi tiếng là một “bác sĩ” mát tay. Anh đã chưa khỏi bệnh cho không biết bao nhiêu bà con dân tộc Vân Kiều. Nhờ anh, nhiều dân bản đã bỏ được suy nghĩ có bệnh thì phải mời thầy mo về cúng.

“Không nhờ thầy mo chữa bệnh nữa đâu”

 

Biết tôi có ý định viết về anh, anh đây đẩy từ chối, bảo trong lực lượng bộ đội Biên phòng, người làm công tác khám chữa bệnh cho dân như anh nhiều lắm, có gì đặc sắc đâu mà viết. Thuyết phục mãi, anh mới chịu kể đôi nét về mình.

 

Quê anh ở xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Năm 1998, anh tốt nghiệp Trường Hậu cần kỹ thuật, về nhận công tác tại Đồn Biên phòng 881 (Long An). Tháng 6/2001, anh trở về Quảng Trị nhận nhiệm vụ tại các đồn biên phòng của tỉnh. Năm 2003, anh về đây.

 

Ba năm gắn bó với công tác quân y thôn bản, anh hiểu được cái khổ của người dân Vân Kiều ở vùng này. Trước đây, mỗi khi có người đau ốm, dân bản phải đưa bệnh nhân đi một quãng đường rất xa mới đến được trạm y tế. Nhiều bệnh nhân đã chết oan vì thế. Bên cạnh đó, người Vân Kiều còn tin việc đau ốm là do Giàng “quở phạt” nên khi người nhà bị bệnh, họ mời thầy mo về bản, làm bò, lợn, gà cúng Giàng ngày này sang tháng khác. Hệ luỵ từ tập tục này là người dân vừa tốn tiền, tốn sức, mà bệnh nhân thì ngày càng nặng thêm.

 

Nhận công tác quân y thôn bản, việc đầu tiên anh làm là đến từng bản vận động bà con dân bản mỗi khi đau ốm nên đến chỗ anh để khám, chữa bệnh. Nếu bệnh nhẹ thì được tiêm, phát thuốc còn bệnh nặng được sơ cứu kịp thời, sau đó chuyển lên tuyến trên, chứ không nên tin vào thầy mo.

 

Gặp bà Hồ Thị Neng ở bản Cù Bai khi bà đến nhờ anh khám bệnh, bà cứ xuýt xoa khen: “Thuốc của bộ đội Biên phòng chữa bệnh tốt lắm chứ không như thầy mo chỉ biết cúng mãi mà chẳng thấy khỏi bệnh chút nào. Bây giờ, người Vân Kiều ở bản Cù Bai mỗi khi ốm đau đều đến nhờ anh Thắng chữa bệnh cho thôi chứ không gọi thầy mo như trước nữa đâu”.

 

Băng rừng chữa bệnh cho dân

 

Khi được hỏi về những chuyến băng rừng chữa bệnh cho dân, Đại uý Lê Đức Thắng kể rằng những chuyến đi như vậy nhiều lắm. Nhiều trường hợp bệnh nhân đau ốm quá nặng, không đi được, anh phải băng rừng lội suối đến tận nhà dân.

 

Anh vẫn nhớ như in chuyến đi hồi đầu năm ngoái, lúc đó khoảng 6h chiều, anh đang chuẩn bị bữa tối thì người nhà bệnh nhân đến tìm. Đường xa, mãi nửa đêm anh mới đến nhà bệnh nhân. Người bệnh bị sốt rét nhưng không được uống thuốc, chăm sóc bởi người nhà bệnh nhân cho rằng bệnh nhân bị Giàng “quở phạt” nên mời thầy mo về cúng nhiều ngày, khiến cơ thể bị suy nhược nặng. Uống thuốc của anh, vài ngày sau bệnh nhân đã khỏe lại, đi rừng đi rẫy bình thường.

 

Hay như trường hợp ông Vinh bị cây ngã đè lên cẳng chân trong rừng, không kéo ra được. Nhận được tin báo, anh cùng Trung uý Nguyễn Đình Vinh phải mang cưa máy, dụng cụ y tế cần thiết lội bộ mấy tiếng đồng hồ mới vào đến nơi. Rồi cũng phải mất nhiều giờ, các anh mới cưa được cây, lôi nạn nhân ra, tiến hành sơ cứu cấp tốc trước khi chuyến lên tuyến trên.

 

Ba năm gắn bó với công tác quân y thôn bản, anh không nhớ hết bao nhiêu lần mình lặn lội đến tận từng bản làng gần xa để khám, chữa bệnh cho bà con dân tộc Vân Kiều. Sau nhiều chuyến đi mệt mỏi đến rã rời, anh luôn tự động viên mình và đồng đội rằng chừng nào bà con Vân Kiều còn cần đến các anh - những thầy thuốc mang quân hàm xanh - thì chứng ấy anh còn lên đường đến với họ.

 

Sĩ Hoàng